Ngày 31.12.2015, hơn 600 triệu người dân của Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau tiến vào ngôi nhà chung - Cộng đồng ASEAN.
Ngôi nhà chung ASEAN ra đời dựa trên 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - an ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - xã hội (ASCC), phản ánh nguyện vọng của người dân khu vực mong muốn được sống trong ấm no, hòa bình và phát triển. Cộng đồng ASEAN là bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của một hiệp hội đang dần lớn mạnh sau gần 40 được thành lập. Với người dân, ngôi nhà chung ASEAN thống nhất trong đa dạng sắc màu, đa dạng các nền văn hóa và mang tính cạnh tranh cao hơn trong tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực. Nhưng trên tất cả, ngôi nhà chung đó “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm” và vì “một vận mệnh chung”.
Ẩm thực ASEAN - một hoạt động trong lễ hội Ngày gia đình ASEAN được tổ chức hằng năm. (ảnh:kln) |
Dân số ASEAN với khoảng 625 triệu người, trong đó giới trẻ chiếm đến 60% (khoảng 370 triệu người), đóng vai trò quan trọng để hình thành và phát triển Cộng đồng ASEAN. Ahmad Saparuddin Yusup - thuộc Hội đồng thanh niên Malaysia cho rằng, Cộng đồng ASEAN có vai trò gắn kết người dân, trong đó có thanh niên ASEAN cần tìm hiểu một cách sâu sắc về sức mạnh của cộng đồng, tăng cường tham gia giao lưu giữa thanh niên các nước trong hiệp hội. Giới trẻ nhất thiết phải đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa dù tương đồng nhưng đều mang tính đặc trưng của mỗi dân tộc thành viên trong một cộng đồng thống nhất.
Bên cạnh đó, AEC - một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN rất được người dân khu vực quan tâm. Zahid - một người dân ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nói, ASEAN - một thị trường năng động cùng với lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới. Nếu xem tất cả 10 thành viên ASEAN là một nền kinh tế thì đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 2,6 nghìn tỷ USD năm 2014. Nền kinh tế ASEAN hiện phát triển nhanh thứ hai của châu Á, chỉ sau Trung quốc. Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hóa - dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư và vốn hay tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Sarah Quijano - Đại học Philippines hy vọng, AEC hướng tới lợi ích kinh tế người dân không phân biệt địa vị, tầng lớp trong cộng đồng. Đặc biệt, những lao động tay nghề cao có nhiều cơ hội lưu chuyển tham gia các thị trường lao động trong khối với điều kiện lao động và thu nhập được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, AEC là môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn với nhiều lao động phổ thông, cho nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có năng suất lao động thấp. Do đó, buộc các doanh nghiệp thật sự phải cải thiện năng suất và quản trị để cạnh tranh trong thị trường xuyên quốc gia.
QUỐC HƯNG