Cho đến khi tuyến đường Điện Biên Phủ phóng thẳng về hướng biển, nhiều người nhận ra Tam Kỳ còn có những ngoại ô trầm lặng và dường như đang bị quên lãng. Nhưng không hẳn như thế, bởi đó sẽ là điểm dừng chân nghỉ mệt trong tương lai gần của nhộn nhịp phố…
Một góc ngoại ô gần gũi, thanh bình phía đông Tam Kỳ. Ảnh: H.X.H |
1. Hôm nọ tôi chạy xe dọc tuyến đường mới Điện Biên Phủ, chợt sững người vì lau sậy ven sông Tam Kỳ, Bàn Thạch đang vào mùa nở hoa đẹp tuyệt. Càng ngạc nhiên hơn vì những góc ảnh tưởng chừng “lạ lẫm” kia nhìn kỹ cũng thấy đâu có gì xa lạ. Bao lâu nay lau sậy vẫn vào mùa và trổ hoa. Khác chăng là ở góc nhìn, ở con đường mới băng qua sông làm ngoại ô ấy “lộ diện”.
Nhìn kỹ, qua khỏi sông Bàn Thạch là đến dải ruộng, và thêm khoảng đệm nữa mới có thể đến khu đô thị như trong tính toán của các nhà quy hoạch. Bây giờ, khoảng đệm ấy đang vẹn nguyên, làm chức năng của chiếc túi khổng lồ chứa và thoát lũ, có người còn gọi đó là “dạ dày” của phố. Qua đợt mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng hồi giữa đầu tháng 12.2018 vừa rồi, “túi nước” ấy càng được nhắc đến nhiều. Tôi càng ngạc nhiên khi biết, khoảnh đất nằm giữa hai nhánh sông kia từ lâu đã mang tên cánh đồng Nhong. Cánh đồng bình yên ấy nếu tính cả làng Đoan Trai cũ sẽ tạo thành vệt sinh thái quý giá dành cho đô thị Tam Kỳ trong tương lai gần. Và đúng như vậy, nơi đây đã lọt vào tầm ngắm quy hoạch với hướng phát triển thương mại – dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch… “Sứ mệnh” của cánh đồng Nhong đã ấn định: làng Đoan Trai được bảo tồn, có xây dựng nhưng mật độ thấp và biết cộng sinh với môi trường sông núi.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay mục tiêu cộng sinh với môi trường đã được địa phương xác lập từ sớm khi quy hoạch chung thành phố. Ý tưởng này được cụ thể hóa thông qua vệt đồng ruộng, làng mạc được bảo tồn. Trong số đó, đương nhiên có lưu vực 200ha của Sông Đầm nằm trong không gian 400ha (nếu cộng dồn cả làng mạc xung quanh) làm thành lá phổi xanh của Tam Kỳ, bao trùm cả khu địa đạo Kỳ Anh. Nhu cầu và trách nhiệm cộng sinh còn thấy nhắc đến khu vực vườn Cừa, với hai thôn Hương Trà Tây và Hương Trà Đông đủ sức định hình làng du lịch sinh thái mà nét sưa vàng bấy lâu nay đã trở thành hình ảnh đại diện. Và nữa, có vùng đất men theo các bờ sông ở vùng đất 5 sông 5 núi, dạt lên phía tây như vùng làng xóm ven triền hồ Phú Ninh hay xuống phía đông nơi có làng bích họa Tam Thanh…
Lẽ dĩ nhiên, địa danh lạ tai “cánh đồng Nhong” cũng đã được TP.Tam Kỳ thu xếp vào trong vùng cộng sinh ấy.
2. Ai theo dõi kỹ tin tức trên Báo Quảng Nam, từ hơn hai năm trước đã biết chuyện lãnh đạo TP.Tam Kỳ cùng một doanh nghiệp đóng ở Đà Nẵng đã ngồi lại bàn phương án thiết kế quy hoạch dự án khu đô thị sinh thái cánh đồng Nhong. Phương án thiết kế gồm 4 phân khu (bảo tồn - du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, công viên trung tâm, biệt thự sinh thái) với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng, từng nhận được sự chú ý của nhiều người, nhất là người dân thành phố tỉnh lỵ. Lúc đó, lãnh đạo TP.Tam Kỳ cũng “đặt hàng” doanh nghiệp về chuyện xây dựng khu vực cánh đồng Nhong trở thành khu đô thị sinh thái đặc trưng, đồng thời với việc tạo lập khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ thương mại trung tâm. Phác thảo ban đầu rất ấn tượng, khi các bên thống nhất hướng đến xây dựng một khu đô thị sinh thái, nhân văn và phát triển bền vững dựa trên cơ sở bảo tồn giá trị sinh thái làng quê hiện hữu.
Bẵng đi một thời gian, thấy có thêm nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng khu đô thị sinh thái ở khu vực này, và giờ đây lại có thông tin về nhà đầu tư khác nữa. Dù là ai, thì nhóm các vùng phong cảnh vẫn được bảo tồn tối đa theo quy hoạch phát triển cộng đồng mà Tam Kỳ đang theo đuổi.
Tam Kỳ vẫn được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan đẹp với nhiều đặc trưng, nhất là sở hữu “5 núi và 5 sông” (núi Dài, núi Cấm, núi Baty, đồi An Hà, núi Trà Cai, sông Trường Giang, Sông Đầm, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Phú, sông Tam Kỳ). Vậy nên, khi trung tâm thành phố tỉnh lỵ đang “dồn nén” các công trình nhà ở, hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao trong khu vực chỉ khoảng 8,5km2, mật độ dân số cũng tập trung cao… thì những vùng cảnh quan ngoại vi càng trở nên giá trị.
Thật thú vị, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, với phân tích SWOT, cả chữ cái S (strength, điểm mạnh) lẫn chữ W (weakness, điểm yếu) đều nhắc đến các con sông. Khác chăng, điểm mạnh nói về sự phong phú của vùng đất 5 núi 5 sông, điểm yếu nhắc đến chuyện chưa được đầu tư xây dựng để người dân có thể sử dụng và “chất lượng không gian đô thị chưa tốt”.
3. Người ta nói nhiều về sưa vàng Tam Kỳ, những con đường sưa và triền sông sưa, như một điểm đến thú vị để cư dân có thể tìm đến đó tận hưởng chút không gian yên ả giữa ồn ào phố xá. Nhưng không phải ai cũng biết Tam Kỳ còn có một vùng đồng ruộng và các nhánh sông trổ về phía bắc làm bừng lên những mùa lau sậy, bảo bọc những khoảnh ruộng thấp trũng. Hoặc biết, nhưng không mấy lưu tâm.
Sưa Hòa Hương đã sớm đi vào quy hoạch của làng sinh thái; tre và ruộng của cánh đồng Nhong cũng không trễ hơn. Những người cư ngụ Tam Kỳ có thể nhớ thương ngoại ô cũ, mỗi khi đi xa. Nhưng thú vị làm sao, khi ngoại ô ấy lại trở nên sang trọng vì đã được sớm đặt vấn đề bảo vệ trong các bản quy hoạch. Phố nào cũng cần “dạ dày” lẫn nơi chốn “ngơi nghỉ”.
HỨA XUYÊN HUỲNH