Góc suy ngẫm

Ngồi nghe quốc tế kể chuyện làng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 15/12/2024 08:26

Giữa tuần rồi, có dịp ngồi nghe các vị khách quốc tế kể chuyện các ngôi làng trên thế giới, với người Quảng “gốc tre, gốc rạ” như tôi không khỏi ngạc nhiên, rồi lạc vào miền suy tưởng xa xôi mà gần gũi.

Thật thú vị khi lần đầu tiên, Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn do Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) được chọn tổ chức tại Việt Nam, mà lại diễn ra ở Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An. Có tới 300 đại biểu, trong đó có đại diện đến từ 50 quốc gia tham dự, đặc biệt có các làng du lịch đã, đang, sẽ trở thành Làng Du lịch Tốt nhất thế giới.

Xây dựng và công nhận Làng Du lịch Tốt nhất thế giới là sáng kiến của UN Tourism, nhằm cổ xúy trào lưu làm du lịch xanh, bảo tồn văn hóa và giá trị sinh thái thiên nhiên, đồng thời tạo sinh kế cho cư dân ở các ngôi làng nông thôn trên toàn cầu.

Cho đến nay, UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất gồm 354 thành viên; trong đó, Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism: Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, 2024).

Trong Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn, câu chuyện của những ngôi làng từng được vinh danh Làng Du lịch Tốt nhất thế giới khiến nhiều người phải trầm trồ.

Như làm thế nào để làng Penglipuran của Indonesia phát triển được du lịch, trong khi “đất nước vạn đảo” này có tới khoảng 18 nghìn ngôi làng? Trưởng làng Penglipuran, ông I Wayan Budiarta, đã kể rằng, ở làng ông trẻ con đều được giáo dục về truyền thống văn hóa, khi đủ 18 tuổi thì tham gia các tổ chức của riêng làng và lập gia đình thì gia nhập nhóm nghề truyền thống phù hợp. Hội đồng làng sẽ giúp từng hộ gia đình trong làng tìm kiếm sinh kế, hỗ trợ đưa sản phẩm phục vụ du lịch.

Hay như ở Trung Quốc, nơi có tới 2,6 triệu ngôi làng, đã có nhiều ngôi làng lấy du lịch làm sinh kế. Tiến sĩ Bao Jlgang, người con của làng Azheke ở tỉnh Vân Nam (cũng được công nhận Làng Du lịch Tốt nhất thế giới) cho biết Azheke được bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang và cây cối tươi tốt (Azheke có nghĩa là “nơi rừng tre phát triển mạnh”).

Tại đây, có hơn 60 ngôi nhà hình nấm với tường gạch và mái tranh, là cụm kiến ​​trúc truyền thống người dân tộc Hà Nhì, được bảo tồn tốt nhất trong hơn 160 năm. Tất cả trẻ con trong làng đều được giáo dục văn hóa, không bu bám xin tiền du khách đến. Còn người dân thì thành lập các doanh nghiệp siêu nhỏ, phân công đảm trách các dịch vụ du lịch, sản xuất hàng lưu niệm...

Tại Việt Nam, làng Tân Hóa vốn ở vùng rốn lũ Quảng Bình nhưng đã biết tạo ra nét đặc sắc khi bảo tồn sinh thái, sống thích ứng hài hòa với tự nhiên, làm du lịch nhờ khai thác bền vững tài nguyên bản địa. Tân Hóa đã thu nhập khoảng 10 tỷ đồng năm nay từ du lịch khám phá và trải nghiệm đồng quê nông thôn, phong cảnh đặc trưng ngôi làng, nơi có người Nguồn sinh sống.

Quảng Nam có làng rau Trà Quế được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất, khi đáp ứng 9 tiêu chí về: tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; thúc đẩy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; tính bền vững về kinh tế; tính bền vững về xã hội; tính bền vững về môi trường; phát triển du lịch và tích hợp chuỗi giá trị; quản trị và ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng và kết nối; sức khỏe, an ninh, an toàn.

Quảng Nam và Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu Làng du lịch Tốt nhất thế giới? Phải là hành trình trải qua nhiều gian khó đầu tư hạ tầng, nguồn lực tài chính với sự hợp tác công tư, trao quyền cho cộng đồng trong bảo tồn văn hóa và sinh thái, phát triển sản phẩm truyền thống.

Trước hết, với Quảng Nam, từ 126 điểm đến được thống kê về tài nguyên du lịch nông thôn, cần có kế hoạch và lộ trình rõ ràng hướng đến xây dựng làng với các tiêu chí như Trà Quế.
“Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm”, một giấc mơ êm từ “Quê hương tuổi thơ tôi” bắt đầu từ vành nôi của làng quê, và rồi cả thế giới nhân loại dường như đều muốn trở về làng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngồi nghe quốc tế kể chuyện làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO