Trường Trung học Phan Châu Trinh là ngôi trường trung học công lập đầu tiên do Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 và khai giảng ngày 15.9.1945 tại Hội An với 4 lớp đệ nhất niên, 3 lớp đệ nhị, 2 lớp đệ tam và 1 lớp đệ tứ, tổng cộng gần 500 học sinh.
Anh dũng kháng chiến
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, trường chuyển về vùng tự do, lúc đầu ở Tân Mỹ (Đại Lộc) sau vào Cẩm Khê (Tam Phước - Tam Kỳ).
Tháng 9.1954 ngụy quyền Sài Gòn đã dùng họng súng và lưỡi lê để giải tán trường. Một số thầy giáo và học sinh tập kết ra miền Bắc. Số đông còn lại ở trong vùng kiểm soát của địch đã bí mật tham gia đấu tranh chống khủng bố, đòi tự do dân chủ. Một số ra vùng căn cứ tiếp tục công tác và chiến đấu. Từ năm 1965, trên nền trường cũ, ở vùng giải phóng Cẩm Khê - Tam Phước đã được xây dựng trường cấp 2 học theo chương trình lớp 5, 6, 7 của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam. Thầy và trò đã kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp của Trường Trung học Phan Châu Trinh Cẩm Khê thời kháng chiến chống Pháp. Đến ngày thống nhất đất nước các giáo viên và học sinh cũ của trường đã về hội tụ tại Đà Nẵng và Ban liên lạc giáo viên và học sinh Trung học Phan Châu Trinh ra đời nhằm tập họp ngày càng đông đủ các giáo viên và học sinh đã dạy và học tại trường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cùng nhau ôn lại truyền thống của trường và bàn cách phát huy truyền thống đó trong ngành giáo dục tỉnh nhà.
Khuôn viên Trường Trung học Phan Châu Trinh. |
Qua nhiều lần họp mặt ở Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… thầy cô giáo và học sinh Phan Châu Trinh đều thể hiện lòng tự hào về sự đóng góp của trường mình và của mỗi người trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mọi người đều nhất trí với nhau rằng, trong kháng chiến, trường Trung học Phan Châu Trinh đã tạo ra được những truyền thống tốt đẹp và vô cùng quý báu.
Trước hết và quan trọng hơn cả là truyền thống yêu nước, một lòng theo Bác Hồ, theo Đảng, theo kháng chiến, đánh giặc giữ nước, xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngay từ những ngày đầu nhà trường đã tổ chức việc dạy và học có nền nếp, đã tích cực tham gia ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, bầu cử Quốc hội 6.1.1946. Năm 1950, học sinh Phan Châu Trinh theo lệnh tổng động viên đã xung phong tình nguyện lên đường làm người lính cụ Hồ và đã chiến đấu dũng cảm, vượt qua mọi hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu biểu như Nguyễn Ngọc Báu đã về tận buôn làng Tây Nguyên vận động đồng bào Thượng đứng lên đánh Pháp. Và về sau, nhiều người đã trưởng thành trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Yên, Đinh Trí, Đại tá Lê Cổ, Châu Quang Bút… Các giáo viên cấp 1 do các lớp sư phạm của trường đào tạo nhiều người đã xung phong về vùng tạm chiếm, vùng giáp ranh mở lớp dạy học, giành giật thế hệ trẻ với địch, nhiều người tình nguyện lên vùng núi cao Trà My, Nam Giang đem cái chữ đến cho con em đồng bào các dân tộc.
Thứ hai là truyền thống vượt khó khăn dạy tốt, học tốt, tự học, tự rèn luyện toàn diện. Không có sách giáo khoa thì thầy giáo dịch sách tiếng Pháp, chữ Hán soạn bài giảng chuyền tay cho học sinh chép, phấn thì làm bằng đất sét trộn vôi. Địch bắn phá thì học vào buổi tối, quanh lớp là hệ thống hầm hào chi chít. Các môn chính trị, giáo dục công dân, nhạc, hoạ, thể dục quân sự đều được coi trọng và bảo đảm học đủ giờ.
Thứ ba là tình nghĩa thầy trò cao đẹp đã trở thành truyền thống gắn kết thầy với trò và đặc biệt là trò với trò thành một tập thể thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau, không phải chỉ trong thời gian học ở trường mà cả thời gian dài từ khi ra trường đến nay hàng mấy chục năm. Thầy giáo ngày ấy không lớn tuổi hơn học trò nhiều, và bây giờ cả thầy và trò đều từ tuổi 70 trở lên, nhưng mỗi lần họp mặt là một lần hạnh phúc được tâm sự, thăm hỏi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa.
Cùng xây đắp hòa bình
Tiến tới kỷ niệm 70 năm trường Trung học Phan Châu Trinh Năm 2015, Trường THCS Tam Phước - Phú Ninh tròn 70 tuổi. Ban liên lạc giáo viên, học sinh Phan Châu Trinh ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tam Kỳ đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và huyện Phú Ninh và tiến hành chuẩn bị lễ kỷ niệm vào tháng 4.2015. Tập kỷ yếu 5 đang được biên soạn và chuẩn bị xuất bản chào mừng kỷ niệm, thư viện nhà trường cũng sẽ được bổ sung, hoàn chỉnh để phục vụ tốt hơn cho giảng dạy và học tập. Tượng cụ Phan đặt ở sân trường đã được xây dựng từ năm 2010. Bia lưu niệm ở Hội An, Cẩm Khê đã được xây dựng 10 năm nay cũng cần được sửa chữa, xây thêm cho xứng tầm vị chí sĩ yêu nước mà trường mang tên. Hàng trăm giáo viên và học sinh kháng chiến trong Nam ngoài Bắc sẽ về Tam Phước để tiếp thêm sức mạnh cho ngôi trường THCS hiện nay, vươn lên đạt chuẩn quốc gia, ngôi trường của một trong 11 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới đợt đầu đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 8 của ban chấp hành TW Đảng, khóa XI đang triển khai thực hiện. Người viết bài này là một học sinh cũ của trường Trung học Phan Châu Trinh (1945 - 1949) rất mong được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo giúp đỡ trường THCS Tam Phước thực hiện tốt sứ mạng lịch sử của mình. |
Những truyền thống tốt đẹp và quý báu đó đã tạo nên sức mạnh của một ngôi trường, nay là Trường THCS Phan Châu Trinh xã Tam Phước (huyện Phú Ninh). Trên nền trường xưa ở đồi Gò Da đã dựng bia kỷ niệm trường Trung học Phan Châu Trinh kháng chiến. Người dân đã cưu mang trường dưới làn bom đạn của kẻ thù, nuôi dưỡng thầy và trò hoàn thành nhiệm vụ dạy và học năm xưa nay rất tự hào với thành tựu và truyền thống của trường. Trường Phan Châu Trinh - Tam Phước đã phát triển đủ 12 lớp của hệ THCS với cơ sở vật chất khang trang, đàng hoàng, có 10% số học sinh được xếp loại học sinh giỏi, có em đoạt giải nhất môn Văn, giải nhì môn Toán, thi tốt nghiệp lớp 9 được xếp thứ hạng cao trong tỉnh. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ tiếp thu sức mạnh truyền thống của ngôi trường kháng chiến cùng với sự theo dõi giúp đỡ thường xuyên của Ban liên lạc giáo viên và học sinh Phan Châu Trinh Hội An - Cẩm Khê mà thầy Hồ Huyền, nguyên Trưởng ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng và hiệu trưởng nhà trường là cố vấn và Đại tá Châu Quang Bút nguyên học sinh, Bí thư chi bộ nhà trường làm Trưởng ban.
Không thể nào diễn tả hết niềm vui và sự xúc động của 200 giáo viên và học sinh kháng chiến khắp trong Nam ngoài Bắc ngày về dự họp mặt kỷ niệm ngày thành lập, dựng bia kỷ niệm trên nền đất trường đóng ở Hội An (trước là école des Garçons, nay là Nhà văn hóa thiếu nhi) năm 2000 ngày khánh thành tượng danh nhân Phan Châu Trinh năm 2010. Mọi người đều tự hào về ngôi trường kháng chiến, trường trung học công lập đầu tiên của đất Quảng. Vài ba thập kỷ nữa, có thể nhiều người trong số giáo viên học sinh kháng chiến chúng tôi sẽ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng sức mạnh của ngôi trường sẽ không mất, ngược lại còn được nhân lên gấp nhiều lần với gần một nghìn thầy cô giáo và học sinh THCS Phan Châu Trinh, với bề dày lịch sử truyền thống 7 thập kỷ từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến phát triển và đổi mới ngày nay.
TRẦN THÂN MỘC