Là vùng đệm đô thị, ngoại ô thành phố giữ cho mảnh đất sôi động phố phường còn chỗ bình lặng để cây lên xanh mắt và khoảng trời rộng thênh thang cho... “đất thở”.
Thương hiệu từ... vùng đệm
Những ngày này, nhiều người Tam Kỳ bất chợt ngỡ ngàng khi biết phố của mình còn có một ngôi làng mang tên Cà Ban (xã Tam Ngọc). “Cà Ban - điểm hẹn xanh, trải nghiệm trong lành” trở thành từ khóa để cư dân phố này mong ngóng vào những ngày cuối tháng 8 tới đây.
Nằm dọc theo khúc sông Tam Kỳ, không gian làng vừa đủ xanh với vườn cây trái và những nụ cười hồn hậu của cư dân vùng đất đã hình thành từ mấy trăm năm.
Ngôi làng nằm cách không xa trung tâm phố thị, không trắc trở đường đi, có thể đến bằng cả đường sông lẫn đường bộ. Mùa lễ hội hoa sưa vừa qua của TP.Tam Kỳ, Cà Ban trở thành điểm đến để kéo giãn du khách lưu trú thêm ở phố ba sông.
Từ Vườn Cừa, cảm giác dập dềnh sông nước vừa đủ để cảm nhận, sẽ đưa người muốn trải nghiệm đến đầu làng Cà Ban. Vẫn còn rất nhiều cánh đồng xanh, vườn cây trái sum sê để người tìm đến không mang về hụt hẫng.
Rõ ràng, thương hiệu về “thành phố cảnh quan” của Tam Kỳ được bồi đắp với rất nhiều giá trị đến từ vùng ngoại ô. Mới đây nhất, Tổ chức UN-Habitat và Học viện AMC đã công bố dự án thí điểm kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế du lịch nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Theo đó, thương hiệu giá trị nghệ thuật cộng đồng bích họa Tam Thanh đã được quốc tế công nhận. Khung pháp lý định vị vai trò của Tam Thanh cũng đã được xác định.
Bà Naomi Hoogervorst - Quản lý chương trình, điều phối dự án ISCB ở Văn phòng Trung ương UN-Habitat cho rằng, dự án muốn thực hiện các giải pháp sáng tạo dưới sự cam kết của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân.
Một mạng lưới hợp tác, điều phối sẽ được hình thành trên cơ sở phân bố nguồn lực đầu tư hiệu quả, đảm bảo không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau. Những sản phẩm du lịch trọng điểm cùng các loại hình thương mại dịch vụ sẽ mở ra cơ hội bứt phá cho vùng đất này trong nay mai...
Tam Kỳ phong phú về cảnh quan khi các vùng ngoại ô của đô thị này có đủ hình thái sông - biển. Một Tam Thanh đậm chất văn hóa làng biển bồi đắp thêm cho địa danh Tam Kỳ ngày càng dày dặn về dư địa phát triển đang từng bước được nhận diện.
Một vùng sinh thái Bãi Sậy sông Đầm đặc trưng cùng niềm tự hào về các di tích đang hiện hữu. Và bây giờ, người ta sẽ lại tiếp tục biết đến một Cà Ban. Ngoại ô Tam Kỳ từ ba phía trở thành vệ tinh để lan tỏa sức hút về một đô thị phía nam xứ Quảng.
Biến động vùng ven
Nếu ngoại ô Tam Kỳ đang là nơi sở hữu các giá trị văn hóa cũng như cảnh quan đặc sắc làm nên thương hiệu đô thị, thì tại Hội An, vùng đệm trở thành nơi để người dân bản địa và người từ vùng khác chọn... định cư.
Một nghiên cứu của nhóm tác giả Thomas Jones, Bùi Thanh Hương và Katsuhiro Ando về sự bền vững xã hội dài hạn của di sản Hội An, dựa trên các dữ liệu điều tra dân số, bản đồ, phỏng vấn và quy hoạch không gian, đưa ra sự xuất hiện của những xu hướng di dân đối nghịch giữa vùng lõi và vùng đệm di sản Hội An.
“Bản đồ nhân khẩu học từ năm 2001 cho đến năm 2010 cho thấy, tại khu vực phường Minh An - khu vực nằm trong vùng lõi di sản và được bảo tồn nghiêm ngặt - chứng kiến sự suy giảm dân số lên tới 20%.
Ngược lại, trong cùng thời gian đó, số lượng dân cư tại phường Cẩm Châu và Cẩm Phô, 2 phường thuộc khu vực vùng đệm (là khu vực giáp ranh với vùng lõi và có chính sách bảo tồn ít nghiêm ngặt hơn) lại tăng tới hơn 10%.
Mặt khác, 80% dân số hiện nay tại vùng lõi di sản Hội An không phải là người bản địa. Họ chủ yếu tới từ những thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay TP.Đà Nẵng, sau đó thuê hoặc mua đất trong vùng lõi, qua đó có đủ tư cách để trở thành cư dân chính thức của Hội An.
Những người dân bản địa, theo chiều ngược lại, đã bán hoặc cho thuê nhà ở của cha ông họ để lại trong vùng lõi, sau đó di chuyển sang vùng đệm và định cư ở đây” - thông tin đăng trên tạp chí Tourism Geographies của nhóm nghiên cứu.
Đã có nhiều cuộc điều tra cho thấy tính biến động của các khu vực vùng ven tại Hội An rất lớn. Số lượng dân cư các làng xã, phường tăng 2 - 3 lần chỉ trong vòng 3 - 5 năm. Nghề nghiệp thay đổi theo xu hướng dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp thay vì chỉ làm nông nghiệp.
Thu nhập bình quân đầu người cũng khác đi. Khu vực ngoại ô của TP.Hội An cũng chứng kiến sự nở rộ các dịch vụ lưu trú bên cạnh sự gia tăng dòng người từ các vùng miền khác đến tạm trú hoặc định cư.
Rõ ràng, dù “mã gen” Hội An rất mạnh, nhưng thừa nhận những phai nhạt văn hóa truyền thống lẫn sự giao thoa cùng nhiều phong tục, nếp sống của người từ các vùng miền khác là điều đang âm ỉ. Tốt hay xấu, vẫn chưa thể minh định trong thời gian ngắn.
Ngoại ô thành phố, luôn là nơi giữ cái gốc của đô thị. Gốc ấy, đôi khi chỉ là một cuộc hội vùng đất, một nếp nghề, một đình chùa, một dòng họ còn giữ vẹn nguyên những tập quán riêng có để cháu con có dịp trở về. Ngoại ô - là vùng trời đặc biệt...