Ngồi ở Tà Vàng nói chuyện củi lửa

TRUNG VIỆT 25/03/2023 07:01

Chiều, như bao chiều khác ở vùng cao. Người lớn lên rẫy. Trẻ con đi học. Nhà nào có mở cửa thì cũng người già trầm tư hướng núi, phụ nữ xúm lại rì rầm, còn cãi cọ lúc to lúc nhỏ trong nhà đầy tiếng thanh niên thì chắc chắn là nhậu.

Nhà ở sát nhau, lúc cháy sẽ lan rất nhanh, khó dập lửa. Ảnh: T.V
Nhà ở sát nhau, lúc cháy sẽ lan rất nhanh, khó dập lửa. Ảnh: T.V

1. Tà Vàng chiều vãn nắng được chừng gần 2 giờ, thì sậm sì đen và ì oàng dông. Số nhà 27 của Alăng Nhiêu. Tà Vàng là thôn… cải cách tư pháp nhà cửa đầu tiên của xã A Tiêng đồng thời là của huyện Tây Giang, đánh số nhà đi liền tên chủ hộ. Ba người đang nhậu, đến đoạn líu líu lo lo, cả Nhiêu cũng không nhớ nhà mình số mấy.

Tôi chối uống, hỏi Nhiêu: “Nhà không nhớ, lỡ cháy, xã hỏi số bao nhiêu biết đâu trả lời?”. Anh cười rân: “Cháy thì đi sạch, số mấy cũng rứa thôi”.

Từ trên đường lớn nhìn xuống, Tà Vàng quần tụ dưới thung lũng, nếu không có cây rừng che khuất, mái nhà cũ mới xanh - nâu kẹp sát nối nhau như giăng bạt. Từng có những bức ảnh rất đẹp về lễ hội ở đây, bởi gươl bề thế, sân không rộng như ở A Rầng - A Xan, Pơ’ning của Lăng, nhà sát gươl, thu vào ống kính dễ dàng.

“Bà con có được hướng dẫn phòng cháy chữa cháy không?”. “Có” - Alăng Nhị, em trai Nhiêu nói. “Cụ thể là chi?”. Một  phụ nữ ngồi bên nói với sang: “Ban quản lý rừng phòng hộ tuyên truyền phòng chống cháy rừng”. “Không, tôi hỏi là phòng cháy nhà cửa?”. “Ôi, chưa nghe nói đâu”.

“Có dùng bếp ga không?”. “Có chứ” - Nhiêu nói - “bếp củi cũng có”. Trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn xuống tỉnh tập huấn. Thôn phó Riah’ Chiếu cho hay, cả thôn có 82 nhà/95 hộ.

“Xã có tập huấn phòng cháy chữa cháy đó anh. Mỗi thôn trung bình 12 người/đội phòng cháy chữa cháy”. “Thôn này ai tập huấn?”. “Trưởng thôn và bí thư chi bộ”. “Người được tập huấn có về tập huấn lại cho bà con không?”. “Chưa. Nhà sát quá, do không có đất anh à”.

“Nếu xảy ra cháy thì sao? Có biết chuyện A Xan vừa rồi không?”. “Biết chứ”, nhiều người lên tiếng. “Ôi, ở đây như trên đó, cháy là tiêu hết thôi”. “Thiếu nước, bắt đầu thiếu rồi đó anh” - Chiếu nói – “chỉ hơn 15 hộ có nước sạch tương đối thôi, còn lại bà con thiếu hết, nước chảy yếu lắm, mùa nắng còn khổ”.

Alăng Nhì bảo: “Đi với em”. Chúng tôi băng qua ngọn đồi thấp, sát rạt khu nhà bà con là bể chứa nước tự chảy làm năm 2007 nằm giữa rừng cao  su.  Nhìn thấy cái bể nước cho 340 nhân khẩu, chiều  ngang 2m dài 3m, nước trong bể dâng cao chừng 40cm, ống dẫn vào thì bằng ống chân người lớn, ống ra thì nhỉnh hơn cổ chai bia, tôi thốt lên “trời ơi, không thiếu mới lạ”. Nhì cười vang “dẫn anh đi cho anh biết, nãy anh hỏi nếu cháy thì có nước phun không, nước uống mà thiếu thì nước mô mà phun tưới”.

2. Tôi lội quanh làng. Sát rạt nhau. Mỗi nhà có một đống củi dự phòng bên hè, chưa kể gỗ để dành. Vùng cao đường sá khó khăn, phương tiện chữa cháy hiện đại ở quá xa, hệ thống nước cũng khác, tính chuyên nghiệp càng khác. Nếu bùng lên cháy lớn khu dân cư, chắc chắn là thua to.

Cả đời có được ngôi nhà, có khóc cũng vô nghĩa, nhưng phòng cháy thì chuẩn bị thế nào? Thử làm một rà soát tất cả khu dân cư miền núi, lâu nay chuyện phòng cháy chữa cháy thế nào? Trong quy hoạch tái định cư, có phần phòng cháy chữa cháy không, nếu có thì khả thi không? Từ giấy tờ đến tập luyện thế nào? (mà tập luyện này tôi nói thẳng, cũng… ái ngại lắm, y như tập luyện động đất sóng thần, việc đầu tiên là chạy…). Bà Hoih Tép đang bửa củi. Ngồi bệt nghỉ mệt, bà hổn hển trả lời tôi, có biết cháy mô đâu, ở đây không có, cháy thì chịu thôi, mình có biết chi đâu…

Làng vắng lặng. Ông Bling Úc ngồi trước hiên. Nhà ông đối diện gươl. Điếu thuốc lá tôi mời tàn rụng như chớp sau hai cái hít dài. Trôi ngược ký ức trong điệu chậm của kẻ đã từng nhìn thấy tang thương của lũ làng.

“Hồi đó, năm 1981, làng này ở ngay trung tâm huyện bây giờ. Mười giờ sáng thì cháy. Không có người lớn ở nhà. Bỏ rựa quăng dao chạy về thì chỉ biết đứng ngó. Cháy trụi 10 cái nhà thành tro”. “Do lửa bếp hả?”. “Không, có người thấy đứa con nít nghịch lửa đốt đống củi sau nhà, làm cháy luôn”.

“Nhà có sát như bây giờ không?”. “Không, nhưng toàn gỗ, mùa nắng nữa, may không có ai chết”. Mắt ông chợt bừng lên rồi ái ngại, thì thầm. “Sợ lắm”. “Có ai nói ma không?”. “Có, bà con bỏ làng đi ngay. Trước đó có 3 bà già, cứ nối nhau chết lúc đêm khuya, dù đang mạnh khỏe”.

Thế rồi lần lượt kéo đi tìm đất khác. Khổ trăm bề khi kẻ còn nhà cũng chẳng khác kẻ cháy nhà, bởi tìm chỗ dựng nhà mới đâu dễ. Mà hồi đó rừng mênh mông gỗ, có đâu như bây giờ…

Nhà ông Pơ Loong Diếc sát nhà ông Bling Úc. Ngồi xuống cạnh bạn già, họ nói với nhau bằng tiếng Cơ Tu khi nhớ trận cháy đó. “Bà con xuống đây 20 năm rồi” - ông Úc nói - “chịu thôi, không có đất, đành ở gần sát nhau. Chừ mà cháy thì có chết thôi…”.

Lời ông nói, khiến tôi bừng nhớ là rất nhiều năm trước, bạn tôi là một chính trị viên đồn biên phòng ở đó nói gay gắt, rằng “tôi không hiểu chủ trương tái định cư kiểu gì nhà sát nhau, lỡ cháy, đố mà cứu được”! Và anh nói rằng, khi anh phản biện thì bị đập ngược, làm khó… Chẳng cần tiên tri gì, đó là cái nhìn biện chứng và nó đã xảy ra.

Bà Tép: “Nếu cháy thì chịu thôi...”. Ảnh: T.V
Bà Tép: “Nếu cháy thì chịu thôi...”. Ảnh: T.V

3. Trầm mình trong mưa nắng, cả đời gắn với nương rẫy, giấc mơ miền núi của những đứa con cư ngụ ở đó, không phải là thiên di về những phương trời xa khác mà là bình yên cơm áo với rừng với làng với thần linh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang là anh Bríu Quân nói rằng, vụ cháy ở A Xan vừa rồi, câu chuyện dân vận không thua kém chuyện lấy đâu ra tiền làm nhà. Tập tục Cơ Tu là nhà cháy thì bỏ, đi chỗ khác. Nhưng tại địa điểm đó, đất dựng nhà không có.

“Tôi nói với bà con, là cháy nhưng không ai bị thương, chết, thì không có ma, nên ở lại thôi. Đất nền cháy, xúc đổ hết, đắp đất mới, tức là cái xui con ma bị đem đi rồi. Vận động từ nhiều hội đoàn thể, cuối cùng bà con chấp thuận làm nhà lại trên nền cũ. Còn lấy gỗ đâu làm, thì chuyện của xã”. Giọng anh xót xa: “Ở rừng mà không có gỗ làm nhà…”.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cho hay, huyện đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho bà con dựng nhà. “Nhưng chuyện lớn là phòng cháy chữa cháy” - anh nói - “Sau trận cháy đó, công an huyện đã bắt đầu rà soát lại hệ thống nguồn nước các khu dân cư. Tại khu vực cháy đó có nước, anh em công an xã bây giờ là lực lượng chính quy, dụng cụ chữa cháy có hết, nhưng đường ống nước ở đó không khớp với đường dây chuyên dụng.

Vậy, phải làm lại đầu mối cho tương thích. Xem xét nguồn nước đủ mạnh, khi có sự cố xảy ra là ứng phó, hạn chế thiệt hại. Còn tập tục bà con có bếp ở giữa nhà, đốt lửa quanh năm, đâu có bỏ được, mình chỉ tuyên truyền cố gắng giữ không để xảy ra cháy”.

Ông Lượm cũng cho hay, sự cố vừa rồi cho thấy sự bất cập của quy hoạch làng, sát nhau quá, dẫn tới khó khăn nhiều thứ, nhưng với đặc điểm của Tây Giang, thì quá khó để có mặt bằng rộng bố trí dân cư thoáng. Nhưng đó là bài học cho công tác quy hoạch, bằng mọi giá, nếu làm mới, sẽ phải tránh bất cập. Tại thôn Tà Vàng, nhà sít sát nhau, rất nguy hiểm khi cháy nổ, sắp tới huyện sẽ giãn dân bớt ra khu vực trung tâm xã…

Nhà cửa các khu tái định cư miền núi y như nhà ở phố, nhìn đâu cũng thấy vậy chứ riêng gì Tây Giang. Hễ đã cháy là hàng loạt. Có lẽ đến lúc các địa phương nhìn lại vấn đề này… Dân gian xếp bà hỏa là nguy hiểm sau thủy. Cái nhìn nín lặng của hai ông già thôn Tà Vàng không hẹn mà gặp, có nỗi nhớ buồn đau, kinh hoàng của ký ức, có thiết tha lo lắng của hiện tại, thậm chí có cả bất lực của ngày mai trước hung hiểm không báo trước…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngồi ở Tà Vàng nói chuyện củi lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO