Ngôi nhà thứ hai của trẻ khuyết tật

HOÀNG LIÊN 02/11/2022 07:15

Qua gần 12 năm hoạt động, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Điện Bàn (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) đã trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ khuyết tật với cách giáo dục đặc biệt để có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đến thăm và trao tặng quà cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm dịp Tết Trung thu. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đến thăm và trao tặng quà cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm dịp Tết Trung thu. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đồng hành với trẻ khuyết tật

Được thành lập vào năm 2011, tọa lạc tại khối Cổ An Đông (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Điện Bàn là đơn vị giáo dục đặc biệt ngoài công lập đã trở thành mái nhà thứ hai của trẻ khuyết tật. Nhiều năm qua, trung tâm từng bước vượt khó để cung cấp cho trẻ các dịch vụ miễn phí về giáo dục đặc biệt, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu.

Trung tâm hướng tới chương trình giáo dục chuyên biệt lấy trẻ làm trung tâm để can thiệp và phát triển, giúp trẻ học được nhiều nhất có thể, phù hợp với khả năng. Trung tâm hoạt động theo hình thức bán trú, có 37 nhân viên, chăm sóc cho 91 trẻ em khuyết tật, trong đó có 79 em bán trú, 16 em tập vật lý trị liệu; 5 em ngoại trú và 12 em cần được hỗ trợ tại cộng đồng. Trung tâm có 5 phòng học, mỗi phòng học có gần 20 trẻ, có 1 phòng tập vậy lý trị liệu, 1 phòng ăn.

Theo bà Đỗ Lê Tố Quyên - Giám đốc trung tâm, với trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi, trung tâm có chương trình can thiệp sớm như dạy trẻ biết cách tự mặc quần áo, ăn uống và vệ sinh, kỹ năng giao tiếp - tương tác với các trẻ đồng lứa và người lớn qua các hoạt động, các trò chơi đơn giản.

Với trẻ em khuyết tật từ 6 tuổi trở lên, trung tâm có chương trình tập trung dạy kỹ năng sống. Trẻ được học dựa theo khung chương trình dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ của Bộ GD-ĐT về các môn học Toán, tiếng Việt phù hợp với khả năng của trẻ.

“Khi bắt đầu hoạt động, chúng tôi tin rằng các giáo viên giáo dục đặc biệt và kỹ thuật viên vật lý trị liệu của trung tâm có thể giải quyết được các nhu cầu của trẻ khuyết tật mà chúng tôi làm việc.

Song, thực tế thì không như vậy, khó khăn bội phần. Cũng may, trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ tình nguyện viên quốc tế và trong nước, các cá nhân, nhóm cộng đồng, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm cung cấp, giáo dục trẻ tốt nhất có thể và nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ gia đình các em” - bà Quyên nói.

Giúp trẻ phát triển toàn diện

Mỗi trẻ khuyết tật đến trung tâm có loại khuyết tật khác nhau, cần sự chăm sóc đặc biệt riêng. Ví như, nhiều trẻ bị bại não, hội chứng đao, chậm phát triển trí tuệ, não bé, các hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể, tự kỷ, tăng động giảm chú ý... Vì vậy, lớp học cũng được thiết kế linh động theo từng hoạt động giáo dục và trị liệu. Nhà ăn của trẻ cũng vậy, trung tâm có một vị trí dành riêng cho một trẻ bại não, thể múa vờn. Trẻ đến trung tâm đều được kiểm tra, đánh giá để tìm kiếm giải pháp giúp đỡ hợp lý.

Đối với những em bị bại não, trung tâm chỉ dạy các em kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, cách nhận biết con chữ, vật dụng hằng ngày, ứng dụng vào đời sống. Các nhân viên và tình nguyện viên luôn khích lệ tinh thần các em, phát triển năng khiếu của mình.

“Có ba yếu tố quyết định sự thay đổi và phát triển ở một đứa trẻ gồm: nhân viên giáo dục/trị liệu, khả năng của chính đứa trẻ và sự phối hợp hỗ trợ của gia đình trẻ. Niềm vui của trung tâm là đã làm thay đổi tích cực nhiều mảnh đời của trẻ em có nhu cầu đặc biệt” - bà Quyên chia sẻ.

Từ khi đến đây, nhiều trẻ đã có sự thay đổi vượt ngoài sức tưởng tượng của trung tâm lẫn gia đình. Có trẻ đến với trung tâm khuyết tật nặng không tự ngồi được, chỉ một thời gian được hỗ trợ, chăm sóc, tập vật lý trị liệu, trẻ có thể tự ngồi, vận động được.

Có em cha mẹ bồng tới trung tâm dù 22 tháng tuổi nhưng vẫn nằm oặt trên tay, trường hợp cháu Minh Ngọc là ví dụ. Em bị chứng rối loạn nhiễm sắc thể số 10, đầu to, cơ thể không cân đối, hầu như không có biểu hiện gì về mặt vận động. Qua đánh giá, không ai tìm thấy cơ hội có thể giúp được em.

Thế nhưng, bà Quyên và một chuyên gia nước ngoài nhận thấy trong ánh mắt em có sự tương tác trong trí não, quyết tâm nhận em vào, nhân viên chăm sóc bé Ngọc rất vất vả, hầu như phải bồng bế suốt. Qua 3 năm đến trung tâm, bây giờ Ngọc đã có thể đi lại, nói năng, phát triển thể chất, nhận thức, giao tiếp đã ổn.

Nguồn nhân lực của trung tâm không ngừng được nâng cao chất lượng và kỹ năng giảng dạy. Bà Đỗ Lê Tố Quyên cho biết, trung tâm có sự hậu thuẫn từ các tình nguyện viên quốc tế là những tiến sĩ vật lý trị liệu, sinh hoạt trị liệu ở nước ngoài giúp đỡ. Có cả những tình nguyện viên ở lĩnh vực âm nhạc trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hội hoạ...

Họ là những người đặt nền móng, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, nhờ đó chất lượng giảng dạy của trung tâm rất tốt. Tin vui là thị xã Điện Bàn tiếp tục hỗ trợ mở rộng khuôn viên trung tâm khoảng 1.000m2 để xây dựng hội trường và khu vườn cho các em học, rèn kỹ năng.

“Qua mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc duy trì hoạt động của trung tâm gặp nhiều khó khăn, may mắn là đến nay trung tâm vẫn duy trì hoạt động đón trẻ” - bà Quyên tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi nhà thứ hai của trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO