Được sự hỗ trợ của Nhà nước, hàng chục hộ dân ở dọc bờ sông Ly Ly thuộc thôn Trà Đình 2 (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) không còn bị đe dọa bởi nạn sạt lở đất. Bởi, địa phương đã xây dựng khu tái định cư để di dời dân đến nơi an toàn.
Sống thấp thỏm
Ngồi trong căn nhà nhỏ trống hơ nhìn ra hướng bờ sông, ông Lê Văn Hạt (81 tuổi, trú thôn Trà Đình 2) cho biết, ông đã sống ở mảnh đất này mấy chục năm qua nhưng chưa khi nào thấy bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng như từ năm 2009 đến nay. Hiện tại, nhà ông Hạt cách bờ sông chưa đầy 5m. Ông Hạt buồn nói: “Bây giờ, nghĩ tới cái cảnh lũ lụt là tôi thấy ớn lạnh. Năm ngoái, dòng nước chảy xiết cuốn phăng mấy bụi tre trước nhà, rồi đất đá cũng cuộn theo luôn. Tôi cùng nhiều gia đình nơi đây phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở nơi khác”.
Những hộ dân di dời đến khu tái định cư đang khẩn trương làm nhà.Ảnh: H.NHI |
Ngược lên khu vực xóm Trại, chúng tôi thấy đoạn sông Ly Ly dài hàng trăm mét đang liếm sâu vào khu dân cư. ông Nguyễn Hùng Cường - người dân địa phương cho biết: “Cứ mỗi lần trời mưa to kéo dài là không những gia đình tôi mà cả xóm ăn không ngon ngủ không yên vì sợ nước sông dâng cao và tiếp tục xói lở sâu vào ruộng vườn, nhà cửa. Bởi vậy, nhà nào cũng chuẩn bị áo quần, lương thực trong tư thế sẵn sàng sơ tán”.
Ông Đồng Phước Thoại – Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho hay, thôn Trà Đình 2 có khoảng 285 hộ dân, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - ngư nghiệp nên nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, các đợt lũ lụt hằng năm luôn gây thiệt hại nặng nề, bởi khi mực nước lũ ở mức báo động 3 là toàn bộ các nhà dân vừa nêu đều bị ngập sâu 1 - 2m, thậm chí đến 3m. Riêng 24 hộ nằm sát bờ sông thì luôn sống trong nỗi lo sạt lở. Vì thế, nguyện vọng của những hộ dân này là mong muốn được cấp đất mới để di dời và xây dựng lại nhà cửa nhằm sớm ổn định cuộc sống...
Về làng mới
Ông Trần Ngọc Anh - Phó ban nông nghiệp kiêm thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã Quế Phú cho biết, qua gần 6 tháng đi vào hoạt động, nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp phòng tránh thiên tai tại thôn Trà Đình 2 (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) thực sự phát huy hiệu quả. Công trình đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… Đặc biệt, khi bão lụt xuất hiện, công trình sẽ đảm bảo cho 285 hộ dân nơi đây tránh trú an toàn. Được biết, công trình này được xây dựng trên diện tích 1.260m2, gồm các hạng mục chính là một ngôi nhà 2 tầng kiên cố, tường rào, cổng ngõ, sân vườn với tổng giá trị đầu tư 3,7 tỷ đồng, do Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tài trợ. |
Trước tình trạng bờ sông Ly Ly ngày càng sạt lở nghiêm trọng, cách đây gần 1 năm xã Quế Phú quy hoạch một khu đất cao ráo rộng hơn 5.200m2 trên cánh đồng Kỳ Yên để xây dựng khu tái định cư mới cho những hộ dân nằm trong diện nguy hiểm. Ông Thoại cho biết, ngoài việc tiến hành cho 24 hộ dân bốc thăm nhận đất (mỗi lô có diện tích sử dụng 152m2) thì địa phương đã đầu tư thi công đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt… với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp. Cạnh đó, mỗi hộ dân còn được hỗ trợ 20 triệu đồng để có điều kiện di dời nhà cửa theo quy định của UBND tỉnh. Tại khu tái định cư này, hiện nhiều căn nhà đang được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Hiện đã có 12 hộ dân trong số 24 hộ đang triển khai làm nhà. Dù tuổi đã cao nhưng ông Lê Văn Hạt vẫn hăng hái tham gia bốc gạch, xúc cát, trộn hồ. Ông Hạt nói: “Được Nhà nước cấp đất rồi hỗ trợ tiền, tôi phấn khởi lắm. Tôi dự tính xây căn nhà này khoảng 100 triệu đồng, phấn đấu đến giữa tháng 10 là hoàn thành. Mùa mưa bão sắp đến, tôi đã có chỗ tránh trú an toàn. Tôi và nhiều người dân nơi đây đang đề nghị xã đặt tên cho khu tái định này là Tân Lập, có nghĩa là lập cuộc sống mới”.
Cạnh nhà ông Hạt là nhà ông Lê Văn Tri đang tiến hành tô vữa, lăn sơn, sắp đưa vào sử dụng. Căn nhà của ông Tri xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4, mái lợp ngói, nền lót gạch men với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng. “Hồi còn ở sát bờ sông, vợ chồng tôi đã nghĩ đến chuyện nhà cửa trước sau gì cũng bị hà bá nuốt chửng. Nay về làng mới, tôi cố gắng xây ngôi nhà vững chắc để rồi tập trung phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu” - ông Tri nói. Theo ông Đồng Phước Thoại, 12 hộ dân còn lại cũng đang tất tả chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm di dời nhà cửa đến khu tái định mới…
HOÀI NHI