Ngôi mộ của "Ông phúc tướng" người Quảng

LÊ THÍ 22/08/2019 14:28

Mới đây con cháu tộc Nguyễn ở làng An Lý xã Bình Định, huyện Thăng Bình đã tìm lại được ngôi mộ của tổ tiên mình ở Huế. Đó là mộ cụ Nguyễn Văn Trương (1740 - 1810), người được nhà Nguyễn phong làm “Đệ nhất ngũ hổ tướng” và cả hai triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh gọi bằng mỹ từ “Ông phúc tướng”!

Mộ Nguyễn Văn Trương vừa tìm thấy ở Huế.
Mộ Nguyễn Văn Trương vừa tìm thấy ở Huế.

Ngôi mộ vừa tìm thấy

Trước đây ở làng An Lý có một ngôi mộ đất đơn sơ được bà con tộc Nguyễn cho là mộ của cụ Nguyễn Văn Trương. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Hà nghi ngờ về điều này nên đã cất công đi tìm “mộ thật” của ông. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam tại Huế, vào tháng 7.2019, “mộ thật” của danh tướng Nguyễn Văn Trương đã được tìm thấy. “Lăng mộ của ngài nằm trên khu gò xứ Tứ Tây, phường An Tây thuộc xã An Cựu cũ, TP.Huế… Lăng gồm hai vòng thành bằng đá với vôi vữa rộng chừng 400m2, tường dày gần 1m, các cạnh vuông có cạnh chừng 1,3m, tường thành cao quá đầu người. Tổng thể ngôi lăng mộ quá bề thế, trải thời gian ngót 100 năm vẫn uy nghi; các hoa văn, hình đắp nổi trang trí vẫn còn trông rõ nét” (Nguyễn Văn Hà).

Tấm bia trước mộ có ghi: “Đại Nam hoàng triều. Tá vận công thần. Đặc tiến Tráng Võ đại tướng quân. Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự. Thái Bảo, thụy Chiêu Vũ, Đoan Hùng quận công chi mộ”. Nội dung này hoàn toàn khớp với với các tài liệu cổ còn lưu lại nói về Nguyễn Văn Trương (Bia ở Văn thánh huyện Lễ Dương, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện…).

Đặc biệt, lăng mộ được xây dựng lại vào năm 1919 dưới triều Khải Định (119 năm sau ngày mất của ông), do một người cháu 4 đời của ông cùng toàn thể các quan văn võ người Quảng Nam tại Huế vào thời điểm đó (Dòng lạc khoản ghi: Đồng châu văn võ quan viên đẳng giai tự tôn Nguyễn Văn Vị phụng lập). Nguyễn Văn Hà cũng cho biết mặt sau của bia mộ là một bài minh ghi tiểu sử và ca ngợi công lao của cụ do Đệ nhất ngũ phụng tề phi Quảng Nam, Tiến sĩ Phạm Liệu soạn (lúc này đang là Tham tri bộ Công).

Cũng nhờ việc đi tìm mộ cụ Nguyễn Văn Trương mà mộ người con trai út và người dâu của cụ là Phò mã Đô úy Khinh xa kỵ Nguyễn Văn Ngoạn và Công chúa Bình Thái cũng được tìm thấy ở số 29 đường Hoài Thanh, trên đồi Dương Xuân, phường An Tây, TP.Huế.

Đây là thông tin tốt đẹp không chỉ cho con cháu tộc Nguyễn mà cho cả những người Quảng!

Đệ nhất ngũ hổ tướng Gia Định

Nguyễn Văn Trương lúc nhỏ nhà nghèo phải đi chăn trâu cho người khác nhưng thiên tư về quân sự bộc lộ rất sớm. Ông tập hợp trẻ chăn trâu, tổ chức thành đội ngũ, bày trận đồ, tự xưng là đại tướng, chỉ huy bọn trẻ đánh nhau. Lớn lên, ông vào Gia Định theo phò Nguyễn Lữ lập nhiều công trạng. Có lần ở Long Xuyên, Nguyễn Ánh bị quân ông truy đuổi suýt bị bắt, may nhờ một cơn lốc, Nguyễn Ánh mới  thoát được.

Nhận thấy sự chia rẽ của anh em nhà Tây Sơn, nghiệp lớn khó thành nên ông bỏ Nguyễn Lữ về theo Nguyễn Ánh. Năm 1787, được họ Nguyễn phong làm Khâm sai chưởng cơ, cai quản đạo tiên phong doanh thủy trung quân. Từ đây ông tham gia hàng trăm trận, trận nào cũng thắng lợi vẻ vang. Năm 1788 đánh lấy Long Xuyên, Gia Định, Quy Nhơn. Năm 1789 đánh tan đội quân của tướng Phạm Văn Sâm ở Hố Châu. Năm 1795, đem quân cứu thành Diên Khánh. Năm 1801, dẫn thủy quân đánh cửa Thị Nại, thắng trận dẫn đại quân tiến ra cửa biển Cổ Lũy (Quảng Ngãi) rồi Đại Áp, Đại Chiêm (Quảng Nam). Quân ông đến đâu quân Tây Sơn tan vỡ đến đó, ông chiếm đồn La Qua tiến ra Đà Nẵng, lấy đồn Hải Vân, chiếm cửa biển Tư Hiền, Thuận An và tiến chiếm Phú Xuân. Thừa thắng tiến quân ra sông Gianh chặn đường rút lui của Tây Sơn.

Sau trận này, Nguyễn Ánh sai mang ấn và dây thao đại tướng đến giữa trại quân trao cho Nguyễn Văn Trương và phong làm Khâm sai chưởng trung quân, Bình tây Đại tướng quân quận công.

Nhưng trận thủy chiến thắng lợi trên sông Nhật Lệ mới là đóng góp lớn nhất của ông cho sự nghiệp của Nguyễn Ánh. Năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân định chiếm lại Phú Xuân. Đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định cho cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

Hai bên chạm nhau ở Trấn Ninh. Đánh từ sáng đến chiều quân Tây Sơn vẫn không tiến lên được. Bùi Thị Xuân liền cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ. Quân của Nguyễn Ánh đã hốt hoảng định vượt sông Gianh mở đường máu thoát thân. Lúc quân Tây Sơn đang ở thế thắng thì thủy quân do Nguyễn Văn Trương chỉ huy đánh tan thủy quân Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ tràn lên tiếp cứu. Bộ binh Tây Sơn tan vỡ. Quang Toản rút chạy, Bùi Thị Xuân buộc lòng phải phò vua ra bắc. Từ đó quân Tây Sơn trượt dài trong thất bại.

Trong chiến dịch đánh Thăng Long, Trương chỉ huy thủy quân tiến chiếm cửa Giồn (Hà Tĩnh), cửa Hội (Nghệ An), chiếm vùng Sơn Nam Hạ rồi tiến vào Thăng Long.

Ông tham gia hàng trăm trận đánh, nhưng chưa trận nào ông bị thua. Sau khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Văn Trương được cử làm quyền Tổng trấn Bắc Thành, sau đó vào Nam làm Lưu trấn Gia Định.

Tướng xưa nay hiếm      

Là tướng tài, lập nhiều công nhưng ông lại rất khiêm tốn, nhân hậu và không ham danh vọng. Khi ông làm tướng Tây Sơn, quân Nguyễn Ánh bị thua, lội qua sông chạy trốn, quân Tây Sơn truy đuổi, ông ngăn lại bảo: “Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là kẻ mạnh”, nhờ vậy nhiều người thoát chết. Sau này làm tướng của Nguyễn Ánh ông cũng đều xử sự như vậy với quân Tây Sơn. Năm 1803 bắt đầu thời kỳ bình xét công trạng, ông lại dâng sớ xin về hưu. Người đương thời gọi ông là “phúc tướng”. Gia Long từng nói “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.

Ông mất năm 1810, thọ 70 tuổi. Nhà vua  ban quan tài bằng gỗ giáng hương, cấp 1.000 quan tiền để lo ma chay. Ngày an táng, đích thân vua ngự thuyền rồng đi đưa. Năm 1816, ông được thờ ở miếu Công Thần, được đứng trong danh sách công thần Vọng Các. Năm 1825, thờ ở Thế miếu, 1835 thờ ở Võ miếu; truy phong Tá vận công thần, hàm Thái bảo, đổi tên thụy là Chiêu Vũ, phong Đoan Hùng quận công.

Con  cháu của ông nhiều người thành danh. Con thứ là Nguyễn Văn Vân được phong Phó tướng Trung quân, làm quan đến Đô thống chế; khi chết được ban chức Chưởng doanh, tên thụy là Tráng Nghị, thờ trong đền Trung Nghĩa. Con út là Nguyễn Văn Ngoạn, được Gia Long chọn làm phò mã, gả công chúa đầu là Bình Thái, làm quan đến Khâm sai, thống chế, Đốc trấn Thanh Hóa. Cháu đích tôn là Nguyễn Văn Minh làm Cai đội. Cháu nội là Nguyễn Văn Thuận làm Quản cơ Vĩnh Bảo. Các chắt của ông có Nguyễn Văn Lược làm Vệ úy Hậu vệ doanh tiền phong, tước Đoan hùng tử; Nguyễn Văn Duật lấy công chúa út của Minh Mạng, làm Phò mã đô úy.

Đại Nam Liệt truyện của Sử quán triều Nguyễn dành gần nửa quyển 8 để viết về ông. Tại nhà thờ tiền hiền làng Hà Lam (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) hiện còn lưu giữ tấm bia ghi công trạng của ông.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi mộ của "Ông phúc tướng" người Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO