Các hãng lữ hành, địa phương mở một số tour, thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, góp sắc màu cho Festival Di sản Quảng Nam 2013.
|
Vùng sinh thái đặc thù
Mảnh ruộng, đàn trâu, ao cá, con thuyền… của dân Cẩm Thanh đã “hút hồn” khách ngoại quốc thông qua các sản phẩm du lịch “độc đáo”.
“Không gian văn hóa, hoạt động lễ hội và phiên chợ quê cuối thế kỷ XIX” được phục dựng giữa đồng lúa thôn Võng Nhi do Công ty TNHH Quản lý và đầu tư Viet Café (Hội An) tổ chức hồi tháng 3.2013 với sự tham gia của 100 vị khách nước ngoài đã để lại nhiều dư vang ấn tượng.
Sinh thái Cẩm Thanh . Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Hình ảnh phiên chợ giữa cánh đồng, con đường nhỏ qua cầu tre gập ghềnh, thấp thoáng bóng người làm cỏ, thăm đồng lẫn giữa điệu hò khoan, ngát thơm mùi khói rạ đốt đồng… đã khiến nhiều người phấn khích. Những chuyến ngoạn du của khách về vùng sông nước Cẩm Thanh - nơi lưu giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhiều cồn bàu, rừng dừa nước quanh năm xanh tốt và nhiều nghề truyền thống… ngày càng nhiều hơn. Sau chuyến đi câu cá, bủa lưới trong rừng dừa Bảy Mẫu, David Samdey (Mỹ) lưu trú tại khách sạn Nhà Cổ nói, bơi thuyền thúng, chài lưới, đánh bắt hải sản với dân làng vui tính, thật thà, mến khách là những trải nghiệm khó quên.
Bảo tàng Chu Lai. |
Không chỉ riêng tour nông nghiệp, cuộc khám phá làng bằng xe đạp theo một lộ trình qua không gian yên bình, thơ mộng, dân dã của vùng quê nằm ngoài “cơn lốc đô thị hóa” cũng đã thu hút sự quan tâm của du khách. Ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết, sẽ mở thêm tuyến tham quan, trình diễn, dạy nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa nước, đan lưới... “Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng là hướng phát triển chủ đạo để xây dựng Cẩm Thanh trở thành vùng sinh thái mang đậm bản sắc làng quê Việt” - ông Hùng nói.
Biển và cổ vật
Rời Hội An, trên con đường chu du qua những làng nghề đến miền hoài niệm Mỹ Sơn, xin đừng quên ghé “căn nhà bảo tàng” chưa bao giờ khép cửa trước UBND huyện Điện Bàn. Nơi ấy có thể tìm thấy “thời gian đã mất” qua các hiện vật trưng bày. Gần 60 mộ chum và 8.000 hiện vật có giá trị khảo cổ sau 3 đợt khai quật tại khu mộ chum Lai Nghi, nhất là bát gốm 4 chân, nằm lẫn trong các đồ tùy táng khác, đã được tìm thấy lần đầu tiên tại di chỉ mộ chum Sa Huỳnh trên khắp dải đất dọc miền Trung… là những cứ liệu khảo cổ học quan trọng. Nhiều hiện vật, đang được trưng bày tại bảo tàng sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học tìm cách đưa ra những lý giải, lấp đầy khoảng trống giữa hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Champa. Hoặc bộ sưu tập hiện vật từ thời tiền sơ sử, chiến tranh đến bộ sưu tập đèn dầu cổ của người con quê xứ gửi về đất mẹ đều mang đậm linh hồn và tiếng nói của lịch sử. Đằng sau cái quá vãng mịt mù ấy còn khá nhiều điều hấp dẫn, định danh giá trị của một vùng đất.
Sinh thái miền núi. |
Còn nơi Chu Lai nắng gió, gần 3.500 hiện vật đang trưng bày trong khuôn viên 5ha, Bảo tàng Chu Lai (Núi Thành, thành lập vào tháng 4.2011) được đánh giá là bảo tàng tư nhân lớn nhất khu vực miền Trung. Nơi miền chân sóng ấy, người thưởng ngoạn sẽ bị mê hoặc bởi sự đồ sộ của khu trưng bày văn hóa Champa (2.000 hiện vật), bộ sưu tập đa dạng xuyên suốt lịch sử cổ xưa và hiện đại của súng thần công (hơn 140 khẩu), nhà Tây Sơn, Hoàng thành Thăng Long, hơn 250 cổ vật gốm sứ thuộc văn minh sông Đồng Nai (có cái được chú thích đến 4.500 năm), khoảng 1.000 cổ vật được chú thích là di vật thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn... và cả văn minh Tây Nguyên. Và biển Rạn, bãi Bàn Than xinh đẹp long lanh trong khu vực giữa mùa hè cháy nắng sẽ hòa điệu sống cùng bảo tàng, tạo một bức tranh toàn mỹ.
Tìm làng trên non
Bốn mươi năm trước, một nhóm người Cơ Tu trên rẻo cao giáp biên giới Lào đã di cư xuống vùng thấp, chọn những rẻo đất nhỏ dọc quốc lộ 14G, khai sinh làng và Bờ Hôồng, tiếp tục nghề hỏa canh, nương rẫy, săn bắt, hái lượm…
Thế giới đằng sau cánh cổng làng Đờ Rhoong (xã Tà Lu, huyện Đông Giang, cách Đà Nẵng 75km) ngược dốc như lên “đỉnh trời” yên bình ấy có gươl, trẻ vui đùa… Những con đường nhỏ đầy cỏ dại, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ dưới thung sâu hoặc cheo leo treo mình trên sườn đồi. Bóng mế già lụi cụi trên thung vắng rồi mất hút đâu đó phía bìa rừng để lách qua dòng suối nhỏ đến tận thượng nguồn, qua những đồi cỏ xanh tươi, lấp lánh hoa rừng rực nắng dợn sóng đến chân trời. Làng thú vị không chỉ suối mát, nương chiều vàng mà đẹp sau đuôi mắt sơn nữ bên hiên nhà dệt vải và người già ngồi đan bên nhà sàn. 110 hộ người Cơ Tu của làng không có thu nhập gì ngoài nghề nông nghiệp hỏa canh (phát, đốt nương làm rẫy). Nghề đan lét mang theo những ngày di cư ấy chỉ để đan gùi, xà-lét, sử dụng trong gia đình, tặng người thân hoặc bán cho người làng bên hay khách qua đường đã dần mai một. Nghề dệt truyền thống trồng bông, kéo sợi, dệt vải, tạo ra mô típ hoa văn độc đáo của tộc người cũng đã thay bằng vải sợi công nghiệp. Người thợ dệt chỉ giữ lại “khung dệt” bằng tre truyền thống, kết hợp với mẫu mã hiện đại để tạo nên những sản phẩm thổ cẩm đầy màu sắc.
Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: T.DŨNG |
Xa Đờ Rhoong 16km, mảnh đất Bờ Hôồng (cách Đà Nẵng 60km) bé nhỏ nép mình bên dòng sông Kôn là ngôi làng Cơ Tu còn bảo lưu nhiều dấu tích nguyên thủy. Có một sợi dây văn hóa truyền đời không bị mất đi ở làng. Mùa xuân đến làng, sẽ nghe vọng tiếng cồng chiêng, hát múa. Các cô gái Cơ Tu trong trang phục lễ hội dịu dàng bưng những ống bương, tre, vỏ trái bầu khô, lấp lánh nước suối trong, đổ vào các ché rượu cần xếp thành dãy trong gươl. Ngày thường, nếu không “đặt hàng” trước, sẽ vắng những điệu múa, món ăn “đặc biệt” của đồng bào như món bánh sừng trâu, cơm lam hay món chà rá. Những ngày ở làng, khách có thể nhờ người địa phương hướng dẫn mở những cuộc thám du nhỏ, ngược suối, ngắm cảnh, lội rừng… hoặc ngắm những nương chiều mênh mông lúa vàng với những bà mế già cặm cuội bên sườn đồi và mây ngàn lãng đãng.
Hạ tuần tháng 6 này, hai làng này sẽ mở cửa đón khách. Những tấm khăn trải bàn, thảm lót sàn, túi đựng nước, thắt lưng, ví, khăn… từ thổ cẩm được cách tân bằng mẫu thiết kế hiện đại và hàng mây tre bày sẵn để mời người. Khách đến làng, mua sản phẩm thủ công tinh xảo, sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, nghề truyền thống thoát khỏi nguy cơ thất truyền để nghệ nhân tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo văn hóa. Nếu muốn, khách không cần vội vã trở lại thành phố ban chiều hoặc ngược lên thị trấn P’rao để trú qua đêm nữa. Làng có cả homestay với những căn gác thơm mùi gỗ và một khu du lịch cộng đồng luôn mở cửa đón khách qua đêm giữa những nhà moong.
Khách du lịch có thể mua tour tại Công ty Du lịch mạo hiểm hoặc Rose Travel tại Hội An và có thể “phượt” miền tây xứ Quảng để gặp... làng!
ĐÕ HUẤN - ANH TRÂM - NAM KHA