Hội An, một ngày sau khi lũ rút. Tôi đi dọc đường Nguyễn Thái Học, con đường mà trước đó nước lũ ngập gần 2m, đã thấy một ông già ngồi bắc ghế uống nước trà bên hiên, và vài ba hàng quán đón khách Tây vào thăm thú.
Hội An mùa lũ. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Có thể, cả đêm trước, khi nước bắt đầu lui, họ và người nhà đã phải gồng mình dọn dẹp. Nhưng hình ảnh lúc này, ngay trước mắt, lại chừng như đối lập với điều đó. Và đối lập với cả ám ảnh tràn ngập thông tin mà truyền thông dồn dập đưa trước đó, về Hội An. Kỳ lạ!
Sống chung với lũ
Dân Quảng Nam, dân Hội An quá quen với lũ rồi. Lũ lớn, lũ nhỏ, thì cũng là lũ. Ứng xử với lũ, cũng gần như định hình thành một nét văn hóa. Chuyện lũ, thành ra, như một điều tự nhiên mà họ biết là phải gặp. Và họ đã sống chung với lũ từ rất lâu rồi. Họa sĩ Trương Bách Tường nói: “Vấn đề không phải là lũ hay không lũ, mà là câu chuyện không kiểm soát được mức độ lũ theo từng năm. Thời gian trước, lũ thì lũ nhưng lên từ từ, nên thoát. Chừ, lũ làm cái ào, nên ngâm”. Chữ “ngâm” dừng lại, nghe có vẻ nhẹ tênh, nhưng mà đăng đắng như vị cà phê ngày lũ rút bên ngổn ngang bùn non phố cổ…
Hội An, như thường lệ, là một trong những vùng ngập sâu nhất ở hạ lưu. Nỗ lực của chính quyền trong di dân, vượt lũ đưa người mắc kẹt đến nơi an toàn… giải quyết rất nhiều nỗi lo về nhân mạng trong lũ. Nhưng rõ ràng, sự chủ động từ phía người dân đã phát huy tác dụng, không có nạn nhân nào của Hội An trong danh sách tử vong vì lũ. Chủ động đưa đồ đạc, tài sản lên cao, chủ động sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng, và trước hết, là nắm chắc thông tin. Nói chuyện với nhà thơ Phùng Tấn Đông, anh kể, người Hội An, cũng như người Quảng Nam đã thành hình một thói quen “chịu lụt” từ xa xưa. Ở những làng ven sông, ven cồn bàu, các gia đình khá giả luôn sắm sẵn một chiếc ghe nan hay ghe gỗ, thiếc/nhôm để đi lại, chuyên chở vật dụng trong mùa lụt. Làng gốm Nam Diêu (Thanh Hà) ngày trước sản xuất và bán rất chạy các loại chum lớn để muối mắm hay đựng nước ngọt sử dụng trong mùa lụt - cả những chiếc om lò dùng để nấu ăn trên ghe hay trên bàn gỗ kê cao trong nhà khi nước lụt.
Người bình dân có câu thành ngữ thể hiện cách ứng xử với tự nhiên “bồi thì ở, lở thì đi” - nghĩa là luôn thích ứng với hoàn cảnh sống ven sông. Trong đời sống, sinh hoạt người ta đã sắp xếp vật dụng trong nhà sao cho tiện dọn dẹp tránh việc hư hại khi có lụt bất ngờ, luôn dự phòng bằng cách ngoài sân dựng chòi cao để kê vật dụng hay xây gác lửng/lầu để tránh lụt. Nhiều nhà có sáng kiến “treo” vật dụng lên xà nhà, cột, rường để tránh lụt làm trôi hay ngâm nước. Những gác lửng, tầng gác kiên cố sau này, có thể đã thay thế cho kết cấu tạm bợ thời trước, nhưng việc phòng tránh lụt đã là thói quen truyền đời, trở thành văn hóa ứng xử, sinh hoạt. Lũ về, thì leo lên gác. Căn gác lửng, hay tầng lầu, cứ nâng dần theo đợt cải tạo, dựng nhà, thành thử tự thích nghi với cường độ lũ, đủ để lũ không chạm tới. Đôi bận, về phố cổ, hỏi chuyện các ông, các bà, hiếm thấy sự hoang mang khắc khoải nào, sau lũ. Nhiều người, là ông già bà cả đấy, vẫn đủng đỉnh đội mưa, chở khách Tây dạo vòng vòng “chơi lũ”.
Ngồi trên đỉnh lũ, mà run!
3,15m, là đỉnh lũ ở Hội An trong đợt mưa lớn kéo dài gần một tuần lễ vừa qua, gần chạm mốc lũ năm 2007. Số liệu mới nhất: 22 người chết và mất tích, trên toàn tỉnh. Câu chuyện, nhất là trong dân, đổ về thủy điện. Nhưng Hội An, từ năm 1999, khi chưa có thủy điện, đã từng nhiều lần lũ lớn. Để nói, thủy điện không làm ra lũ, mà thay vào đó, là sự gia tăng cường độ lũ khi thủy điện buộc phải xả nước lưu lượng lớn về hạ lưu.
Dân Quảng, nhiều vùng đã quen với lũ lớn. Kinh nghiệm tích lũy truyền đời được “gia cố” thêm bằng bao đận lụt thời thủy điện. Nhưng, kinh nghiệm đó, từ câu chuyện “ông tha mà bà chẳng tha, trời làm cơn lụt hăm ba tháng mười”, đã không còn hiệu nghiệm. Ứng xử thô bạo của con người với thiên nhiên, bằng phá rừng, bằng hút cát lòng sông, bằng hủy diệt những cánh rừng ven biển… đổi lại là tốc độ biến đổi khí hậu kinh hoàng. Xứ Quảng, không nằm ngoài quy luật ấy. Cỏ lau trắng bờ trắng bãi, mà lũ vẫn lớn như thường. Rồi nước bạc cũng ập vào tan hoang bãi bờ nhà cửa, bùn non vùi lấp những trường học, bệnh viện, phố xá…
Lụt lớn hơn, nhanh hơn, thành lũ. Hôm qua, hôm nay, dân Hội An vẫn còn ngồi trên đỉnh lũ, nhưng đã bắt đầu bình tĩnh mà... run. Chẳng ai dám chắc ngày mai, nước đến đâu, căn gác lửng mình đang ngồi có còn trên đỉnh lũ. Tôi làm một bài kiểm tra thử nghiệm với vài cán bộ đương chức và cả về hưu, chung một đáp số, là khi thiên nhiên không chờ đợi, thì con người, buộc phải tính toán cách sống chung với lũ. Không chỉ bằng những kinh nghiệm của cha ông, hay từ “cuộc diễn tập bắt buộc” mỗi mùa mưa qua nữa. Cũ rồi. Cái phòng tranh của họa sĩ Trương Bách Tường, mọi khi, vẫn đủ thời gian để dời đồ tránh lũ. Lần này, không tài nào kịp. Cả phố cổ đợt này, biết bao quán xá, gian hàng, không ít thì nhiều, cũng ngâm đồ trong lụt. Ngó lại, đằng sau ông già bắc ghế uống trà trong phố cổ, và những hàng quán đã mở cửa ngay khi lũ rút, là may mắn. May mắn vì mưa đã ngừng, thủy điện đã hạ mức xả xuống hạ du, và nước lũ chỉ dừng ở con số 3,15m. May mắn ấy, kéo dài đến bao giờ? Không một câu trả lời chắc chắn.
Thì sông vẫn cứ lũ. Thu Bồn - Vu Gia, bao đời đã là hình hài của dòng sông lũ. Lũ, là chóp nón chìm chỉ kịp để định hình một phận người theo nước bạc. Bến nước vừa giặt áo, ngoảnh nhìn lại đã chìm dưới sông sâu. Phận người nhỏ nhoi lắm giữa mênh mông biển lũ. Chỉ mong, đỉnh lũ, vẫn nằm ở 1964, 1999, hay 2007. Để dân còn đủ can trường trước cuồng nộ của dòng nước, ngồi trên đỉnh lũ mà… chờ!
THÀNH CÔNG