Quốc phòng - An ninh

Ngôi nhà đọng mùi hương ở biển khơi

LÊ VĂN CHƯƠNG 28/07/2024 08:15

Có những liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển. Thân xác họ đã tan vào lòng đại dương. Và những “ngôi nhà” nằm giữa biển khơi này chưa bao giờ vơi mùi khói hương...

tai-nha-gian-dk-1_37.jpg
Đại úy Lê Quang Tiệp kể chuyện liệt sĩ và ánh mắt luôn hiện ra nỗi đau xót, thương nhớ (sau lưng anh là nhà giàn thế hệ mới). Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Bộ Tư lệnh Hải quân vừa tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tiểu đoàn DK1. Hành trình đó, đã có 10 liệt sĩ nhà giàn DK1 hy sinh. Hạ sĩ Trần Văn Đại Nghĩa nói thật nhỏ trong hơi gió biển: “Cứ ngày rằm và ngày lễ là chúng em cúng một con gà và mời hương linh liệt sĩ về ăn bữa cơm…” .

Trên thềm lục địa

Tiếng bước chân bên nhà giàn như tiếng chân trên nền nhà sàn miền núi. Tôi cứ có cảm giác mình nghe được mùi hương rất quen thuộc của đất liền giữa biển khơi - mùi khói nhang trầm mặc trong gian thờ tổ tiên. Lúc gần rời ngôi nhà giàn cách đất liền 300 hải lý, tôi mới nhận ra, mùi hương kia là có thật chứ không phải ảo ảnh. Đã 10 năm trôi qua, chiếc giường của người hy sinh vẫn được để trống trong căn phòng hương khói.

Hơn 35 năm trước, một vị tướng năm nào cũng lênh đênh trên tàu, đến từng hòn đảo, cụm đảo gian khổ, xa xôi nhất để nắm tình hình, thăm anh em cán bộ, chiến sĩ, đó là Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân. Ông nhận ra những bãi cạn ở thềm lúc địa và nếu vắng bóng người thì một ngày nào đó sẽ bị quân đội nước ngoài chiếm giữ. Đó chính là khởi nguồn ý tưởng để xây dựng Nhà giàn DK1. Trên thế giới, chỉ có Việt Nam mới có nhà giàn và có những người lính gan dạ trụ bám trên những nhà giàn thép cắm giữa biển khơi.

Cách nhà giàn DK1/11 gần 1 hải lý, ngôi nhà bằng thép màu vàng cùng bình minh bừng sáng ở bãi Tư Chính. Tôi nhớ đến câu chuyện về ông Vũ Quang Dương, quê ở tỉnh Thái Bình. Ông từng kể ước mơ của đời mình trước khi về với đất là ra thăm nhà giàn DK1 - nơi người con trai là Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh khi nhà giàn DK1 Phúc Tần bị đổ sập trong cơn bão Faith vào tháng 12/1998.

Hình ảnh trước mắt và ký ức về những câu chuyện cách đây 35 năm Nhà giàn DK1 khiến tâm trạng cảm thấy lao xao khi chúng tôi tiến vào chân nhà giàn. Cả đoàn chưa được giới thiệu về việc trên nhà giàn có 1 liệt sĩ.

Mọi người thường nhìn thấy hình ảnh các cặp nhà giàn DK1, tức 2 ngôi nhà giàn và nối với nhau bằng chiếc cầu thang sắt bắc ngang. Đó là ngôi nhà giàn mới hiện đại và vững vàng như một giàn khoan dầu khí đứng cạnh ngôi nhà giàn thế hệ cũ đã mấy chục năm tuổi. Có 15 nhà giàn DK1 và ngôi nhà giàn cũ thường gắn với câu chuyện “Cụ liệt sĩ”.

Điểm khác biệt đầu tiên giữa nhà giàn thế hệ cũ và nhà giàn thế hệ mới là chiếc đồng hồ hình tam giác gắn trên từng cánh cửa của nhà giàn cũ. Chiếc đồng hồ này không chạy tích tắc mà luôn đứng yên lặng, kim chỉ chệch đi khi nhà giàn bị nghiêng. Trong cơn bão Faith, 26 năm về trước, những người lính ở nhà giàn Phúc Tần đã chứng kiến chiếc kim này cứ mỗi ngày một chếch sang một bên cho đến khi nhà giàn đổ sập.

Ngôi nhà yên tĩnh

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT Nhân dân, một thành viên trong đoàn công tác số 17 ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 chia sẻ, ông từng trải qua những năm tháng khó khăn nhất, kể cả việc chứng kiến những người lính công binh nằm lại với đảo xanh.

nha-gian-cu-ben-canh-nha-gian-moi.jpg
Nhà giàn thế hệ cũ bên cạnh nhà giàn thế hệ mới. Bàn thờ liệt sĩ Dương Văn Bắc đặt bên nhà giàn cũ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ông hiểu rõ câu chuyện của từng nhà giàn. Chỉ sang ngôi nhà giàn cũ kể chuyện anh em mình ở đó từ năm 1989, thiếu tướng Hoàng Kiền nói, ở đó, không biết đã trải bao gian khổ, nhất là khi bão lớn. Có bão lớn thì nhà giàn rung lắc. Bây giờ, sau 35 năm, DK1 như pháo đài thép giữa biển. Và con số liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1 đã là 10 người.

Nhà giàn cũ hiện dường vắng bóng người. Bước đi trên sàn gỗ của ngôi nhà giàn cũ, đi từ tầng 2 xuống tầng 1 rồi quay về nhà giàn mới, nhưng rồi cái mùi hương đó vẫn khiến tôi tò mò. Tôi trở lại nhà giàn cũ thêm lần nữa và nhìn những chiếc giường được xếp ngay ngắn, những căn phòng trống không, cuốn sổ tay ghi chép của người lính trên bàn...

“Anh sang đây đã thắp hương cho liệt sĩ Dương Xuân Bắc hay chưa?”, một giọng nói phát ra từ căn phòng nằm ở bên hông nhà giàn cũ. Thì ra hàng ngày bên ngôi nhà cũ này vẫn luôn luôn có người lính tức trực và không ngớt khói hương cho người đã ngã xuống. Liệt sĩ Dương Văn Bắc, sinh năm 1974, quê ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, hy sinh ngày 14/9/2014. Gia đình anh Bắc còn rất khó khăn, cha mất sớm, anh ra đi để lại người vợ và 2 con nhỏ.

Vợ của anh là chị Vương Thị Trâm, vẫn hàng ngày hương khói cho anh trong căn nhà ở đất liền. Hai cậu con trai sau 10 năm cha mất, thỉnh thoảng vẫn nhắc chuyện ngày đó cha nói sẽ về với con, nhưng cha đi mãi ngoài biển, ở nhà giàn DK1. Liệt sĩ Dương Văn Bắc là người có thâm niên 15 năm công tác ở các nhà giàn khác nhau và từng trải qua rất nhiều gian khổ.

Những ngôi Nhà giàn DK1 nằm giữa biển cả mênh mông được “gội rửa” bằng gió biển. Nỗi nhớ thương người lính đã khuất khiến anh em ở nhà giàn DK1/11 đều đặn hương khói nhiều tới mức đã thấm vào các vách gỗ của ngôi nhà giàn.

Đại úy Trần Xuân Tiến cho biết “anh em nói thỉnh thoảng vẫn thấy Ông về và đứng cạnh chiếc giường”. Còn Hạ sĩ Trần Đại Nghĩa thì nói “anh em nói vẫn thấy Ông về, chắc vì họ quá thương nhớ đến Ông”.

Mãi mãi mùi hương

Chiếc giường của liệt sĩ Dương Văn Bắc từng nằm là giường đóng kiểu hình hộp, dưới gầm giường là nơi để giày dép và một số đồ dùng cá nhân, trên bàn làm việc của anh vẫn còn thiết bị của trắc thủ ra đa.

Đại úy Lê Quang Tiệp, người gọi tôi vào căn phòng có đặt bàn thờ ở vị trí rất cao thỉnh thoảng nhìn lên bàn thờ và tôi nhận ra, ánh mắt ấy có cái nhìn kỳ lạ. Ánh mắt chất chứa nỗi niềm với người đã khuất. Mọi người muốn thắp hương cho liệt sĩ Bắc thì phải trèo lên một chiếc ghế cao vì bàn thờ đặt sát trần nhà. Thượng úy Trần Bé Thu, Chính trị viên của nhà giàn tâm tình, anh em bây giờ đã được ở nhà giàn mới hiện đại, vững chắc hơn thế hệ nhà giàn cũ, có đầy đủ hệ thống điện năng lượng 24/24 giờ.

Ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, có rất nhiều câu chuyện mà nhà báo không thể tiếp cận vì thời gian quá ngắn, vì nguyên tắc giữ bí mật hoặc hạn chế cung cấp thông tin. Ở ngôi nhà giàn cũ, tôi nhìn thấy rổ bát được treo lủng lẳng trên chiếc giá từ nóc nhà để tránh bị rơi vỡ, nhìn thấy chiếc đồng hồ đo độ nghiêng đặt trên từng nóc của mỗi cánh cửa ra vào, nghe câu chuyện về sóng “cuốn” bay hết chuồng heo, gà ở tầng sàn, dù nằm cách mặt biển tới khoảng 15m.

Nhà giàn mới và nhà giàn cũ được kết nối bằng một chiếc thang treo và có thể cắt rời 2 nhà giàn bằng việc nâng thang ra khỏi mặt sàn nhà giàn cũ. Liệt sĩ Dương Văn Bắc được đồng đội hương khói quanh năm, và khói hương chỉ ngớt vào thời điểm có bão lớn, khi có lệnh sơ tán 100% quân số và buộc phải đóng chặt cửa.

Lúc đó ở nhà giàn cũ, chiếc rổ bát treo từ nóc nhà và đồng hồ đo độ nghiêng hẳn sẽ chao lắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi nhà đọng mùi hương ở biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO