1. Thiếu úy Thí tìm đến làng Thượng vào giữa trưa. Tự anh đi tìm lại gốc gác giọt máu mình mang trong người suốt hơn hai mươi năm nay ở làng này theo lá thư để lại của bà mẹ nuôi mà lâu nay anh vẫn tưởng là mẹ ruột. Đó là một buổi trưa hè năm 1976, nắng như đổ lửa. Con đường từ quốc lộ 1 đến Ủy ban quân quản xã lô nhô gạch đất mới đổ, bụi bốc mù mỗi khi có chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều với anh. Sau khi trình giấy tờ với vị trưởng ban an ninh xã, anh được một du kích chở bằng xe đạp đến nhà bí thư thôn Thượng… Thì ra, số phận lại đưa đẩy mình về cái làng Thượng này. Nếu hai năm trước, nếu cái hầm bí mật bị bật nắp, thì mình đã nằm lại vĩnh viễn ở đây rồi. Vừa ngồi sau xe đạp của anh du kích trẻ, Thí vừa nghĩ…
Bà mẹ nuôi của Thí xuống tàu thủy ở sông Hàn để vào Sài Gòn một ngày trước khi quân Giải phóng vào Đà Nẵng. Bà lại lên tàu ở sông Bến Nghé đi Vũng Tàu rồi ra Hạm đội 7 trước khi lá cờ hai màu xanh đỏ kéo lên nóc dinh Độc Lập. Trước khi đi, bà đã kịp gửi lại lá thư cho một người hàng xóm mang về Đà Nẵng cho Thí, “nếu có còn sống”!
Đơn vị của Thí vào Đà Nẵng sau khi đánh nhau một trận sống mái để tháo một chốt chặn của Trung đoàn 51 quân ngụy Sài Gòn trên quốc lộ 1. Sau đó được điều ra chiếm đóng một đồn hải quân dã chiến ngoài Cù Lao Chàm. Mãi đến gần tết năm 1976, anh mới được nghỉ phép tìm về thăm nhà. Đó là một tiệm tạp hóa nhỏ gần chợ Hàn của vợ chồng một viên chức làm việc ở tòa thị chính, nhưng bị cho nghỉ vì có liên quan đến vụ nổi dậy của Phật giáo năm 1966 ở miền Trung, mà Thí vẫn gọi là ba má và được nuôi nấng, cho ăn học đến Tú tài như đứa con ruột. Thí là một học sinh xuất sắc và hoạt động trong phong trào học sinh đô thị, được một cán bộ mặt trận gan dạ hoạt động nội thành danh tiếng lừng lẫy lãnh đạo. Năm 1973, ngay sau khi có hiệp định Paris, phong trào bị đàn áp dữ dội, hàng chục bạn bè của anh đều bị bắt gọn chỉ trong một đêm. Thí thoát thân trong sự may mắn tình cờ. Đêm ấy, anh đến học bài ôn thi và ngủ luôn ở nhà một người bạn. Khi nghe cả nhóm bị bắt, anh liên lạc với một bà mẹ hoạt động nội thành rồi theo giao liên thoát khỏi thành phố lên căn cứ. Do từng được huấn luyện trong chương trình “quân sự học đường”, anh được biên chế vào đơn vị bộ đội trinh sát cho đến ngày giải phóng…
Đứng trước căn nhà xưa là tiệm tạp hóa của cha mẹ mình, Thí không còn nhận ra, bởi không còn kệ quày, tủ kính bày hàng hóa bên trong. Thay vào đó là hai chiếc bàn bureau kiểu Mỹ và năm bảy chiếc ghế không cùng một kiểu. Một biển nhỏ ghi hai chữ màu vàng trên nền đỏ “Trực ban” trên chiếc bàn kê trước cửa, nhưng không có người. Bên ngoài, tấm bảng hiệu tiệm tạp hóa đã bị sơn lại không đều với những dòng chữ mới, màu vàng: Ban Quân quản khối phố X…
Thí chỉ thật sự cảm thấy sự đổi thay đến gốc rễ của cuộc sống khi bước về ngôi nhà cũ của mình. Trong lúc đang phân vân trước thềm nhà cũ, một bà hàng xóm chạy qua, vui mừng ôm lấy Thí như con cháu lâu ngày gặp lại. Bà hàng xóm hỏi han vài câu và xách chiếc ba lô của anh, kéo anh sang nhà mình…
Ở đó, anh nghe kể lại mọi tin tức của cha mẹ mình và nhận bức thư của họ gửi cho anh từ tay bà hàng xóm…
2. Đêm ấy, Thí ở lại nhà một bạn cũ vừa trở về từ Côn Đảo, Quỳnh “điên”. Anh ta bị tra tấn dã man từ khi bị bắt hồi sau hiệp định Paris cho đến ngày ra đảo với bản án 18 năm tù cấm cố, chỉ vì không hé răng khai báo nhưng sẵn sàng giở trò khiêu khích để hứng chịu đòn roi thay cho bạn bè. Trước khi chờ đưa đi an dưỡng, điều trị ngoài miền Bắc, Quỳnh “điên” được về thăm nhà mấy hôm.
Quỳnh điên kể những gian nan khốn khổ mà anh chịu đựng trong tù. Thèm ăn nhưng chẳng có gì để ăn, da dẻ vàng héo. Có lần các bạn tù ra tắm nắng, bắt được con dán, phải nhịn thèm để dành bồi dưỡng cho anh sau trận đòn nhừ tử và nhốt riêng ở chuồng cọp. Thí kể cho bạn nghe những trận rúc hầm bí mật với du kích địa phương thừa chết thiếu sống. Một trận ấn tượng nhất là khi nắp hầm bị phát hiện lúc mờ sáng. Bốn người dưới hầm đã chuẩn bị tung lên để chiến đấu, mười đường đã hết chín phải phanh thây. “Nhưng may sao, bọn họ lại rút đi. Lúc đó, một anh lính vừa ngồi ị ngay trên miệng hầm vừa nói: Mấy đứa bay chủ quan lắm đó nghe! Thằng khác mà thấy được cái nắp hầm không che chắn, ngụy trang ni thì coi như xong! Chắc anh lính này cũng là cơ sở…” - Thí kể.
Giấc ngủ cắt ngang những kỷ niệm chiến tranh của đôi bạn. Đến gần sáng, Thí tỉnh giấc và lén ra hàng hiên nhà bạn ngồi hút thuốc…
Mẹ nuôi nhưng còn hơn là mẹ đẻ. Mẹ nuôi anh đã từng liên lạc lên chiến khu và xin lên thăm anh. Có lần bà mang theo hai lon guigoz, một đựng thịt chà bông còn một chứa đầy vàng. “Mẹ sẽ đưa con vô Sài Gòn ăn học, có người bà con trong đó lo hết. Con cầm số vàng này để lo liệu. Cố tìm cách xuống đường lộ, thay áo quần và đón xe đò, tìm đến địa chỉ ni… Mẹ lạy con!” Bà già khóc gần suốt đêm vẫn không lay tỉnh được thằng con. Vậy mà mình chỉ là con nuôi của mẹ! Thí cảm động đến ứa nước mắt.
“Mẹ chỉ là người có công nuôi dưỡng con thôi. Hết chiến tranh rồi. Ba mẹ phải ra đi để tìm em trai con. Nó đang được huấn luyện ở Nha Trang rồi được đưa đi Mỹ trước ngày Sài gòn giải phóng. Khi con về lại và nhận thư này, con nên tìm về làng Thượng, huyện K. cách Đà Nẵng hai mươi cây số để tìm nhà ông Tình. Ông ta khoảng 60 tuổi, là một thợ đan đồ tre nổi tiếng. Ông ấy chính là cha ruột con. Còn mẹ ruột con sau khi đưa con cho mẹ ở nhà thương thí, đã theo gia đình đi biệt xứ, nên chưa biết tông tích…
Hôm sau, sau khi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ Quỳnh “điên”, Thiếu úy Thí đón xe đò tìm về làng Thượng…
3. Làng Thượng nổi tiếng từ xưa với nghề làm đồ bằng tre. Từ phên, cột, rui mè đến giường, ghế tre… bán ngoài Hàn, dưới phố Hội đều có xuất xứ ở làng này. Nghề tạo ra những nghệ nhân, từ những quán quân đốn tre, đan lát cho đến những người gánh các sản phẩm lội bộ hàng chục cây số đến với người mua. Đứng đầu bảng về chuyện đốn tre là lão Húp, còn lão già Lung giỏi về đan thúng, đan ghe, bẻ miệng. Nói đến đóng giường, làm kèo cột lại có lão Hiên với phương châm “bộng trong xong ngoài”, nghĩa là lỗ đục bên trong phải rộng hơn bên ngoài, để khi tra nối hai khúc tre khác kích cỡ vào nhau, sẽ khít chặt, tạo ra độ bền và vẻ đẹp của sản phẩm... Lão Tình đa tài hơn, vừa có mẹo đốn tre vừa đan thúng, bẻ miệng không ai bằng.
Người làng Thượng sau chiến tranh còn kể rằng chỉ một buổi sáng, lão Tình đã đốn cả bụi tre năm bảy chục cây mang về đến sân nhà, trong khi những trai làng khỏe mạnh giỏi lắm cũng chỉ đốn được chục cây. Nhiều người đan thúng mủng khá đẹp, nhưng đến công đoạn bẻ nan để niềng miệng, hoàn tất sản phẩm thì phải nhờ đến đôi tay tài tình của lão. Đã vậy, lão lại có giọng hò nhân ngãi, ngâm thơ đến nao lòng. Vừa đốn tre ngoài vườn hay đan lát trong hiên nhà, miệng lão luôn hò hơ, khoan hụi những bài hát trai gái vẫn hát trong những đêm trăng làm chung công việc, hoặc ngâm nga bài thơ nào đó vừa nghe trên radio. Nhiều câu lão hát nghe ngồ ngộ, lả lơi khiến mấy cô gái đỏ mặt tía tai là thường…
Mụ Sáu Ổi có tên cúng cơm là Sáu, ghép với tên chồng nên thành Sáu Ổi. Tuy đã có hai mặt con nhưng vẫn còn “nước non” lắm. Mỗi buổi sáng, buổi chiều vào lúc cho heo ăn, mụ thường nán lại ở gian bếp để nghe tiếng hò của lão Tình từ bên kia vọng sang. Chồng mụ, lão Ổi lúc thì vác tre ra Hàn, lúc xuống phố Hội rồi ở lại đó năm ba ngày dựng nhà cho khách cùng với người anh cả trong họ là lão Hiên. Một mình mụ ở nhà với hai mụn con và hai con heo cỏ trong chuồng. Chuồng heo cũng làm bằng những thanh tre thải ra, bên ngoài che vài tấm tranh rạ sơ sài để ngăn gió, nên trong ngoài nhìn nhau đều tỏ…
Hôm đó, lão Tình đang đốn mấy gốc tre gần chuồng heo. Thấy mụ Sáu đang lom khom cho heo ăn, hai quả ngực căng sữa lúc lắc trong tấm áo cánh, khiến lão thấy khô cổ họng. Lão cất giọng đẩy đưa: Cao lớn làm chi tre hỡi tre/ Ruột gan không có vỏ xanh lè… Sơ sơ gió thổi khom lưng lại/ thoang thoảng trĩu qua trợn mắt ghe… Lập lờ đánh lận chân quân tử/ Nỡ để thân danh lụy rứa hè…(1)
Thấy mụ Sáu lắng nghe và mỉm cười, lão Tình mới mạnh dạn chui bụi tre bước qua:
- Chu choa, em có tay nuôi heo dữ hè!
Vừa nói, lão vừa đưa tay vờ đụng đôi bầu ngực đang căng tròn của Sáu Ổi. Chồng vắng nhà, lại vừa mới vào tuổi ba mươi, Sáu Ổi vẫn ngồn ngộn sức xuân. Mụ đỏ mặt:
- Kỳ chết, coi chừng mấy đứa nhỏ…
Chỉ cần có vậy, tối đó, lão Tình rúc rào mò qua. Mụ Sáu mang cái gáo dừa đựng cơm dụ con chó mực ra phía gần đầu ngõ. Cuộc vụng trộm diễn ra sau đó nhiều lần trong gian bếp chưa đầy bốn mét vuông, nhưng khó dứt ra được…
Có lần mụ Sáu nói với lão Tình:
- Tui thương ông, nhưng mà đụng đến chưn giường là có chửa! Tui sợ lắm! Đẻ ra nữa thì lấy gì cho nó ăn?
Lão Tình vừa mơn trớn hai bắp đùi mát rượi của mụ Sáu trong bóng đêm, vừa thầm thì lừa phỉnh:
- Con nít nó ăn uống bao nhiêu đâu mà mụ lo!
Vậy là mụ sáu buông xuôi.
Nhưng cây kim để trong bọc áo còn thấy được, huống chi là… cái bụng của thiếu phụ mới tuổi ba mươi cộng với lời ra tiếng vào của chòm xóm. Một đêm tối trời, chồng Sáu Ổi vừa ra đi từ buổi sáng đã quay về nấp rình trong bụi chuối sau hè và đã bắt tại trận sự vụng trộm động trời kia.
Trong căn nhà tranh tre tù mù ngọn đèn dầu sau đó, có mặt cả ban đại diện xã, các bô lão bà con hàng thúc bá, hai kẻ ngoại tình đã nhận tội và khai ra từng chi tiết một. Vợ lão Tình vốn là người bà con trong tộc, lại khôn ngoan nên đứng ra xin làng xã, gia tộc cho nhận trách nhiệm, hứa đưa Sáu Ổi ra thành phố để tránh tai tiếng và hứa sẽ không đưa đứa bé về làng. Vì gia tộc, vì tương lai của con cái và khuyên răn của đại diện làng xã, Lão Ổi cắn răng chấp thuận…
Đó là những gì thiếu úy Thí đã nghe được trong đêm ở lại nhà vị bí thư thôn Thượng. Té ra người này từng là xã đội phó trong chiến tranh, từng rúc hầm bí mật mấy lần với Thí. Chỉ có điều, ông ta không ngờ anh chính là giọt máu của làng mình…
4. Cả vợ chồng lão Tình đã bị bom đạn giết chết trong chiến tranh. Anh con trai trưởng làm việc ở xã lại đang đưa dân đi kinh tế mới trên Tây Nguyên, nên hôm sau, vị bí thư thôn Thượng chỉ đưa Thí sang nhà đốt mấy nén nhang trên bàn thờ vợ chồng lão Tình, coi như bộ đội ở trên về thăm lại gia đình cơ sở, chứ chưa nói với ai một lời…
Thiếu úy Thí sau đó được điều động đi truy đuổi nhóm fulro, ổn định an ninh trên mấy huyện Tây nguyên, nên mãi sáu tháng sau anh mới quay về làng Thượng.
Con trai trưởng lão Tình, nhiều bô lão đại diện chi tộc và chính quyền thôn Thượng đều có mặt. Trên chiếc mâm đồng, ngoài trầu cau, trái cây, hương đèn và hai chai rượu lễ do vị bí thư tư vấn mua sắm, Thiếu úy Thí còn kèm theo một phong bì không dán, bên trong là lá thư mà anh đã nhận được của người mẹ nuôi khi quay về tìm lại tiệm tạp hóa ở Đà Nẵng.
Phải đến cả trăm người dân trong làng đến xem vì sự hiếu kỳ. Sau khi thắp hương cáo gia tiên, các bô lão đã đưa Thí đến nhà thờ tộc, cũng với một mâm lễ vật do gia đình lão Tình sắm sửa để xin nhận họ của đứa con mới tìm về...
Đó là một ngày vui của gia đình, kể cả anh em thúc bá của lão Tình từ ngày hai vợ chồng lão nằm xuống. Lá rụng lại về cội, nhưng vui là lá vẫn còn xanh, một vị cao niên trong lúc trà rượu đã nói vậy. Một vị khác thêm vào: Cái tên của cháu Thí đây tôi đoán ra rồi. Vì nó được đưa ra đẻ ở nhà thương thí hồi đó, chắc là do thím Tình đặt thôi. Thím ấy nhận hết mọi hậu quả để cả hai bên gia đình đều yên ấm, bảo vệ cả bên nhà mẹ ruột của cháu Thí đây…
Đến đó, trong những người được mời dự tiệc, có ông cụ Hiên, tuy đã gần chín mươi, nhưng hãy còn minh mẫn lắm. Cụ Hiên đứng lên vừa mếu máo vừa nói: Về huyết thống thì tui với cháu đây coi như vô can, nhưng tui cũng mừng. Mẹ đẻ của cháu là dâu của nhà tui, sau ngày cả nhà bỏ làng đi vào nam cho đến khi cả hai vợ chồng Sáu Ổi qua đời nơi đất khách, mụ vẫn là con dâu nhà tui…
Lão Hiên lại mếu máo không ra lời. Như thấy cuộc vui bỗng chùng xuống sau những câu nói của mình, lão Hiên lau nước mắt nói thêm:
- Nhưng việc cháu Thí tìm về nguồn cội khiến tui cảm động mà khóc. Tui lại nhớ đến lời nhắn gửi của thằng Ổi nhà tui trước bữa dẫn vợ con đi biệt xứ. Nó nói với tui rằng, nó không ở lại làng vì xấu hổ là một, nhưng quan trọng hơn là để giữ tiếng cho gia đình. Rồi nó đưa cái trích lục ngôi nhà nó cho tui và dặn, sau này nếu cần đất làm nhà thờ chi phái, anh cứ lấy cái nền nhà của em… Bà con cô bác ơi, dân làng này dù có lỗi lầm tày đình gì nữa, đều có tấm lòng như nhau cả. Kẻ ra đi hay kẻ trở về đều vậy, luôn nghĩ đến mình ít hơn nghĩ đến người khác. Tui nói rứa chắc cháu Thí và bà con đều hiểu…
Hơn mười năm sau, lúc kể lại câu chuyện của mình cho tôi (tác giả của thiên truyện này), khi gặp nhau trên chiến trường Campuchia, Trung tá Thí cho biết, chỉ một tuần sau đêm mừng anh về nhận họ đó, lão Hiên cũng đã theo về với ông bà…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(1) Tương truyền là một bài vịnh của cụ Tú Quỳ ở Đại Lộc.