Ngổn ngang vùng sạt lở

VĂN HÀO 17/12/2015 08:53

Nhiều hộ dân ở thôn 1B của xã Phước Thành (Phước Sơn) đang đối mặt với nhiều khó khăn vì phải sống trong những căn nhà tạm do ảnh hưởng của trận sạt lở đất vào giữa tháng 10 vừa qua.

Ngổn ngang đống đổ nát tại vùng sạt lở thôn 1B xã Phước Thành (ảnh chụp ngày 15.12). Ảnh: VĂN HÀO
Ngổn ngang đống đổ nát tại vùng sạt lở thôn 1B xã Phước Thành (ảnh chụp ngày 15.12). Ảnh: VĂN HÀO

Sống tạm bợ

Mưa như trút nước, dội lộp bộp xuống những căn nhà dựng tạm. Gọi là nhà chứ thật ra là những tấm ván gỗ, miếng tôn được dỡ từ ngôi nhà cũ để ghép dựng tạm, phía trên phủ tấm bạt che mưa, che nắng. Chưa kịp ráo nước, già Hồ Văn Don - Trưởng thôn 1B dẫn chúng tôi dạo một vòng xung quanh khu vực bị sạt lở cách đây hơn 2 tháng khiến đời sống dân làng bị xáo trộn. “Chỗ này trước đây là nhà làng truyền thống của thôn, nằm sát nhà ông Hồ Văn Bươm. Đất đá trên núi đổ xuống làm sụp hết, hư hỏng hết. Cũng may không có ai hề hấn chi” - già Don lắc đầu chỉ tay vào đống đất nham nhở trước mặt.

Trước đó, như Báo Quảng Nam đã thông tin, trận lở đất xảy ra vào ngày 16.10 khiến một nhà dân bị sập, nhiều nhà khác bị ảnh hưởng. Theo thống kê của UBND xã Phước Thành, có 9 hộ dân với 35 nhân khẩu của thôn 1B bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi trận sạt lở này. Trong đó hộ Hồ Văn Bươm có nhà bị sập hoàn toàn, 4 căn nhà khác đất đổ xuống nhà bếp. Ngay sau đó, chính quyền, đoàn thể của xã Phước Thành đã tới giúp đỡ các hộ dân trên tháo dỡ nhà để di dời sang chỗ khác cách đó không xa. “Những căn nhà được dựng lại nhưng rất sơ sài vì thiếu gỗ, vật liệu. Nếu mưa lớn hay có gió lốc thì không đảm bảo an toàn” - một cán bộ xã Phước Thành nói.

Căn nhà tạm của ông Hồ Văn Bươm thật ra là một lán trại, được chính quyền xã Phước Thành huy động lực lượng dựng cách chỗ ở cũ vài trăm mét. Nhà có 4 nhân khẩu nhưng tất cả đều đi vắng, bên trong nhà vương vãi đồ đạc. Để động viên gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, UBND xã Phước Thành đã và đang hỗ trợ gạo ăn, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác. Trận sạt lở đất đá còn vùi lấp 1 bể nước và hệ thống đường ống dẫn nước nên đời sống sinh hoạt của nhân dân thôn 1B gặp không ít trở ngại. Ông Đỗ Văn Hương (hàng xóm ông Hồ Văn Bươm) là người phát hiện tình trạng lở đất và hô hoán người dân tới giúp sức, di dời các hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Ông Hương cho biết: “Các hộ phải dỡ nhà đi đều có cuộc sống rất khó khăn, đông con. Chúng tôi luôn quan tâm trên tinh thần của ít lòng nhiều nhưng về lâu dài, các cấp cần tạo điều kiện để các hộ này có được chỗ cư trú ổn định”.

Lên phương án ứng phó

Thôn 1B có 28 hộ, khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở là mặt bằng giãn dân được san ủi, bố trí dân cư vào năm 2013. Hơn 1.000m3 đất đá, cây cối đổ xuống trôi lấp nhà ở, công trình và tài sản người dân thôn 1B vào giữa tháng 10 vừa qua được xác định nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo nhìn nhận của UBND xã Phước Thành, mặt bằng giãn dân này có ta luy dương quá cao, trong đất có mạch nước ngầm, thành phần của đất có nhiều loại đất pha cát, kết cấu rời rạc nhưng quá trình thiết kế thi công lại không xây dựng bờ kè. Mặt khác, do hậu quả của việc mưa lớn kéo dài từ ngày 12 đến 15.10 dẫn đến sạt lở. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Phước Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện đã có mặt tại hiện trường và phát hiện thêm nhiều đoạn nứt trên 100cm. UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo tiến hành di dời 9 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời tìm địa điểm mặt bằng bố trí lại dân cư.

Ông Hồ Văn Phen - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, qua quá trình khảo sát vị trí, địa điểm đã chọn được hai mặt bằng cách chỗ ở cũ không xa để có thể chọn làm nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thôn 1B. “Dự kiến kinh phí san ủi mặt bằng khoảng 2 tỷ đồng, địa phương sẽ xin kinh phí từ huyện và dự kiến sang năm 2016 mới có thể thi công. Còn hiện tại, để đề phòng với những tình huống xấu có thể xảy ra như gió bão, lốc tố, địa phương đã chuẩn bị sẵn kịch bản, bố trí lực lượng để sơ tán các hộ dân trên đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản” - ông Phen nói.

UBND xã Phước Thành vẫn đang hỗ trợ 15kg gạo/nhân khẩu/tháng cho những gia đình trên. Ngoài ra còn kiến nghị huyện Phước Sơn cấp cho địa phương 2 - 3 tấn gạo để tăng cường việc hỗ trợ. Tuy vậy, già làng Hồ Văn Don vẫn đau đáu và buông lửng câu hỏi: “Có mặt bằng rồi nhưng không biết các hộ này lấy đâu ra tiền để mà dựng nhà nữa..?”.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngổn ngang vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO