(VHQN) - Chẳng mấy khi được cái thú phía trước là sóng reo còn bên này là lửa nổ lách tách bởi mấy con hàu nướng mọi trên than. Mùi biển cả, chắc chắn phải có vị của những hải sản được thưởng thức ngay trên bãi cát mịn này...
Ẩm thực - hình như là con đường ngắn nhất gây nhớ thương về mỗi vùng đất. Ít ra, nó đúng với kẻ mê... mùi vị. Nhất là với xứ biển như Quảng Nam, cả dặm dài các làng ven biển, để thương để nhớ cho người ta là gì nếu không phải những bữa ngồi trên bãi biển, say rượu thì ít mà say cảnh, say tình, say hương thì nhiều. Nhóm một bếp lửa, rồi thì cá đó, tôm đó, mực vừa câu về đó, bạn đã dành bụng để cùng người xứ Quảng say sưa?
Mùa này, người biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) còn có đặc sản cá trích. Cá vừa bủa về, trong đêm, họ lóc thịt bóp gỏi ngay tại chỗ. Ghém một miếng để vừa khuôn miệng mà cứ ước giá như được xúc thêm. Giữa thứ ánh sáng vàng võ từ phía ngư dân vừa về, từng mắt lưới được gỡ ra, chậm rãi và hạnh phúc.
Hình như có cả tiếng cười khúc khích từ phía những người đàn bà miền biển đang “gom” niềm vui của chồng, của con mình. Cái miếng ngon lúc này, không chỉ thơm và tươi, mà còn cả ấm áp. Từ lâu, gỏi cá là món trở nên khá phổ biến của cư dân đi biển.
Trong mạch nghiên cứu về văn hóa biển Quảng Nam, nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng cho rằng, đối với cư dân vùng biển như ở Tam Thanh, món ăn đặc sản thường ít được chú ý và thường không nổi trội so với các vùng quê khác.
“Cũng dễ hiểu vì cư dân không có thời gian cho việc chế biến món ăn, do một phần còn khó khăn về kinh tế. Nhưng mặt khác chính yếu tố gần biển lại tạo cho quê hương Tam Thanh những món ăn thú vị mang đậm chất biển” - ông viết.
Ở những nơi ẩm thực giao hòa theo vị thế vùng đất như Tam Kỳ chẳng hạn, món ngon gần như là hợp âm giữa vùng biển, vùng cửa sông và trộn cả vị của thị thành. Đó là chén nước mắm đậm vị của vùng Tam Thanh, là con cá biển ngang tươi rói không cầu kỳ gia vị mà ngọt lựng, hay món mít hông ngọt bùi ở đất Tam Kỳ.
Món của vùng biển, rõ ràng không giống như món ở rừng núi, bởi không cần phải tẩm ướp gia vị. Vì tự trong mỗi loại nguyên liệu của món ngon, đã có vị ngọt, vị tươi. Thưởng thức hải sản, là ăn lấy ăn để cái tươi roi rói đó. Nên mới biết rằng, thưởng thức một món ngon, hiểu tường tận về vùng nguyên liệu bản địa, là một cách khám phá mới.
Tôi từng mơ tưởng về một “biên niên sử” ẩm thực của xứ Quảng. Ở đó, hành trình của con đất được ghi lại bằng các món ngon qua từng giai đoạn. Thật hay biết bao nhiêu nếu có một catalogue đặc sản của từng miền đất xứ Quảng đến tận tay với du khách.
Vì món ngon, chính là thứ có thể đạt tới độ bao chứa cả những giá trị sâu sắc ở khía cạnh văn hóa, lịch sử, tự nhiên độc đáo của mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng. Với những xứ sở biết cách tôn vinh và quý trọng thứ mình đang sở hữu, thì phát huy giá trị tưởng rằng bé mọn này, sẽ làm nên sức hút níu những bước chân đã qua, trở lại...