Ngôi trường của lòng dân

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC 30/12/2014 09:44

Kể từ khi ngôi trường được xây dựng, những học trò vùng cao (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) đã không còn cảnh mỗi ngày vượt hàng chục cây số đường rừng đến trường học tập. Con chữ với các em giờ đã tròn trịa hơn.

Cơ sở khang trang kiên cố của Trường THCS Phan Châu Trinh xã Sông Kôn.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cơ sở khang trang kiên cố của Trường THCS Phan Châu Trinh xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khi ước mơ về ngôi trường khang trang kiên cố của người dân bản địa đã trở thành hiện thực, con đường đến trường của lũ học trò được thu hẹp khoảng cách, như cầu nối khuyến khích các em đến lớp mỗi ngày… Điều này lý giải vì sao Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Sông Kôn) lại được ví như ngôi trường của lòng dân.

Niềm vui trường mới

Kể từ khi ngôi trường được xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu năm học 2014 - 2015, học trò vùng cao vẫn đều chân đến trường ngay cả những ngày mưa gió. Cuối đông, vùng cao Đông Giang rét buốt mưa phùn. Tiếng trống trường giục giã “kéo” bước chân đám học trò đến lớp.

Chúng tôi theo chân thầy giáo Phan Sỹ Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường đến từng lớp học khi lũ học trò đang chăm chú nghe giảng. Những căn phòng rộng rãi, thoáng mát đầy đủ tiện nghi phục vụ công tác dạy học vẫn còn thơm mùi vôi vữa. Cũng như nhiều trường học khác ở vùng cao, không gian truyền thống luôn được địa phương khuyến khích khi xây dựng. Đó là những hình mẫu của gươl Cơ Tu, vừa tạo môi trường thân thiện cho chính học trò miền núi, vừa giáo dục các em gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. “Chỉ có 5 lớp học, ngôi trường là “mái nhà chung” của gần 150 học sinh bản địa ngày ngày đến lớp” - thầy Tuấn chia sẻ. Trường mới, đồng nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng thầy Tuấn lạc quan khi nghĩ về tương lai phía trước - tương lai của ngôi trường và lũ học trò chân chất, thật thà. Người thầy giáo đã có hơn 20 năm trong nghề, gắn tuổi thanh xuân với đồng bào miền núi như một duyên phận. Cũng chừng ấy năm trải nghiệm, câu chuyện của thầy Tuấn là lòng tin và niềm tự hào cho đồng bào miền núi, cho ước mơ về con chữ.

Trường THCS Phan Châu Trinh được khởi công xây dựng từ tháng 5.2013 và hoàn thành vào 1.2014. Công trình được thực hiện theo nguồn vốn Chương trình 30a với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, do UBND huyện Đông Giang làm chủ đầu tư. Theo Hiệu trưởng Phan Sỹ Tuấn, năm học 2014 - 2015, ngoài học sinh khối lớp 6 được tuyển sinh đầu vào, các khối còn lại đều được chuyển về từ Trường THCS bán trú Lê Văn Tám (xã Zơ Ngây).

Buổi trưa. Đứng từ tầng hai của trường nhìn về phía cuối đường, những chiếc dù được các cô cậu học trò dùng để che mưa mang đầy màu sắc. Trở về sau buổi học, những đôi mắt núi rừng hồn nhiên như chưa bao giờ được đến lớp. Cơn mưa núi theo chân các em về nhà, mang niềm tin con chữ từ lớp học. Chị Thu, người phụ nữ góa bụa ở thôn Bền bám chân dưới gốc cây sung già đợi đứa con trai tan buổi học. Người vùng cao vốn ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái, bởi cái nương, cái rẫy đã lấy đi gần hết thời gian của họ. Bởi vậy ở vùng cao, theo chân con đến trường luôn là những kỳ tích mà không phải cha mẹ nào cũng làm được. “Trường học đã gần nhà, nhiều phụ huynh ở đây yên tâm hơn khi con đến lớp. Không còn phải vất vả, lội sông suối đến trường như trước đây nữa” - chị Thu nói vội khi đứa con đã ra khỏi lớp học. Bên chiếc áo mưa cánh dơi, hai mẹ con chị dắt díu nhau trở về nhà.

No đầy con chữ

Đồng nghiệp của tôi từng ví von sự học ở vùng cao như cây lúa rẫy, bám víu núi đồi để lên xanh. Nghĩ cũng chẳng quá lời. Khi đời sống còn nhiều khó khăn, đường sá lại cách trở, việc học vì thế cũng trôi vào những ký ức buồn. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi, ngôi trường mới khang trang giờ “mọc” ngay giữa làng đầy ắp tiếng học trò mỗi ngày. Ông Alăng Vinh - nhân viên bảo vệ trường cũng là người bản địa nói như khoe: “Người dân ở đây bây giờ sướng rồi. Trường học gần nhà, con cái chỉ việc đi bộ vài bước là đến lớp. Cha mẹ vì thế cũng có thời gian và điều kiện để phát triển kinh tế”.

Trong ký ức của Alăng Vinh, ngày trước đến trường luôn là nỗi ám ảnh với bao câu chuyện vui buồn. Vùng cao thời của nhiều năm trước, đường đến trường xa hơn theo chân cha mẹ lên rẫy. Cái chữ, vì thế chưa bao giờ tròn trịa với lũ học trò bên tuổi thơ hồn nhiên như cây cỏ giữa rừng. Tôi thầm ước, giá như thời của những bà mẹ, ông cha với đàn con nheo nhóc mà tôi từng gặp, được như bây giờ, thì có lẽ những câu chuyện của Vinh đã không làm tôi nấc nghẹn. Nhưng đó cũng chỉ là những ký ức của ngày hôm qua. Bây giờ, con chữ đã no đầy với học trò miền núi, như rễ cây lúa mùa bám vào lòng đất mẹ. Không còn phải thức dậy từ hơn bốn giờ sáng, cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng đến trường mỗi ngày, những học trò vùng cao bây giờ đã có điều kiện hơn trước. Arất Vai - học sinh lớp 9 kể, trước đây từ nhà đến Trường THCS Bán trú Lê Văn Tám (xã Zơ Ngây) đi bộ cũng mất hơn một giờ đồng hồ. Xa điểm trường, nên mỗi ngày các em phải thức dậy và tranh thủ đi thật sớm để không bị trễ buổi học. Có hôm trời mưa, xong buổi học chiều về đến nhà thì trời đã tối mù. Học sinh ở các thôn K8, K9, Bhơ Hôồng 2… phải cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng mỗi ngày để đến trường học tập. Đó là chưa kể nhiều vụ các em học sinh bị ngã xe đạp, trầy xước mặt mày phải nghỉ học cả tuần lễ. “Bây giờ không còn như thế nữa. Có trường mới gần nhà, chúng em yên tâm học tập rồi” - Vai chia sẻ.

Cuối chiều, thầy giáo trẻ Bh’nướch Hay gấp trang giáo án đang soạn dở, cùng một đồng nghiệp cũng là người Cơ Tu đến thăm nhà của một hộ dân ở gần trường, nơi trước đây hai anh tá túc khi mới nhận công tác. Ngoài công việc dạy học ở trường, những giáo viên là người bản địa như thầy Hay vẫn thường đến thăm hỏi, động viên gia đình học sinh của mình. Từ những chuyến đi đó, đã giúp thầy giáo Hay cùng các đồng nghiệp tạo được niềm tin cho đồng bào, động viên con em đến lớp học tập. Và, thành tích lớn nhất của thầy Hay cùng các đồng nghiệp là đã vận động giúp hai học sinh trở lại trường sau thời gian dài vắng học. Đó là trường hợp của Hốih Khang (lớp 8/2) và Alăng Nô (lớp 9) có ý định bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Cuộc “dân vận” thành công trong vỡ òa cảm xúc. “Khó khăn lắm mới thuyết phục được hai em học sinh trở lại trường. “Giáo viên ở vùng cao phải biết dân vận”. Câu nói trước đây tưởng chừng vô nghĩa giờ càng làm cho tôi thấm thía” - thầy giáo Hay chia sẻ. Trở về phòng sau khi hoàn thành “công tác dân vận”, thầy giáo Hay tiếp tục với trang giáo án. Bên góc tường, một đồng nghiệp nam đang lui cui sửa lại chiếc bàn gỗ, chuẩn bị công việc soạn giáo án cho tiết học ngày mai.

Ngôi trường giờ đây trở thành điểm tựa của đồng bào vùng cao trong sự nghiệp “trồng người”. Cầu nối giữa tình thầy trò đã thắp lên ngọn lửa hồng, cháy mãi trong từng câu chuyện của già làng như tiếng trống K’thu vang vọng bên dòng sông Kôn êm trôi xanh biếc.

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi trường của lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO