Thủy sản

“Ngôi nhà chung” của ngư dân Núi Thành

VIỆT NGUYỄN 09/04/2024 11:01

Nghiệp đoàn nghề cá lâu nay được xem là “ngôi nhà chung” của nhiều ngư dân trên địa bàn Núi Thành. Tại buổi làm việc với Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam mới đây, các nghiệp đoàn nghề cá của huyện Núi Thành kiến nghị tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghiệp
Ngư dân huyện Núi Thành cập cảng tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Q.VIỆT

Vững tin bám biển

Cả 3 nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) của ngư dân huyện Núi Thành là Tam Hải, Tam Quang và Tam Giang đều đã khẳng định vai trò là “ngôi nhà chung” để ngư dân khai thác hải sản thuận lợi. Ngư dân Trương Văn Ân (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-90394 cho biết, sau khi tham gia NĐNC xã Tam Quang, ông luôn cảm thấy an tâm trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển.

Theo ông Ân, trước đây khi chưa tham gia NĐNC, ra khơi riêng lẻ, phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là khi thời tiết bất lợi. Trong NĐNC, ngư dân phối hợp với nhau thành các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, kịp thời giúp nhau khi xảy ra hoạn nạn. Họ thông báo cho nhau ngư trường có nhiều luồng cá hoạt động nên đánh bắt đạt sản lượng. Ngư dân trong NĐNC cũng thông tin về giá cả để tránh bị ép khi bán hải sản sau khai thác.

Ngư dân Bùi Thế Cả - Chủ tịch NĐNC xã Tam Quang cho biết, bên cạnh hỗ trợ khi đánh bắt hải sản, tham gia NĐNC còn giúp ngư dân nâng cao nhận thức, không vi phạm quy định pháp luật quốc tế trong khai thác hải sản ở vùng biển xa. Chẳng hạn, ở thời điểm này, hầu hết ngư dân trong NĐNC cùng nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu.

“NĐNC, ngành thủy sản, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư thường xuyên phối hợp vận động ngư dân không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngư dân trong NĐNC đảm bảo lắp đặt và vận hành giám sát hành trình 24/24 khi rời cảng cá đánh bắt hải sản” - ông Cả nói.

Bà Trần Thị Diệu Phúc - Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Núi Thành cho biết, hiện nay 3 NĐNC trên địa bàn có 903 đoàn viên (tăng 380 đoàn viên so với thời điểm thành lập, giảm 122 đoàn viên so với năm 2023) và 264 tàu cá có công suất 250CV trở lên.

Công tác chăm lo cho đoàn viên ngư dân luôn được các NĐNC thực hiện kịp thời, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Điển hình năm 2023, ban chấp hành các NĐNC đã thăm hỏi, động viên những đoàn viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 40 triệu đồng.

Riêng trong đợt các tàu câu mực khơi của xã Tam Giang bị chìm, các NĐNC đã kịp thời tham mưu LĐLĐ huyện hỗ trợ, động viên gia đình ngư dân với tổng số tiền 210 triệu đồng.

Giải quyết vướng mắc

Tại buổi làm việc với Công đoàn ngành NN&PTNT, ông Phan Trinh - Chủ tịch NĐNC xã Tam Giang cho biết, vấn đề mà các NĐNC quan tâm nhất là kinh phí hoạt động.

ndnc-2(1).jpg
Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam tặng quốc kỳ cho các NĐNC huyện Núi Thành. Ảnh: Q.VIỆT

Hiện nay, đoàn phí thu được rất ít, NĐNC chủ yếu hoạt động nhờ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh với số tiền 10 - 15 triệu đồng/ năm. Cán bộ trong ban chấp hành NĐNC đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không có lương hay phụ cấp.

Theo ông Trinh, hiện nay lao động trẻ làm nghề biển rất ít, chủ yếu là người lớn tuổi. Trong khi đó, quy định lao động trên 60 tuổi không được tham gia đánh bắt hải sản đã gây ra nhiều khó khăn, áp lực trong ngư dân.

“Một điều nữa là mong Công đoàn ngành NN&PTNT có tiếng nói với các bộ, ngành đầu tư cảng cá mới thay thế cảng cá Tam Giang đã bị thu hồi phục vụ trong quân đội. Khu neo đậu tàu cá An Hòa (2 xã Tam Giang và Tam Quang) đã bị cạn luồng lạch, tàu cá lại neo đậu không an toàn, ngư dân mong mỏi đầu tư lại” - ông Trinh nói.

Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đề nghị Công đoàn ngành NN&PTNT tham mưu Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành quy chế hoạt động cho các NĐNC huyện Núi Thành vì đến nay các NĐNC ra đời đã hơn 10 năm nhưng mới chỉ có quy chế tạm thời.

Các NĐNC của huyện Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung rất cần Tổng LĐLĐ ban hành cụ thể về cơ chế hỗ trợ cho hoạt động hằng năm và chính sách hỗ trợ cho cán bộ trong ban chấp hành NĐNC.

Theo ông Thương, NĐNC Việt Nam cần xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với LĐLĐ cấp huyện, cấp tỉnh có NĐNC để xác định rõ hơn mối quan hệ và có quy định làm việc cụ thể.

“Đề nghị Công đoàn ngành NN&PTNT làm việc với các bộ, ngành trung ương để có hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ tàu, ngư dân trong các NĐNC huyện Núi Thành, Quảng Nam về các trang thiết bị trên tàu cũng như tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong các NĐNC về chế độ chính sách, độ tuổi lao động.

Đề nghị công đoàn ngành NN&PTNT tham mưu Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép kết nạp đoàn viên NĐNC là chủ các tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên chứ không nhất thiết phải từ 15m trở lên như hiện nay” - ông Thương nói.

Ông Nguyễn Hà Xuyên - Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam cho rằng, các hoạt động thời gian qua của các NĐNC huyện Núi Thành đã cho thấy tính thiết thực.

Các đề xuất của NĐNC, LĐLĐ tỉnh rất phù hợp, ngành chức năng tổng hợp để làm cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của NĐNC được thiết thực hơn trong thời gian đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Ngôi nhà chung” của ngư dân Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO