Một ngày ở Làng Hòa Bình (thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) - nơi nuôi dưỡng những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin - bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi các cô tiếp phẩm dậy chuẩn bị bữa ăn sáng cho từng người...
Làng Hòa Bình đang chăm sóc, nuôi dưỡng 49 đối tượng đến từ các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là Núi Thành (8 trường hợp), Quế Sơn (7 trường hợp). Trong số đó, có đến 29 trường hợp bị khuyết tật đặc biệt nặng, 19 trường hợp khuyết tật nặng, chỉ có 1 trường hợp bị khuyết tật nhẹ. Vì là khuyết tật nặng cả về trí tuệ lẫn vận động nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc những trường hợp này rất vất vả, nhất là trong vấn đề ăn uống và vệ sinh cá nhân. Có người bị nhiễm chất độc da cam, câm điếc và tâm thần như Trần Văn Lanh (30 tuổi, ở Hiệp Thuận, Hiệp Đức). Mỗi khi lên cơn là la hét, đập phá lung tung nhưng hết cơn, Lanh trở nên hiền lành, biết phụ giúp các cô cấp dưỡng làm những việc vặt.
Lớn tuổi nhất ở Làng Hòa Bình là bà Lê Thị Hoa (69 tuổi, ở Tam Phú, Tam Kỳ). Bà Hoa là thương binh lại bị nhiễm chất độc da cam, vào làng từ ngày thành lập đến nay. Hỏi có nhớ nhà không, bà lắc đầu bảo: “Ở đây là nhà rồi, ở đây bà được yêu thương nên vui lắm!”. Có một trường hợp đặc biệt: 3 người trong một gia đình cùng tá túc trong làng. Đó là trường hợp của bà Tưởng Thị Sáu (60 tuổi, ở Đại Thạnh, Đại Lộc). Bà Sáu là thương binh, ở đây cùng với con trai và người cháu ruột. Con và cháu bà Sáu tuổi đã ngoài 20 nhưng ngơ ngác như những đứa trẻ lên ba.
Trước khi được tiếp nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình, tất cả đối tượng đều được lãnh đạo làng đến tận nơi tìm hiểu, xác minh. Ông Võ Văn Kiến - Giám đốc Làng Hòa Bình còn nhớ như in trường hợp của Nguyễn Thị Thùy Dương ở Tam Nghĩa, Núi Thành. Cha mẹ Thùy Dương ly hôn, em ở với ông nội đã ngoài 80 tuổi. Lúc ông Kiến đến, Thùy Dương đang bị nhốt trong cũi như một con thú vì mỗi khi lên cơn tâm thần là em đập phá đồ đạc lung tung, ông nội đã già nên không chăm sóc, đỡ đần gì được. Được đón về làng nuôi dưỡng, chữa bệnh và phục hồi chức năng, đến nay Dương tuy chưa làm chủ được mọi sinh hoạt của bản thân nhưng bệnh tâm thần đã có dấu hiệu thuyên giảm...
Niềm vui của các em ở Làng Hòa Bình khi được vui chơi và sự chăm sóc của các tình nguyện viên. Ảnh: CHÂU NỮ |
Làng Hòa Bình được thành lập tháng 8.2011 tại xã Tam Đàn, Phú Ninh, trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục vụ, hỗ trợ hướng nghiệp và dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến và con của họ bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam. Ngoài ra, Làng Hòa Bình còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hướng nghiệp và dạy nghề, sản xuất; quan hệ hợp tác quốc tế với mục đích nhân đạo, từ thiện... |
Làng Hòa Bình có tổng cộng 23 cán bộ, viên chức, trong đó có 3 cô tiếp phẩm và 6 cô nuôi phụ trách cả ngày lẫn đêm cho 49 đối tượng ở 5 phòng. Các em nhỏ được nuôi dưỡng ở đây gọi các cán bộ, viên chức của làng là “ba, má” bởi dù thiểu năng trí tuệ nhưng các em vẫn biết nơi đây thực sự là một đại gia đình, các em được yêu thương, chăm sóc như người ruột thịt. Có nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn hoặc không có người thân nên không có người đến thăm. Vì vậy, dễ hiểu là mỗi khi có các đoàn từ thiện, các tình nguyện viên đến thăm là các em mừng rỡ vây quanh và ôm tình nguyện viên khóc khi chia tay, dù có em chỉ biểu hiện bằng ánh mắt và những âm thanh ú ớ trong miệng. “Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” với đối tượng nên các cô thuộc nằm lòng tính tình, sở thích, bệnh tật từng người. Như trường hợp của Trương Đình Minh (6 tuổi ở Tiên Thọ, Tiên Phước). Minh chỉ chịu “má” Thương đút ăn chứ không cho người lạ đụng vào. Những hôm ốm nặng, Minh nhập viện và “má” Thương phải vào viện cùng em... Nhiều trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng, các cô phải phục vụ từ A đến Z, đến bữa ăn phải đút từng muỗng, rồi lo cả chuyện vệ sinh, tắm rửa.
Dù công việc vất vả nhưng thu nhập của cán bộ, nhân viên Làng Hòa Bình mỗi tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng/ người, chưa trừ bảo hiểm y tế. Đến nay, cán bộ viên chức của đơn vị chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù và độc hại theo quy định của Chính phủ... Dù vậy, vẫn không ai lơ đễnh trong công việc hay bỏ cuộc giữa chừng. Nhìn các chị, các cô tỉ mẩn chăm sóc cho từng trường hợp, ai cũng hiểu rằng họ làm việc trước hết bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng lương tâm và trách nhiệm. Hiểu vậy để mong rằng, giá như cán bộ, nhân viên ở đây được đảm bảo đời sống vật chất tốt hơn thì chắc chắn họ sẽ an tâm và gắn bó lâu dài hơn với công việc đặc biệt này.
CHÂU NỮ