Nguyễn Thị Bích Hiền với tập phê bình “Đèn khuya soi bóng” (NXB Hội nhà văn tháng 12.2020) đã quyết liệt xác tín điều mình tâm huyết: bộc lộ tâm hồn qua câu chữ.
Dù được định danh khiêm tốn là một tập phê bình, theo tôi, “Đèn khuya soi bóng” có dáng dấp của một chuyên luận hơn là một tập hợp của những bài phê bình. Tất cả được bố cục chặt chẽ với hai phần khá nét: một số bài viết có tính chuyên sâu; một số chuyên đề tác giả với tư cách là giáo viên dạy văn đã đóng góp cho ngành sư phạm.
Ở phương diện là nhà giáo, tập sách giàu tính sư phạm trong tổ chức bố cục, trong cách tiếp cận vấn đề luôn được định hướng cho vận dụng như nhiều lần người viết nhắc mình: “Bản thân là một giáo viên tham gia giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường THPT, tôi thấy rằng trong hoạt động giảng dạy phải dựa vào văn bản để dẫn dắt học sinh sáng tạo” (Mối quan hệ giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học), hay: “Mỗi thầy cô giáo dạy văn nên chú trọng việc rèn luyện ý thức đạo đức cho các em…” (Dạy Văn - Dạy người, đôi điều suy nghĩ).
Ở phương diện là người viết phê bình, tác giả thể hiện tính khoa học và sự cẩn trọng từ khâu chọn đề tài, đến thao tác xử lý đề tài và dẫn chứng các cứ liệu. Đó là phong thái nghiêm cẩn của người trọng mình và trọng văn. Và tư thế ấy chắc chắn có ảnh hưởng lan tỏa đến bạn đọc, nhất là bạn đọc học đường.
Đối với một tập phê bình, điều người đọc quan tâm là người viết đem đến cho bạn đọc điều gì mới mẻ? Và đó cũng là thử thách khốc liệt với những ai dám chọn thể loại phê bình để thử thách mình. Tác giả tập sách đã vượt qua thử thách đó một cách tự nhiên, bằng tâm huyết với văn, với nghề. “Đèn khuya soi bóng” là những bài viết chắc tay, xử lý kiến thức kín kẽ, là tài liệu quý cho việc nâng cao tri thức người đọc, đồng nghiệp cũng tìm được cho mình những bổ sung kiến thức, những gợi ý thú vị.
Yếu tố tiếp theo của ngòi bút phê bình phải là những ưu tư. Phê bình không chỉ là tiêu thụ sản phẩm văn hóa mà phải là đồng sáng tạo. Phê bình không chỉ là nhìn ngắm nhà văn trải đời mà chính là trải nghiệm của mình. Ở phương diện này, “Đèn khuya soi bóng” là những ưu tư, trăn trở có lúc đạt độ sâu sắc. Đọc “Đèn khuya soi bóng”, vừa trân trọng hân hoan, lại có chút ngùi ngùi cảm khái. Người đồng nghiệp ấy đã thật công phu trong nghề văn, nghiệp văn. Tôi hiểu khi đứng trên bục giảng với cả tình yêu và lòng tự trọng, ngọn đèn sẽ không thôi thao thức. Lại ngùi ngùi cho cái lao tâm lao lực bên vẻ ngoài nhàn hạ của nhà giáo mà ít người thấu hiểu. Và lại mừng vì trên hành trình đi tìm thiên lương đã có thêm bóng dáng một người bạn thiết!