Ngòi bút chiến đấu của nhà báo Nguyễn Ái Quốc

VÂN TRÌNH 17/06/2015 09:20

Giữa năm 1922, Khải Định lên đường sang Pháp dự hội nghị triển lãm thuộc địa tại thành phố Marseille (miền Nam nước Pháp). Đang hoạt động cách mạng ở Pháp, không bỏ lỡ cơ hội, nhà báo Nguyễn Ái Quốc tấn công ngay trò hề này bằng nhiều tác phẩm giàu sức chiến đấu.

Ngày 24.6.1922, báo L’Humanité (Nhân đạo) đăng truyện ngắn “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc, nội dung kể lại giấc mơ kỳ lạ của “thiên tử” (vua Khải Định). Trong mơ, vị Hoàng đế của nước An Nam thuộc Pháp đã được gặp Bà Trưng Trắc - người anh hùng dân tộc đã đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc đầu thế kỷ thứ I. Thông qua lời nhân vật Trưng Trắc, tác giả vạch trần thân phận tôi tớ của Khải Định và hậu quả tai hại của chuyến đi Pháp: “Có thấy không, con! Chẳng thể bao giờ trong niên giám nước mi lại có một vua Nam nào chịu làm tôi tớ như mi, lại có một cuộc ngự giá tuần du nào thảm hại đến mức này… Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng ca-nông”.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu)

Ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc tiếp tục phơi bày cho công luận Pháp sự dốt nát, đớn hèn, thái độ vô trách nhiệm, bất lực của ông vua bù nhìn Khải Định trong thời gian trị vì đất An Nam. Đặc biệt, trên báo Le Paria (Người cùng khổ) số 5 ra ngày 1.8.1922. Nguyễn Ái Quốc có bài “Khai hóa giết người” kể lại một vụ giết người dã man ở Nam kỳ mà thủ phạm không ai khác chính là một kẻ đi “khai hóa”, thế mà y không hề bị trừng phạt gì cả. Tác giả bài báo kết luận và cũng là lời lên án nghiêm khắc đối với những kẻ cướp nước và bọn tay sai phản dân hại nước: “Trong lúc ở Mác-xây, người ta triển lãm cảnh phồn vinh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Xa-rô?”.    

Tám ngày sau, nhà báo Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục “chất vấn” khá gay gắt về những hành vi của Khải Định trong thời gian ở trên đất Pháp bằng bài viết “Thư gửi Khải Định” đăng trên báo Le Journal de peuple. Nếu như ở phần mở đầu bài viết, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh mục đích của chuyến đi không mấy hay ho của Khải Định: “Ngài đã đến - hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa Ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ” thì ở đoạn cuối, tác giả không quên châm biếm, mỉa mai và dự báo kết cục thảm hại của chuyến “Tây du” đầy tốn kém nhưng vô ích này: “Vĩnh biệt... người đồng hương! Một khi mà những đợt sóng biển vô tình đã lấp kín vết đi của con tàu Ngài ngồi thì nước Pháp sẽ quên Ngài, cũng như Ngài sẽ không còn nhớ chút gì về những người Pháp nữa”.

Bên cạnh hoạt động sôi nổi và đầy hiệu quả trên mặt trận báo chí, Nguyễn Ái Quốc còn “tác chiến” cả trên lĩnh vực nghệ thuật. Người viết một vở kịch “Rồng tre”. Đại ý vở kịch như thế này: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên với hình dáng con rồng. Vở kịch này bị Chính phủ Pháp cấm nhưng được Câu lạc bộ Ngoại ô Paris (Club du Faubourg) - nơi Nguyễn Ái Quốc thường xuyên sinh hoạt - dàn dựng và công diễn tại Gacso (vùng ngoại ô Paris) vào ngày hội hàng năm của báo L’Humanité (Nhân đạo) vào ngày 18.6.1922, tức là 3 ngày trước khi Khải Định đặt chân tới Paris. “Rồng tre” được các nhà phê bình văn nghệ khen hay và gây tiếng vang trong công chúng Pháp.

VÂN TRÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngòi bút chiến đấu của nhà báo Nguyễn Ái Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO