Tọa lạc trên ngọn núi ở xã biển Tam Hòa (Núi Thành) là một ngôi miếu cổ có từ thế kỷ 18 với một huyền thoại kỳ bí được người dân lưu truyền từ bao đời nay…
Miếu Vạn. |
Lịch sử ngôi cổ miếu...
Men theo con đường đất nhỏ về phía sông Trường Giang thuộc địa bàn thôn Long Thạnh Đông (xã Tam Hòa), từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một khu rừng xanh tươi với nhiều cây cổ thụ nổi bật trên vùng cát trắng. Đi vào bên trong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một khung cảnh hoang sơ và có phần kỳ bí của các tảng núi đá và cây rừng mọc ngay bên dòng sông Trường Giang. Giữa khu rừng là ngôi miếu cổ có tên Miếu Vạn. Với diện tích khoảng 48m2, miếu có 4 dày kèo, 12 cột gỗ mít lớn, mái lợp ngói âm dương.
Cụ ông Trần Văn Chùm (81 tuổi), người dân thôn Long Thạnh Đông (Tam Hòa) chia sẻ: “Khi cha tôi còn sống, tôi từng hỏi ông Miếu Vạn có từ bao giờ, thì cha tôi cũng không biết, chỉ biết từ thời ông cố cũng đã thấy có Miếu Vạn rồi!. Như vậy, có thể suy đoán Miếu Vạn đã có từ rất lâu đời”. Ông Đỗ Đình Đào, người dân Tam Hòa - nguyên là cán bộ văn hóa - thông tin xã cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, Miếu Vạn được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, thời các vua triều Nguyễn. Qua biến thiên của thời gian và do chiến tranh tàn phá, bà con có trùng tu nhưng phần sườn của Miếu Vạn vẫn giữ nguyên, chỉ thay ngói âm dương bằng ngói thường và trụ, hiên phía trước có sửa chữa thêm”.
...Và huyền thoại
Miếu Vạn là nơi thờ cúng linh thiêng từ bao đời nay đối với người dân vùng cát Tam Hòa. Vùng đất này lưu truyền một huyền thoại về sự hình thành trái núi và ngôi miếu cổ mang màu sắc thần bí càng làm tăng thêm sự ngưỡng mộ và tôn kính của mọi người. Chuyện kể rằng, thầy Lánh (còn gọi là thầy Thím hay Đức Thầy) - nhân vật theo dân gian có nhiều phép thuật quê xã Tam Tiến - sống dưới thời các vua nhà Nguyễn, trong lần gánh đá lấp biển, vì nặng quá, dây gánh đã bị đứt và một đầu gánh rớt xuống xã Tam Hòa, tạo nên quả núi mà sau này nhân dân xây dựng nên Miếu Vạn. Còn một đầu gánh đá rớt ở Chợ Trạm (xã Tam Hiệp) cũng đã tạo thành một quả núi nhỏ và bà con đã lập miếu thờ. “Gánh đá” thầy Lánh đổ ở Tam Hòa sát bờ sông, cạnh đó một khối đá nhỏ hơn rớt giữa dòng sông làm nên một cột đá nhô lên khỏi mặt nước. Tiếc rằng cột đá này đã bị một số người khai thác đá lấy gần hết. Khu rừng Miếu Vạn rộng chừng 1 héc ta, mọc trên đó là những cây núi cổ thụ như cây quăn, bàng sát, bồ đề…, cả những cây vùng ngập mặn như đước, bần, mắm… Nhiều cây quăn già hơn 200 tuổi mọc trên những tảng đá đen trong khu rừng càng tăng thêm nét cổ kính của khu Miếu Vạn.
Người dân chuẩn bị lễ vật cúng Miếu Vạn. Ảnh: V.P |
Huyền thoại hình thành trái núi gắn liền với huyền thoại ra đời ngôi Miếu Vạn. Cụ Trần Văn Chùm kể: “Theo các bậc cao niên truyền lại thì khi quả núi hình thành, bỗng một năm nọ, nước lụt dâng cao, khi nước rút, bỗng đâu dân làng thấy một bè gỗ lớn mà toàn gỗ quý tấp vào trái núi. Mừng quá họ lấy gỗ, đá xanh tại đây và nung vôi xây dựng nên Miếu Vạn”.
Miếu Vạn ban đầu thờ Phật. Sau này, hàng năm cứ ngày 23 tháng Chạp âm lịch bà con tổ chức lễ cúng tế, có hát bả trạo, cầu ngư. Nhờ Miếu Vạn nằm độc lập trên trái núi vắng người qua lại nên những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cán bộ ta thường vào diễn thuyết, tuyên truyền chủ trương, đường lối của cách mạng và đây cũng là nơi trú ẩn của cán bộ, du kích. Năm 1965, đội công tác do các ông Bảy Là, Trần Chẩn, Nguyễn Nguyệt… bị địch truy bắt đã chạy trốn vào Miếu Vạn. Sau đó, bọn địch cho xe lội nước càn quét, ném lựu đạn và nã súng vào miếu làm hư hỏng tường và phần hiên trước ngôi cổ miếu. Địch rút đi, bà con trong làng gom góp công của tu sửa lại.
Điểm du lịch hấp dẫn
Bây giờ đến Miếu Vạn, xen lẫn giữa rừng cây là những tảng đá đen nhẵn thín trải dài ra tận bờ sông tạo nên một cảnh quan kỳ thú và lạ lẫm. Giữa rừng cây hoang sơ nhìn ra sông là một dải đá đen nhẵn bóng, sạch sẽ và mát mẻ. Vào đây, chúng ta như được ra khỏi không khí ngột ngạt, xô bồ của cuộc sống thường nhật để thả hồn mình vào cõi thanh tịnh, thuần khiết...
Miếu Vạn - huyền thoại và lịch sử như đan xen lẫn nhau. Nơi đây núi rừng giữa sông nước mênh mông, vừa thâm nghiêm, huyền bí vừa là nơi để con người tịnh tâm hơn giữa bộn bề của cuộc sống. Ông Đỗ Đình Đào, nguyên cán bộ văn hóa - thông tin xã Tam Hòa bộc bạch: “Khu Miếu Vạn tồn tại lâu đời gắn với huyền thoại trong tâm thức bao đời của người dân nơi đây. Miếu Vạn cũng là nơi tuyên truyền, che giấu cán bộ cách mạng, hiện tại khu vực này cảnh quan còn giữ nét hoang sơ và đẹp đẽ. Người dân địa phương rất mong Nhà nước công nhận khu Miếu Vạn là di tích lịch sử văn hóa gắn với công trình lăng mộ Thủ Thiệm đã được xây dựng gần đó, và có thể xây dựng thành điểm du lịch văn hóa - sinh thái để nhiều người biết đến”.
VĂN PHIN