Đó là Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân (đường Đoàn Thị Điểm, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), nơi những đứa trẻ không may mắn bị mắc hội chứng rối loạn tự kỷ (thường gọi là trẻ tự kỷ) có cơ hội được chăm sóc, học tập, với hy vọng sớm hòa nhập cộng đồng.
Trẻ mắc hội chứng rối loạn tự kỷ được chăm sóc, giáo dục tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân. Ảnh: V.A |
Nỗi lòng người mẹ
Chỉ “lớt phớt” nghe vài người nói có một cơ sở như thế ở TP.Tam Kỳ nên khi muốn tìm hiểu, chúng tôi phải rất khó khăn để lần ra địa chỉ cơ sở này. Từ bên ngoài, trông Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân không khác xa mấy so với một nhà trẻ tư thục. Ở đây có khoảng 20 trẻ, phần lớn bị mắc hội chứng rối loạn tự kỷ, một vài em khác bị khiếm thính. Theo tìm hiểu, đây là cơ sở dành cho trẻ tự kỷ đầu tiên ở Tam Kỳ. Sự ra đời của cơ sở này không xuất phát từ ý định của một cấp chính quyền, ban ngành nào mà là từ những ông cha, bà mẹ có con bị rối loạn tự kỷ. Và không ai khác, người chủ của cơ sở này - chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (một cán bộ ngân hàng tại TP.Tam Kỳ) cũng là một phụ huynh có con bị tự kỷ.
Đứa con trai đầu của chị Tuyền năm nay 8 tuổi, được chẩn đoán bị mắc hội chứng rối loạn tự kỷ từ bé. Gia đình chị hết sức đau lòng khi thấy con trai mình lớn lên không được bình thường như những đứa trẻ khác. Dù công việc bận bịu nhưng gia đình vẫn thường xuyên đưa cháu đi phục hồi, chữa trị nhiều nơi ở TP.Đà Nẵng. Chị Tuyền tâm sự: “Ở Tam Kỳ không có chỗ chăm sóc, phục hồi cho trẻ tự kỷ nên có lúc tôi phải xin nghỉ làm mấy tháng trời để đưa con đi Đà Nẵng chữa trị. Những lúc ấy, tôi chỉ ước ở Tam Kỳ có một cơ sở tương tự để mình có thể gửi con hàng ngày, đỡ phải đi lại vất vả”. Theo chị, các cháu bị hội chứng này cần có môi trường chăm sóc, giáo dục đặc biệt. Nếu để các cháu thui thủi một mình thì những rối loạn sẽ nặng hơn, khả năng phục hồi khó khăn. Nhiều phụ huynh có con gặp hoàn cảnh như chị Tuyền cũng bày tỏ mong muốn có một chỗ để gửi con. Vì thế, chị Tuyền quyết tâm phải tự mở một cơ sở dành cho trẻ tự kỷ, cũng là để chia sẻ với những ông cha bà mẹ có hoàn cảnh tương tự. Sau một thời gian dài đi xin giấy phép, làm các thủ tục cần thiết, đến ngày 25.4.2015, UBND TP.Tam Kỳ có quyết định đồng ý cho phép thành lập cơ sở này. “Chưa có tiền lệ từ trước nên việc đi xin giấy phép, làm thủ tục thành lập cơ sở cho trẻ tự kỷ rất khó khăn. Tôi phải chờ một thời gian dài mới được đồng ý” - chị Tuyền nói.
Kiên trì cùng trẻ
Các cháu ở Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân được chăm sóc theo những giáo án đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ. Nhân viên ở đây thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn chuyên môn để có phương pháp tiếp cận, giáo dục trẻ tự kỷ tốt nhất. Chị Tuyền cho biết, cơ sở có hợp đồng với một chuyên gia về trẻ tự kỷ ở Hà Nội chịu trách nhiệm về chuyên môn. Hàng tuần, chuyên gia này sẽ vào để vừa hướng dẫn cho nhân viên vừa đưa ra những phương pháp giáo dục riêng biệt dành cho từng trẻ. Để trẻ tự kỷ tiến bộ, không chỉ cần phương pháp, giáo án đặc biệt mà quan trọng là phải có sự kiên trì, nhẫn nại của người trực tiếp chăm sóc.
Nhiều lần chúng tôi rất buồn và nản chí khi mình kèm cặp các cháu hàng tháng trời nhưng vẫn dừng ở con số “0”. Ngược lại, những lúc có một trẻ nào đó bỗng dưng nói được một tiếng hay thể hiện sự biến chuyển tốt là các cô rơi nước mắt vì quá sung sướng, hạnh phúc. (Chị Nguyễn Thị Tố Nga) |
Nghề nuôi dạy trẻ đã khổ nhưng nuôi dạy trẻ tự kỷ còn khổ gấp bội. Bởi thế mà cũng dễ hiểu khi có rất nhiều người tìm đến cơ sở của chị Tuyền xin thử việc, chỉ một hai ngày đã phải nghỉ. Chị Tuyền cho biết, trước khi nhận vào làm việc chính thức, mọi nhân viên đều phải trải qua thời gian thử việc - cũng chính là thử thách sức chịu đựng. Tuy nhiên, có nhiều người đến rồi phải ra đi vì không chịu được khổ cực. “Với trẻ tự kỷ, các cô phải có sự kiên trì, chịu khó, chấp nhận vất vả, cực nhọc. Chỉ có sự kiên trì, tình thương, sự đồng cảm sâu sắc với trẻ các cô mới làm được công việc này. Ở trường mầm non, một cô giáo có thể đảm nhận 15 - 20 cháu, nhưng với trẻ tự kỷ, mỗi cô kèm một cháu cũng đã đuối đơ rồi” - chị Tuyền chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tố Nga là nhân viên gắn bó với cơ sở từ lúc thành lập đến nay. Vốn là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn), nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chị phải chuyển về TP.Tam Kỳ. Chật vật mãi không xin được việc, chị Nga xin làm “cô nuôi dạy trẻ” ở Trường Mầm non Thánh Gióng (một trường tư ở phường An Mỹ, Tam Kỳ). Ở đây, chị được tiếp xúc và cảm thông với hoàn cảnh của chị Tuyền. Khi Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân thành lập, chị Nga được chị Tuyền mời về làm việc. Chị Nga kể: “Khác với trường mầm non, ở đây tuy ít trẻ hơn nhưng các cô rất vất vả. Để giáo dục một trẻ tự kỷ tiến bộ không phải ngày một ngày hai, mà thời gian phải tính bằng tháng, bằng năm. Vì thế sự chịu khó, kiên trì của các cô là tiêu chí hàng đầu. Nhiều lần chúng tôi rất buồn và nản chí khi mình kèm cặp các cháu hàng tháng trời nhưng vẫn dừng ở con số “0”. Ngược lại, những lúc có một trẻ nào đó bỗng dưng nói được một tiếng hay thể hiện sự biến chuyển tốt là các cô rơi nước mắt vì quá sung sướng, hạnh phúc”.
Những tín hiệu vui
Dù mới đi vào hoạt động hơn một năm nhưng sự ra đời của Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Nhân đã mang đến những tín hiệu tích cực. Một số trẻ khi được gửi vào cơ sở chăm sóc, sau thời gian đã có những chuyển biến mang đến niềm vui cho nhiều gia đình. Em Quỳnh N. (6 tuổi, ở xã Tiên Lập, Tiên Phước) là một ví dụ. Bà Huỳnh Thị Thật, bà nội của N. kể, từ 7 tháng tuổi trở đi, N. có những triệu chứng lạ như khóc suốt, co giật…, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Quảng Nam, sau không đỡ bèn chuyển qua Bệnh viện Tâm thần, một thời gian sau chuyển ra Đà Nẵng mới biết cháu mắc chứng rối loạn tự kỷ. “Lúc đó N. đã 4 tuổi. Cháu không nói được, đôi mắt cứ nhìn vô hồn, thấy người lạ là sợ, không muốn chơi với ai hết” - bà Thật chia sẻ. Nghe tin ở Tam Kỳ có cơ sở dành cho trẻ tự kỷ nên gia đình bà Thật đã xin gửi N. vào chăm sóc. Sau một thời gian, gia đình bà đã nhận thấy cháu có những thay đổi và hết sức vui mừng. “Bây giờ cháu có thể gọi được tên ba, mẹ, bà nội và em trai. Khi về nhà cháu đã chơi đùa cùng bạn bè, không thui thủi như trước nữa. Nhìn cháu thay đổi vậy gia đình mừng lắm. Mong sao với sự giúp đỡ của các cô ở đây, cháu tôi sẽ sớm phục hồi để có thể đến lớp, đi học như các bạn cùng tuổi” - bà Thật nói.
Niềm vui của bà, khi cháu có tiến triển tốt.Ảnh: V.A |
Niềm mong chờ, hy vọng của bà Thật có lẽ cũng sẽ đến, vì đã có một số trẻ sau khi gửi vào cơ sở chăm sóc tiến triển rất tốt; thậm chí vài trường hợp còn đi học ở trường tiểu học. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết, chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Gia đình là yếu tố quan trọng làm cho trẻ thay đổi vì có nhiều thời gian bên trẻ hơn. Những trẻ bị rối loạn tự kỷ nhẹ nếu phát hiện sớm, có phương pháp tiếp cận tốt cùng sự kiên trì của giáo viên và gia đình thì khả năng phục hồi và hòa nhập của các cháu sẽ nhanh hơn. Về lâu dài, chị Tuyền mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành ở địa phương. Bởi, với mô hình hoạt động hiện nay, cơ sở cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không thể tiếp nhận được nhiều trẻ vì điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Chị Tuyền chia sẻ: “Hiện nay, không ít gia đình có con bị rối loạn tự kỷ. Do đó những cơ sở dành riêng cho trẻ tự kỷ là rất cần thiết. Nếu có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội thì nhiều trẻ tự kỷ vẫn có thể hòa nhập với xã hội, vẫn lớn lên như những trẻ em bình thường khác”.
VINH ANH