Ngọn cờ tình nguyện - Bài cuối: Tiếp lửa phong trào

VĂN HÀO 04/09/2014 08:57

Những cách làm mới nhận được sự hưởng ứng tích cực. Trên “nền móng” xung kích, lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới…

  • Ngọn cờ tình nguyện - Bài 1: Áo xanh về bản

Chung tay vì cộng đồng

Tháng 6.2014, ĐVTN huyện Điện Bàn ra quân tình nguyện tham gia bảo trì các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn. Theo anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Điện Bàn, đây là điểm mới và cũng là điểm nhấn trong các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ huyện nhà. “Chúng tôi phát động mỗi cơ sở đoàn đăng ký thực hiện ít nhất một tuyến đường. Qua một tháng triển khai, đã có 19/20 xã, thị trấn tổ chức ra quân thực hiện với hơn 2.000 ĐVTN tham gia tu sửa, bảo trì mặt đường. Đây là việc làm thiết thực, bởi bên cạnh việc làm mới đường bê tông nông thôn, các hoạt động kiểm tra, rà soát mặt đường hư hỏng, ổ gà để kịp thời sửa chữa là rất cần thiết” - anh Tuấn nói. Theo đó, vào những ngày thứ Bảy và Chủ nhật, đoàn thanh niên cấp xã sẽ chủ công, phối hợp với các đoàn thể khác đồng loạt ra quân trám vá ổ gà, đắp ta luy đường, cắm biển báo… “Hiệu quả phong trào này mang lại rất rõ rệt, không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới mà còn là chất xúc tác góp phần xây dựng thị xã Điện Bàn trong tương lai” - anh Tuấn nói thêm.

Thanh niên huyện Điện Bàn tham gia “bảo trì” tuyến giao thông nông thôn.
Thanh niên huyện Điện Bàn tham gia “bảo trì” tuyến giao thông nông thôn.

Trong bối cảnh đang triển khai thi công dự án mở rộng quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông có chiều hướng tăng lên, thì việc Trung ương Đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn thành lập 2 đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh về tai nạn giao thông trên quốc lộ tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành) và xã Bình Nguyên (Thăng Bình) vào giữa tháng 8 vừa qua mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Mỗi đội gồm 10 thanh niên được trang bị áo mũ đồng phục, cáng cứu thương, thuốc men và các dụng cụ y tế khác. Khi nhận được tin báo có xảy ra tai nạn thông qua đường dây nóng, các đội này sẽ nhanh chóng đến hiện trường để sơ cứu kịp thời nạn nhân bị thương, đồng thời tham gia bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông. Ngoài ra, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức các chương trình như “Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển”, diễn dàn “Trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới” hay các chiến dịch tình nguyện từ các cấp, đơn vị như “Mùa hè xanh”, “Hành quân xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Tiếp sức mùa thi”… thể hiện tính chủ động của thanh niên và đưa các phong trào ngày càng có sức lan tỏa.

Thanh niên huyện Đại Lộc giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2013. Ảnh: VĂN HÀO
Thanh niên huyện Đại Lộc giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2013. Ảnh: VĂN HÀO

Sẵn sàng trước  mùa mưa

Niềm vui của tình nguyện viên xứ Hàn

Thành viên đoàn tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TP. Pyeong Taek sơn nhà giúp người dân.
Thành viên đoàn tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TP. Pyeong Taek sơn nhà giúp người dân.

Hội Chữ thập đỏ TP.Pyeong Taek (Hàn Quốc) vừa có chuyến tình nguyện tại xã Tam Thăng và phường An Phú (TP.Tam Kỳ). Đoàn tình nguyện gồm 20 người, chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người tham gia quét sơn tường nhà cho 2 hộ dân ở phường An Phú và 2 hộ ở xã Tam Thăng. Khi chuyến xe của đoàn tình nguyện vừa dừng, các thành viên trong đoàn bắt tay ngay vào công việc. Không khí lao động hết sức khẩn trương nhưng không kém phần vui vẻ. Tuy có sự bất đồng về ngôn ngữ nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tinh thần tình nguyện sẻ chia của các thành viên trong đoàn. Bạn Oh Jihun, một tình nguyện viên trong đoàn và cũng đang là sinh viên tại một trường đại học của TP.Pyeong Taek cho biết: “Tham gia đợt tình nguyện lần này, tôi đã có nhiều trải nghiệm thật thú vị. Người dân ở đây rất thân thiện. Hè năm sau chúng tôi sẽ quay lại đây”. Trước đó, Hội Chữ thập đỏ TP.Pyeong Taek đã hỗ trợ cho Tam Kỳ 100 triệu đồng. Số tiền được UBND TP.Tam Kỳ phân bổ cho 4 hộ chính sách ở An Phú và Tam Thăng, những nhà mà các bạn tình nguyện viên Hàn Quốc đang giúp quét sơn tường nhà.(Q.SƠN - B.LIÊN)

Ngay sau khi kết thúc chiến dịch tình nguyện hè, các tổ chức cơ sở đoàn đã sẵn sàng lên các phương án để sát cánh cùng nhân dân đối phó với mùa mưa bão đang cận kề. Căn cứ vào địa hình, lực lượng mà mỗi nơi có kế hoạch “tác chiến” cụ thể, phù hợp. Tại vùng núi Đông Giang, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đỗ Hữu Tùng cho biết, hiện các đoàn xã củng cố và chuẩn bị thành lập các đội thanh niên xung kích tại chỗ, đội dân quân cơ động được trang bị áo phao, loa cầm tay, còi và nhiều vật dụng khác để kịp thời giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả khi có bão lũ. “Ngoài những lớp tập huấn cho các ĐVTN để chủ động ứng phó với thiên tai, kinh nghiệm được chúng tôi rút ra từ những mùa mưa trước sẽ là kiến thức hữu ích để mọi người có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét hay vùng cách trở như xã Cà Dăng, chúng tôi ưu tiên bố trí, huy động lực lượng thanh niên xung kích để cùng bà con chủ động ứng phó” - anh Tùng nói. Ở các huyện miền núi khác, công tác chuẩn bị cũng rất khẩn trương. Cùng với việc gia cố lại những công trình, hạ tầng nông thôn, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con được chú trọng. “Tại các vùng biên đặc biệt khó khăn như Chơ Chun, La Êê…, chúng tôi chú trọng đến công tác giáo dục, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc đi lại vào mùa mưa lũ sắp đến. Vì địa hình những nơi này phức tạp, sông suối nhiều nên chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các đồn biên phòng để lên kế hoạch cụ thể” - chị Criêng Miên, Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang nói.

“Để các phong trào tình nguyện trong năm 2014 ghi dấu ấn riêng, khác hơn các năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn hoạt động phải đảm bảo 5 yêu cầu, đó là: tính rộng khắp, tính dẫn dắt, tính định hướng, tính thiết thực hiệu quả, tính bền vững. Hành động của thanh niên phải đi vào chiều sâu để khi nhìn lại, chúng ta thấy rằng đây chính là sản phẩm, công trình của Năm thanh niên tình nguyện, có sức lan tỏa, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội”…
(Đồng chí Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn)

Thẳng thắn nhận diện những khó khăn để có phương hướng khắc phục, tại vùng rốn lũ Đại Lộc, Bí thư Huyện đoàn - Đoàn Ngọc Tuấn cho biết, là địa phương thường xuyên gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề sau mỗi trận lũ nên các cơ sở đoàn đang ráo riết kiện toàn đội ngũ thanh niên xung kích, mỗi đội 20 - 25 người sẵn sàng “đón” lũ. “Cái khó ở đây là chúng tôi không được trang bị một phương tiện ghe xuồng nào để có thể cơ động luồn lách vào các ngõ hẻm của khu dân cư giúp người dân đối phó với các tình huống trong bão lũ. Nếu mỗi xã được trang bị ít nhất một chiếc ghe, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn, các đội xung kích sẽ chủ động hơn trong công việc” - anh Tuấn chia sẻ.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngọn cờ tình nguyện - Bài cuối: Tiếp lửa phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO