Không chỉ là ngôi trường đầu tiên ở miền núi mang tên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Trường THCS Mẹ Thứ (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) còn là ngôi trường ghi dấu nghĩa tình giữa hai địa phương kết nghĩa: Đông Giang - Điện Bàn.
Niềm vui của học sinh Đông Giang trong ngày khánh thành Trường THCS Mẹ Thứ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Trường mang tên Mẹ Thứ
Không khí tại buổi khánh thành Trường THCS Mẹ Thứ rộn ràng trong những điệu múa cồng chiêng truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Phía dưới hàng ghế, rất đông học sinh và đồng bào bản địa có mặt để chung vui với thầy cô nhà trường. Niềm vui trường mới hiện rõ trên gương mặt của nhiều cô cậu học trò vùng cao với trang phục truyền thống trong các dịp hội làng.
Dự án Trường THCS Mẹ Thứ được khởi công từ tháng 6.2014, bao gồm các hạng mục công trình: khối nhà lớp học, khu hiệu bộ và chức năng, nhà đa năng, nhà công vụ giáo viên, tường rào, cổng ngõ... trên diện tích hơn 8.000m2 với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Giai đoạn 1, công trình triển khai xây dựng các hạng mục khối nhà lớp học 3 tầng, cùng 4 phòng chức năng và 2 khu vệ sinh, trên tổng diện tích sàn xây dựng gần 2.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ đồng. Trong đó, thị xã Điện Bàn (đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang) hỗ trợ 7 tỷ đồng. |
Theo thầy giáo Trần Phước Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Mẹ Thứ, giai đoạn 1 dự án công trình Trường THCS Mẹ Thứ khánh thành đảm bảo theo đúng tiến độ để chuẩn bị bước vào năm học mới 2015 - 2016, với hạng mục khối nhà học 3 tầng gồm 10 phòng học, 4 nhà chức năng và 2 khu vệ sinh. Không chỉ được xây dựng gần trung tâm hành chính huyện, Trường THCS Mẹ Thứ còn được đánh giá là một trong những trường THCS khang trang nhất nhì huyện Đông Giang với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Không gian khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, trong tương lai Trường THCS Mẹ Thứ sẽ tiếp tục được đầu tư nhiều hạng mục phù hợp, đáp ứng cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Toàn bộ vật dụng phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, nghiên cứu của nhà trường sẽ được trang bị hoàn tất trước năm học mới 2015 - 2016. “Sau khi hoàn chỉnh các hạng mục công trình, Trường THCS Mẹ Thứ sẽ đảm bảo điệu kiện về cơ sở vật chất của trường học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nơi học tập và sinh hoạt cho hơn 400 học sinh ở các xã Tà Lu và thị trấn P’rao” - thầy Anh cho biết thêm.
Không nằm ngoài mục đích nâng cao trình độ dân trí và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương trong tương lai, Trường THCS Mẹ Thứ được hoàn thành sẽ tạo điều kiện giúp học sinh địa phương có thêm cơ hội đến trường, từng bước hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Với cơ sở vật chất đảm bảo, Trường THCS Mẹ Thứ được kỳ vọng sẽ là nơi tạo đà nâng cao chất lượng giáo dục cơ sở miền núi, hướng đến xây dựng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017. Tại lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình Trường THCS Mẹ Thứ, đại diện lãnh đạo thị xã Điện Bàn - đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang - cũng đã trao tặng 5 dàn máy vi tính với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng, cùng 10 triệu đồng tiền hỗ trợ của ngành GD-ĐT thị xã giúp thầy cô giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Dấu ấn nghĩa tình
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, không chỉ mang ý nghĩa về mặt GD-ĐT, Trường THCS Mẹ Thứ còn là công trình của tình đoàn kết, ghi dấu ấn về mối quan hệ thắm thiết, sâu nặng giữa hai địa phương kết nghĩa Đông Giang và thị xã Điện Bàn trong nhiều năm qua. Đây cũng là mốc son khẳng định chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy về công tác kết nghĩa giữa các địa phương đồng bằng với miền núi suốt hơn 15 năm qua.
Ngôi trường là mốc son ghi dấu nghĩa tình Đông Giang - Điện Bàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Những năm qua, bằng các chương trình, hoạt động ý nghĩa, thị xã Điện Bàn đã có nhiều hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với huyện Đông Giang nhằm giúp địa phương vượt qua khó khăn, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Lê Thân - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong nhiều năm qua giữa hai địa phương kết nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn - Đông Giang không ngừng tăng cường giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác chỉ đạo và điều hành các nhiệm vụ phát triển chung của từng địa phương. Do vậy, ngoài các đợt tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhau ở các thời điểm bị thiên tai, bão lũ và các dịp lễ tết, hai địa phương còn triển khai nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa, tô thắm thêm mối tình đoàn kết anh em giữa hai miền xuôi - ngược. Công trình Trường THCS Mẹ Thứ sẽ là một trong những nhịp cầu nối thêm cho tình đoàn kết giữa hai địa phương Đông Giang và Điện Bàn ngày càng gắn bó, bền chặt.
ALĂNG NGƯỚC