Tôi biết đến tác giả Vân Trình qua nhiều bài khảo cứu đăng trên báo Quảng Nam cũng như các báo, tạp chí khác những năm qua. Từ những tác phẩm được chắt lọc của anh, có thể cảm nhận tác giả chịu khó “lắng nghe quá khứ”, như anh tâm đắc với lời khuyên của nhà nghiên cứu Tần Hoài Dạ Vũ: “Nếu biết lắng nghe, quá khứ bao giờ cũng nói với chúng ta một điều gì đó”.
“Ngọc trong đá” là tập khảo cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian của tác giả Vân Trình (NXB Hội nhà văn, năm 2021). Đây là tập sách thứ ba của tác giả (hiện công tác tại Trung tâm VHTT-TTTH huyện Đại Lộc), trước đó là các tập “Từ lời hát ru xứ Quảng” (biên khảo), “Ngọn bút sắc của vị “kiều tướng” (nghiên cứu, biên khảo). Anh đặt tên tác phẩm là “Ngọc trong đá”, bởi theo anh, văn hóa dân gian là những “viên ngọc quý” nhưng lại nằm sâu trong các tầng vỉa, cần được phát lộ.
Đồng cảm với anh, nhà giáo Phạm Thế Chất viết: “Không đam mê, tận tụy, tâm huyết; không biết “lắng nghe” quá khứ; không ngụp lặn trong vỉa tầng văn hóa sâu sắc, mênh mông của quê hương, dân tộc, nhân loại thì chưa thể có “Ngọc trong đá” mới mẻ, lay động, lôi cuốn người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đến vậy”.
Với 35 bài khảo cứu, “Ngọc trong đá” chia thành 3 phần: huyền tích, truyền thuyết; phong tục, thú vui dân gian; góc nhìn văn hóa. Tìm hiểu về “Tam vị thủy tướng”, anh nhận định về sự giao thoa độc đáo về văn hóa tâm linh giữa hai địa phương trên nguồn (Đại Lộc) - dưới biển (Hội An).
Là người làm công tác quản lý văn hóa, có góc nhìn sâu sắc về lĩnh vực này, bên cạnh cung cấp tư liệu về văn hóa dân gian xứ Quảng, anh ưu tư, trăn trở với những tập tục lạc hậu, những thất truyền trong thực hành lễ nghi gia đình và từ đó đề xuất những giải pháp từ thực tiễn công tác và quản lý.