Thời gian qua, TP.Hội An triển khai lắp đặt những “ngôi nhà xanh” dùng để chứa các loại rác thải nhựa có thể tái chế ở 54 thôn, khối phố. Hoạt động này lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, xây dựng thành phố du lịch xanh.
“Ngôi nhà xanh” do Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận (phường Cẩm Phô, TP.Hội An) đặt tại nhà văn hóa được 3 tháng và đang tiếp nhận rất nhiều vỏ lon, chai nhựa, giấy bao bì… Những phế liệu này được chị em hội viên phân loại và bán cho các nhà máy tái chế. Số tiền thu được từ rác nhựa của “ngôi nhà xanh”, Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận mua bảo hiểm tặng phụ nữ và hỗ trợ hội viên khó khăn.
Chị Huỳnh Thị Đào - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường mạnh hơn, vì phụ nữ luôn là những người trực tiếp lo công việc nhà, bếp núc, vì thế họ sẽ là những người đầu tiên phân loại rác ngay tại nguồn, những sản phẩm nhựa có thể tái chế sẽ giúp phụ nữ nghèo qua những món quà, thẻ bảo hiểm y tế. Như thế phong trào sẽ ý nghĩa hơn”.
Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hội An lắp đặt những “ngôi nhà xanh” tại các khối phố, khu dân cư và điểm du lịch. Cùng với đó, Hội Phụ nữ thành phố tổ chức tuyên truyền, chú trọng vào phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần...
Những “ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành các sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống, vừa giúp người dân hình thành thói quen trong việc phân loại rác thải hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Anh Thơ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hội An cho rằng “ngôi nhà xanh” là bước phát triển mới từ các mô hình bảo vệ môi trường tại TP.Hội An, mục đích hướng đến là phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền người dân giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, giảm áp lực cho môi trường.
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ IUCN cho biết, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã hỗ trợ nhiều “ngôi nhà xanh” cho các chi hội phụ nữ và nhiều thùng rác làm từ nhựa tái chế cho các cơ quan hành chính của TP.Hội An.
“Chúng tôi mong muốn hoạt động này sẽ nâng cao hiệu quả phân loại, thu gom rác nhựa và rác giá trị thấp, kết nối chuỗi với nhà máy tái chế, tạo ra một vòng đời mới cho rác ở thành phố du lịch này” - bà Hiền nói.