Ngoại tôi

PHI KHANH 23/07/2015 15:21

(QNO) - Mẹ tôi kể, ngày bác sĩ báo tin mẹ mang thai đôi, mẹ tôi về nhà khóc nức nở. Thời của mẹ tôi, người mang thai đôi không phổ biến như bây giờ, chưa kể gia đình từ Quảng Nam vào Sài thành lập nghiệp chưa tròn hai năm, đang còn ở nhà trọ, thêm một lúc sinh hai đứa con thì nuôi sao nổi. Cầm kết quả trên tay, người đầu tin mẹ báo tin chính là bà ngoại. Nghe mẹ tôi khóc, ngoại trấn an “trời sinh voi sinh cỏ”, sinh một lần hai đứa là “trời cho”, sao con lại khóc? Mấy lời động viên của ngoại, khiến mẹ vững tâm hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mẹ kể, ngay từ khi hay tin mẹ cấn thai, ngoại tôi đã chuẩn bị tinh thần “nam tiến”. Ngoại chuẩn bị một chai rượu gừng để sản phụ xoa bóp cho thơm tho, vừa làm ấm cơ thể. Chai rượu gừng được chôn xuống đất mấy tháng trời, cho đến khi chuẩn bị lên đường, ngoại mới moi lên, cho vào túi xách. Rồi thì một bao lá khô các loại, nấu cho bà đẻ uống. Rồi đường phèn, cam thảo, nghệ bột, mật ong, cả mấy chục trứng gà ta, ngoại cũng gói ghém cẩn thận, mang vào. Thấy ngoại vất vả với mấy món đồ xách từ quê, mẹ tôi có vẻ không ưng ý, rằng thời đại mới không cần phải hơ háp, uống nước lá, kiêng khem như trước. “Của một đồng, công một lạng”, nhờ thế mà mẹ tôi mới uống, mới xoa. Chẳng biết có phải nhờ các thứ đùm túm ấy của ngoại, đã khiến sữa mẹ “mát”, nên chị em tôi chỉ vài tháng sau đã có da có thịt. Ngoại chăm sóc mẹ tôi kỹ càng, vẫn áp dụng “bài” nuôi đẻ của các cụ ở quê, để mong mẹ tôi sau này ra ngoài không ngại gió, không ngại lạnh, da dẻ hồng hào...

Bốn tháng thai sản qua mau, mẹ tôi đi làm trở lại. Ba tôi ngày ấy là lao động chính, cật lực làm việc để bảo đảm kinh tế cho cả nhà, nên việc chăm chị em tôi đều một tay ngoại lo liệu. Hồi ấy ba mẹ chưa sắm được máy giặt, nên riêng chuyện giặt tã cho hai trẻ sơ sinh, đủ khiến ngoại vất vả, rồi thì tắm táp, nấu nướng, cho chúng tôi ăn uống, khiến ngoại xoay như chong chóng. Sống cùng gia đình tôi trong căn phòng chật chội, khác xa với căn nhà ba gian hai chái rộng rãi ở quê, nên ngoại hay đùa là gia đình tôi giống như đang sống trên ghe, chỉ cần với tay là có thể lấy được thứ cần dùng.

Gần gũi nhau như thế, nên từ ngày mẹ đi làm trở lại, chị em tôi đã biết cảm được “mùi” của ngoại, từ bước chân đi, đến giọng nói, hơi thở, ánh nhìn. Chúng tôi “mết” ngoại hơn cả mẹ. Mẹ tôi kể, có một hôm ba chở ngoại đi nha sĩ trồng răng, đến chập tối vẫn chưa về. Chị em tôi dù được mẹ dỗ dành cỡ nào cũng khóc cả giờ đồng hồ vẫn chưa nín. Có bận ngoại về quê làm đám giỗ ông, mới mấy ngày mà ngoại bảo nhớ chúng tôi không chịu nổi. Sau giỗ vài ngày, ngoại tất tả trở vào. Cứ như thế, chúng tôi lớn lên bên ngoại, cảm nhận lời ru mượt mà từ làn điệu dân ca xứ Quảng, cùng ẩm thực phong phú quê ngoại, từ nếp ăn, cách nghĩ đều ảnh hưởng nhiều từ ngoại.

Bà cháu tôi sống bên nhau khi chúng tôi học hết lớp một, vì ngoại phải về quê chăm sóc vườn tược, nhang khói ông bà. Nhưng mỗi năm ngoại đều tranh thủ vào thăm chị em tôi vài lần. Chúng tôi cũng được ba mẹ đưa về thăm ngoại mỗi dịp hè. Ngoại tôi giờ đã già, lưng còng nhiều, việc đi lại cũng khó khăn. Ngoại chắc là sẽ không còn cơ hội vào thăm chúng tôi vì tuổi cao sức yếu. Chị em tôi gặp ngoại, hay nắn bóp đôi tay chai sạn, nhăn nheo, đôi bàn tay gần bảy năm trời “đánh vật” với chị em tôi, rồi nhắn nhủ “ngoại phải sống lâu 100 tuổi, sau này chết sẽ hóa thành con chim, bay vào Sài Gòn với bọn con. Nhà con bây giờ thênh thang rồi, không còn sống trên “ghe” nữa đâu mà ngoại lo!”. Ngoại lại cười, móm mém, vết chân chim cứ thế chạy mãi trong ký ức chúng tôi…

PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngoại tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO