Ngoại ơi!...

Tạp văn của NGUYỄN HỮU ĐỔNG 06/06/2015 13:44

...Những lời thơ như bữa cơm tiền sử
có cả rau mơ, rau đắng, rau chua
Lời thơ ngoại sực mùi dân dã
Làm sao cháu hiểu
loại rau cải trời
ngoại nặng nợ với đất đai (*)

Chiều chưa tắt nắng hẳn. Dải ráng đỏ phía tây loang vệt dài như lòng đỏ trứng gà đổ. Bóng ngoại sẫm màu, trong chiếc áo nâu cũ như những câu chuyện ngoại kể.

Ngoại kể rằng, hồi xưa rau cải rau răm là bạn. Hơn thế, chúng cùng một họ rau. Trong những năm khốn khó nhất của cuộc đời, cải và răm luôn cận kề, chia bùi, sẻ ngọt. Răm thường chọn những chỗ đất cằn để sống, nhường chỗ cho cải những mảnh đất màu mỡ. Ngay đến nước uống, thức ăn, răm cũng nhường cho cải nhiều hơn. Rồi bỗng một ngày kia, cải bỏ lên trời, theo một người khác họ... Kể đến đó, tự dưng ngoại hát: gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu lời đắng cay…

Ngoại lại kể rằng, rau mơ, rau đắng mọc sau hè mà cũng trở thành vị thuốc quý. Ở quanh làng, chỗ nào cũng có cây thuốc; đất quê nghèo mà thuốc thì thơm thảo, đố có ai ra đường nhựa, ở phố mà tìm cây thuốc đâu. Ngày xưa có ông thầy thuốc, bảo thuốc nam chữa bệnh cho người Nam, đi tìm mãi cây thuốc cho dân nghèo mà chết trong rừng. Ông mất vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch, và cứ ngày đó người dân nghèo lại soạn cỗ cúng. Mỗi năm, ngoại và mẹ cứ chờ đến ngày mùng năm (5.5ÂL), Tết Đoan ngọ lại đi loanh quanh hái cây thuốc về “sao vàng khử thổ” rồi chờ đúng ngọ thì “hiệp” các thứ. Cũng là lá ổi, mơ, ngải cứu, tía tô, cây kinh giới, chanh, sả… Thuốc ấy, gọi chung là lá mùng năm. Đau đầu, sổ mũi, đau bụng… những thứ bệnh lài xài đều dùng lá này sắc uống, hoặc nấu xông. Cũng có khi, mẹ bốc nắm lá mùng Năm cho vô nồi nước tắm, hoặc gội tóc. Mùi lá thơm ngát, nồng nàn vị quê.

Nhưng ngoại ơi, sao ngoại không kể gì về thời chiến tranh? Tôi dụi đầu vào lòng ngoại thắc mắc.

- Thì súng đạn đì  đùng, tản cư, chạy giặc, nhà cháy, bom rơi, có gì mà kể - ngoại móm mém lảng chuyện.

- Chuyện ấy hấp dẫn hơn… rau răm, rau cải, thuốc thang… chứ ngoại?

- Bậy nào, rau cỏ là chuyện cả đời, hết đời này đến đời khác cháu ạ. Chiến tranh, giặc giã thì có gì mà hay.

Ngoại không bằng lòng kể, nhưng tôi thì cứ day dứt. Cho đến một ngày kia…

Đám giỗ ngoại và cậu đều chung một lần. Nhà chẳng còn ai, mẹ bảo giỗ “gộp” thế cho tiện. “Mà bà ngoại cũng ưng ở chung, ăn chung với cậu con, con à !”- mẹ giấu nước mắt, thì thầm. Rồi câu chuyện của mẹ dẫn tôi đi vào vùng trời bí ẩn của ngoại tự lúc nào.

Hồi đó, đâu chừng năm Mậu Thân, sau cái tết vang trời súng nổ, thì Mỹ - ngụy càn quét dữ dội hơn.  Cả làng bị xúc tát, pháo dập bom dồi hòng xóa trắng vành đai bảo vệ căn cứ Đà Nẵng từ xa. Nào Gò Nổi, Văn Ly, Cẩm Sa, Trảng Nhật... không ngày nào không có bom thả, pháo bầy. Ông bà ngoại đều bám lại, dùng dằng chưa chịu đi. Bà ngoại tiếc những luống rau răm, rau cải  đang mởn. Ông ngoại thì tiếc đám lúa đang hồi ngậm hạt. Ông đạp cả đêm với cái xe nước để tưới ruộng. Ai dè, lúc vừa xuống vét cái máng dưới xe đạp nước, thì quả pháo rơi chụp xuống, tống gãy, hất tung cả cái giàn đạp nước. Giàn xe đập xuống lúc ông ngoại đang lúi húi dưới máng nước sâu, làm sụm lưng ông. Bà ngoại chạy đôn chạy đáo tìm cây thuốc nam giã giặt, rồi tìm thầy chữa trị cho ông ngoại. Nhưng dù có đỡ bớt, ông chẳng thể nào đứng thẳng lên được nữa, lưng cong gù. Cậu, em của mẹ, nghe tin cha bị nạn trốn học từ Hội An về thăm cha. Cậu trắng trẻo thư sinh, học giỏi, tuổi vừa tròn trăng, vậy mà…  “Giặc càn!   Giặc càn !”, tiếng la oai oái từ cuối làng vọng lên. Bà ngoại bảo cậu nhanh chân chạy đi. Cậu chần chừ, lỡ tay cho ông ngoại uống bát thuốc. Thế là, đến khi cậu chạy ra thì không kịp nữa, một tràng đạn quét cậu ngã sấp khi sắp vượt  bờ keo. Buổi chiều ấy, bà ngoại và mẹ la thét giãy giụa: “Ác chi mà ác rứa trời!”, nhưng bọn lính đã kéo đi.  Chỉ còn màu loang của máu như vệt đỏ trên ráng trời chiều…

Tôi ra đứng trước ngôi mộ ngoại.  Mộ đã xanh xanh những cây cỏ. Cây kinh giới len lỏi giữa vết nứt của thành mộ. Đó cũng là một thứ cây thuốc. Chỉ tiếc rằng, trên cát cằn khô, quanh năm ít nước khó mà trồng cho ngoại một vài cây cải, một vạt rau răm. Ngoại ơi, bây giờ bà con quê mình còn kể chuyện về những loài cây cỏ dân dã ấy, chỉ có ngoại đi xa thôi, rất xa…

 Tạp văn của NGUYỄN HỮU ĐỔNG
(*) Thơ Thu Bồn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngoại ơi!...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO