“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải. Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái…”.
Có con mương trước nhà, cuối thu vẫn còn hoa súng, xen giữa xanh um cỏ lác, cỏ dừa. Mặt trời chưa thức giấc, chim chóc đã reo vui ríu rít trong vườn. Chìa vôi, chèo bẻo, chim sâu, chim chích… thi nhau cất dàn đồng ca đón chào ngày mới. Ngôi nhà ký ức của tôi nằm giữa một thung lũng nhỏ của miền trung du nghèo mà yên bình như thế đó.
Xưa quê nghèo nhà ai cũng mái tranh vách đất. Nhà tôi cũng không ngoại lệ. Trừ mấy ngôi nhà cổ, chủ nhân là của con cháu địa chủ thời trước, mới có nhà lợp ngói âm dương với sân gạch. Còn lại, dân làng tôi ai cũng sở hữu một phần của rẫy tranh làng. Để đến lúc rẫy tranh từ xanh non ngả sang màu xanh nhạt, lá tranh đã già, người ta cắt tranh trải theo từng lối, phơi luôn tại đồi. Đợi tranh khô, lúc trời nắng gắt nhất, họ cuốn tranh lại thành bó, gánh về nhà làm tiếp công đoạn đánh (bện) tranh thành từng tấm thật khéo theo mỗi cặp hom tre dài khoảng từ 1m đến 1,5m tùy vị trí trên mái nhà. Vách đất thì chỉ cần trét một lần sau khi dựng nhà, nhưng mái tranh thì cứ qua hai mùa mưa, lại phải lợp mới. Nếu chưa kịp thay mái thì mùa mưa lũ, nền nhà đầy xô chậu, còn mùa nắng, ánh mặt trời không chỉ tràn qua mái hiên mà còn đổ lốm đốm trong nhà.
Ngôi nhà xưa nắng mưa đi về, trong nghèo khó, kỷ niệm cứ đẹp như tuổi thơ. Nhà tôi hồi đó có những vật dụng mà bây giờ thật khó tìm thấy. Vài cái chõng tre, mỗi lần ngồi lên, nan lún kêu cót két. Nhớ năm ông nội mất, gia đình chú tôi từ Tây Nguyên về, thiếu chỗ ngủ, phải lấy nong trải chiếu làm giường. Một bộ bàn gỗ tạp, vừa dùng tiếp khách, vừa làm bàn ăn gọi là quả đường. Một gian bếp gồm bàn bếp, trứa (giàn treo phía trên bếp, dùng để hong khô củi hoặc bắp lúa trong mùa mưa). Trên trứa treo nào là giống bắp, bầu, bí, mướp, nếp rẫy… dính bồ hóng đen bóng. Dưới bếp bao giờ cũng là củi khô được xếp ngay ngắn và lá dừa, lá tranh khô để nhen lửa. Giản đơn mà ấm áp. Bếp trở thành không gian của sự đoàn tụ. Chiều chiều, sau buổi làm đồng, cả nhà quây quần bên bếp chuẩn bị bữa tối. Những món ăn dân dã thật đậm đà hương quê qua bàn tay mẹ nấu: cá rô đồng kho lá gừng tươi, bánh sắn, canh ốc đá nấu mít non… Nhưng có lẽ “ngon” nhất là không khí đầm ấm. Mọi lam lũ của ba mẹ chợt tan biến khi gia đình sum vầy bên mâm cơm, dù đạm bạc, dù những cái dạ dày chăm chỉ của sáu anh em chúng tôi làm một loáng đã hết sạch.
Mái tranh nghèo xao xác thuở nào, giờ chỉ còn là phiên bản nhà lá trong các khu resort. Nó đã thành quá khứ. Người ta không thể sống mãi trong ký ức, nhưng đó là phần hồn sâu thẳm. Dẫu biết rằng “Ký ức là chiếc sừng đi săn mà âm thanh vang lên biến mất vào trong gió thoảng” (Mặc Nhiên), con người vẫn không thôi nghĩ về nó. Ngôi nhà xưa và những kỷ niệm tuổi thơ vẫn mãi ngọt như lời hát ru của mẹ.
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN