Ngồi ở Cà Mau, thấy chiếu Bàn Thạch

TRUNG VIỆT 03/02/2019 05:55

Ai mà biết có từ bao giờ, chỉ biết cha ông sống bằng nghề này... Những câu trả lời bỏ lửng. Tôi đã ngồi với họ gần trọn buổi, nghe mùi bùn và lác khô mà gần 30 năm rồi, tôi mới sống lại với nó.

Dệt chiếu ở Duy Vinh - Duy Xuyên. Ảnh: Phương Thảo
Dệt chiếu ở Duy Vinh - Duy Xuyên. Ảnh: Phương Thảo

Ngày đó làng tôi nhiều người dệt chiếu, rồi chạy xuống mấy trăm mét nữa là gặp Bàn Thạch của Duy Vinh (Duy Xuyên), chiếu ngút ngàn bờ bãi khi đã nhuộm, đem phơi, xanh đỏ tím vàng rộn ràng. Và bây giờ đây, cái làng Tân Thành thuộc TP.Cà Mau, những khung dệt cũ càng, những dáng ngồi nhẫn nại, cúi xuống, khiến tôi như được trở về.

Nghề chiếu “hành phương nam”

“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm…”. Dân mê vọng cổ, hẳn biết câu mở đầu này trong bản cải lương “Tình anh bán chiếu” do Út Trà Ôn ca, não ruột khúc sông Ngã Bảy Phụng Hiệp. Chàng mang đôi chiếu bông đứng chờ người tình khuất sau hàng cây mà người ấy đã cất bước theo chồng, quên lời ước hẹn. Nước mắt chàng lã chã, chiếu không bán, đem về nằm ủ nhớ thương ngậm ngùi. “Mày có thuộc bài đó không mà dám viết?”. Bạn ở Sài Gòn là dân Tân Thành hỏi như chơi. Chàng đã đi xa, nàng thì chẳng biết ở đâu, giờ cũng chẳng còn ghe chiếu chống sào đợi ai nữa, chỉ còn lại mấy chục hộ làng chiếu cầm cự với cái danh đã xa.

Dân nước mình, thuở chưa có ga, nệm, ai sinh ra mà chẳng nằm trên chiếu, lúc bơ vơ mạt vận chẳng thèm muốn gì ngoài manh chiếu rách. Giờ, thì chỉ có mấy ông già dịp tết hay đặt để trải chiếu nhà thờ, chùa; rồi cũng thi thoảng có đôi có cặp chuẩn bị cưới đến đặt đôi chiếu có hình loan, phụng như ước nguyện bạc tóc long răng.

Chưa thấy tài liệu nào cho biết chính xác nghề dệt chiếu ở nước ta có từ thời nào. Chỉ thấy những khảo cứu ở làng chiếu Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa cho biết từ thời đầu nhà Trần, làng chiếu Nga Sơn đã làm ra những sản phẩm để tiến vua. Sự kiện này còn lưu lại trong câu ca dao: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Như vậy, nếu ước tính nghề chiếu nước ta có từ thời đầu nhà Trần và khởi nghiệp từ làng chiếu Nga Sơn ở Thanh Hóa thì đến đầu thế kỷ 21 đã ngót nghét 800 năm.

Những khảo cứu nghề dệt chiếu theo “bước chân” của người Việt đi mở cõi từ đồng bằng sông Hồng về phương Nam cho thấy dấu hiệu “dừng chân” của tổ tiên. Đó là làng chiếu ở Bàn Thạch thuộc tỉnh Quảng Nam. Ở đây, người ta khảo sát được các dấu tích của lưu dân đến từ vùng dệt chiếu lừng danh Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Và tiếp tục khảo cứu nghề chiếu xuôi về phương Nam thì những minh chứng cho thấy các làng chiếu như Định Yên của Đồng Tháp, Tà Niêng của Kiên Giang, Tân Thành của Cà Mau... đều được hình thành từ những lưu dân có nguồn gốc Quảng Nam.

Có chuyện rằng, ngày 27.10.1868, thực dân Pháp đưa Nguyễn Trung Trực ra hành quyết tại pháp trường Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Vì kính phục vị lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, những người thợ ở làng chiếu Tà Niêng đã bất ngờ trải chiếu bông trên đường đi của ông. Đó là gì nếu không phải tấm lòng lương dân dành cho kẻ quên mình vì nghĩa lớn.

Vang bóng một thời

Có những cái cũ nhưng không bao giờ cổ. Tìm trong đất, trong nước, trong bùn, lộ ra chiếc chiếu, họ không bỏ được, bởi đó là di sản cha ông, đi suốt dải đất hình chữ S thuở dựng nước và mở nước.

Một năm, bán được mùa tết chừng mấy chục đôi, mỗi đôi chừng 360 ngàn đồng, đó là chiếu bông, chiếu lẫy, có trang trí hoa văn. “Người ta có làm máy dệt, sưa rích, xấu òm, ai thèm vô hợp tác xã…” - bà Năm Ngọ trề môi. Nay đã 66 tuổi, bà bám khung dệt từ thuở lên 10 tuổi chứ ít đâu. Thăng trầm mặc kệ, bà chưa từng rời khung. “Cô làm chung với bà chị ruột, sanh ra đã thấy mẹ cha làm chiếu, bỏ sao được…”. Tôi ngó cái máy xe đay, đơn giản chỉ vài ba thanh gỗ nối nhau, bàn đạp mòn nhẵn dấu chân, nhớ những người ở làng tôi hay than, rằng ngồi miết là đau khớp. Có những gắn bó, chẳng phải vì tiền, mà đó là cảm xúc, là mắc nợ chính mình, mắc nợ những thứ không gọi tên được, bỏ thì như thấy có lỗi.
“Đôi chiếu lời trăm ngàn, tưởng cao lắm, nhưng mất mười mấy ngày, từ chặt lác, phơi, nhuộm,  gài khuôn, xe đay. Cái khung xe đay, chắp trân (sân) này 20 năm rồi, mấy ông biết làm nó chết hết rồi, cô phải mua lại của người khác…”. Lời bà Năm Ngọ như mưa phương nam. “Hồi đó, đàn ông nơi khác hay nói, muốn tìm gái Tân Thành thì cứ mưa dông là tới gặp, không đứa nào trốn vì phải tuôn ra đường thu cuốn chiếu. Hồi đó, dệt cả làng, dệt dữ dội, ghe về mua đậu đầy sông Cái Nhúc, vựa chiếu  tràn trề…”. Hồi xưa, hồi đó… Chiếu Cà Mau danh tiếng tới tận Sài Gòn, chẳng phải do bài  vọng cổ của soạn giả Viễn Châu, mà do chất lượng và kỹ thuật của chiếu ngon lành. Làng chiếu Tân Thành ở Cà Mau từ lâu lắm chỉ làm chiếu “lẫy”, còn gọi là chiếu bông. Nói là chiếu bông, nhưng trên mặt chiếc chiếu là hình con rồng, con phụng, con bướm, con nai, cây cau, cây chuối hoặc những từ có nghĩa chúc mừng, kỷ niệm. Tất nhiên, làm chiếu bông là phải “lẫy” hình hoặc chữ trên mặt chiếu, và phần lớn làm theo ý khách hàng. Muốn vậy, ngay từ khâu nguyên liệu là cây lác cũng phải do người ở Tân Thành tự tay mình trồng và chăm sóc để có được thân cây đúng chất lượng.

Bây giờ, khi các làng chiếu khắp vùng miền đã có máy dệt, nhưng người Tân Thành vẫn giữ nguyên cách làm của chiếc chiếu ngày xưa. Ở Bàn Thạch, giờ nhiều người vẫn dệt lối cũ, tận tụy với khung dệt như mắt thời gian buồn bã và chung thủy với cái nghề đã nuôi bao kiếp đời đi qua khốn khó. Có những cái cũ nhưng không bao giờ cổ. Tìm trong đất, trong nước, trong bùn, lộ ra chiếc chiếu, họ không bỏ được, bởi đó là di sản cha ông, đi suốt dải đất hình chữ S thuở dựng nước và mở nước. Tôi ngó bà Ngọ đem chiếu trải ra cho khách coi, mùi mực, mùi lác thơm, nhưng sao tôi nghe từ chiếc chiếu mới mùi mồ hôi của quê tôi một thuở…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngồi ở Cà Mau, thấy chiếu Bàn Thạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO