Ngón đàn khiếm thị

QUỐC HƯNG 09/06/2013 06:32

Sắp tới đây, khán giả Việt Nam sẽ lần đầu tiên theo dõi những ngón tay kỳ diệu trên phím dương cầm của nghệ sĩ khiếm thị Nobuyuki Tsujii đến từ Nhật Bản, người đã từng khiến cả thế giới thán phục khi giành huy chương vàng tại cuộc thi piano quốc tế danh giá nhất Van Cliburn.

Trong lịch sử  47 năm của Van Cliburn (diễn ra tại Mỹ) cho đến khi Nobuyuki Tsujii xuất hiện vào năm 2009, chưa có một nghệ sĩ khiếm thị nào giành giải thưởng cao nhất. Nobuyuki Tsujii đã trở thành niềm tự hào, là tấm gương sáng của nước Nhật. Song, anh cho biết rằng, chiến thắng cao nhất tại một cuộc thi không phải là mục tiêu của một nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ là bước khởi đầu cho một sự nghiệp và Van Cliburn đã cho anh một sự bắt đầu lý tưởng, mở cửa sổ ra thế giới. “Với tôi, cuộc sống là một giấc mơ trở thành sự thật và tôi hy vọng mình sẽ trở thành một nhạc sĩ – người luôn được mời đến chơi nhạc trong nhiều năm nữa” - Nobuyuki Tsujii nói.

Nobuyuki Tsujii thả hồn với phím dương cầm.
Nobuyuki Tsujii thả hồn với phím dương cầm.

Tsujii bắt đầu làm quen phím dương cầm khi mới lên 2, lên 3. Trong khi mẹ anh chơi nhạc thì Tsujii cũng tập tành trên chiếc piano đồ chơi được mẹ mua cho. Sau này, thay vì đọc bảng tổng phổ bằng chữ nổi, anh nghe đi nghe lại các đoạn nhạc đã thu âm cho đến khi ghi nhớ mọi chi tiết. Ảnh hưởng âm nhạc Bach và Beethoven cũng như âm nhạc dân gian enka của Nhật Bản, Tsujii tổ chức buổi độc tấu đầu tiên tại Suntory Hall ở Tokyo khi 12 tuổi, sau đó có buổi biểu diễn ra mắt khán giả Mỹ tại Carnegie Hall. Kể từ đó, anh biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản, dàn nhạc Lamoureux của Pháp và dàn nhạc giao hưởng Slovakia. Tsujii dành riêng ra mỗi ngày 5 giờ tập luyện ngay sau khi rời khỏi các tiết học văn hóa ở trường; còn trong giai đoạn đi biểu diễn, mỗi ngày anh tập tới 8 giờ.

Đối với hàng nghìn khán giả ngồi trong khán phòng nghe  Tsujii chơi nhạc, anh đã là hiện thân của phép lạ đích thực, một sự kỳ diệu. Khi diễn một mình, Tsujii có thể chơi đàn rất thoải mái. Nhưng khi diễn chung với nhóm tứ tấu, không thể nhìn thấy họ nên anh tìm cách lắng nghe những giai điệu. Với khán giả, anh có thể cảm thấy sự khác biệt trong thái độ của họ từ tiếng vỗ tay đầu tiên. Cũng như vậy, khi chơi nhạc, anh cảm thấy mình có thể “nghe” được tâm trạng của khán giả.

Trong thông điệp gửi đến những người trẻ tuổi, anh chia sẻ: Có rất nhiều sinh viên thường tự hỏi và lo lắng về những gì họ nên làm với cuộc đời mình. Vậy, hãy tìm kiếm xem điều mà bạn yêu thích là gì, sau đó bạn thiết lập một kế hoạch làm thế nào để biến những điều bạn yêu thích thành hiện thực và cuối cùng hãy thực hiện nó… Tsujii cho biết trong tương lai, anh sẽ chỉ chơi tác phẩm của nhạc sĩ duy nhất và sẽ hoàn thiện  phong cách biểu diễn các tác phẩm của nhạc sĩ đó.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngón đàn khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO