Hơn 3 năm nay, thương hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý” ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, mang theo hơi thở của đất đai tình người Phú Ninh đi khắp mọi miền...
Giàu từ dưa
Cuối tháng chạp, lang thang khắp đồng đất Phú Ninh, đâu cũng thấy bóng nông dân trên những ruộng dưa hấu xanh tít tắp. Kẻ bón phân, tưới nước, người nhổ cỏ, bắt sâu, ai cũng hối hả với công việc dù tết đang gõ cửa từng nhà.
Đang lom khom vun gốc cho những cây dưa hấu tươi non, thấy người lạ, ông Phạm Lân (thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) liền dừng tay cuốc, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán sạm đen, bảo: “Ruộng dưa đang kỳ sinh trưởng, nếu cứ lo chuẩn bị tết mà không tập trung chăm chút thì năng suất sẽ tụt giảm. Ở đây, nhà nông chủ yếu sống dựa vào cây trồng chủ lực này. Thời gian qua, nhờ dưa hấu mà bao phận nghèo đã làm nên cuộc đổi đời”.
Thu hoạch dưa. Ảnh: VĂN SỰ |
Vụ xuân hè vừa qua, ông Lân canh tác 8 sào dưa hấu. Nhờ nguồn giống chất lượng, nước tưới dồi dào, sâu bệnh không gây hại nên năng suất bình quân 1 sào đạt hơn 1,5 tấn quả. Bán sỉ tại ruộng cho tư thương với giá 1kg là 7 - 8 nghìn đồng, mỗi sào dưa ông Lân thu về không dưới 11 triệu đồng. Giọng ông Lân đầy phấn khởi: “Vụ đó, nhờ sản lượng cao, giá bán hấp dẫn nên tui kiếm được gần 90 triệu đồng. Trừ mọi khoản chi, lãi ròng 75 triệu đồng. Đông xuân này tui cũng trồng dưa hấu trên ngần ấy diện tích. Nếu thời tiết thuận lợi, thị trường không biến động thì sau Tết Quý Tỵ chừng 2 tháng sẽ lại có thêm bộn tiền”.
Đâu riêng ông Lân, cả nghìn hộ dân khác trên địa bàn Phú Ninh cũng giàu lên nhanh chóng nhờ chuyên canh dưa hấu. Bởi, thời gian qua, không chỉ năng suất tăng mạnh mà giá bán quả cũng luôn ở mức cao. Hiện nông dân địa phương này đã trồng 400ha dưa hấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung ở xã Tam Dân, Tam An, Tam Phước, Tam Thành, Tam Đàn, Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh. Bình quân mỗi năm 1ha dưa hấu mang lại cho nhà nông mức thu nhập khoảng 180 triệu đồng.
Có một điều khiến nhiều người khó hiểu là vì sao mấy năm gần đây nông dân ở nhiều địa phương điêu đứng vì giá dưa hấu cứ tụt dốc mỗi khi vào chính vụ thì tại những vùng quê của Phú Ninh nhà nông vẫn luôn nhận được sự ngọt ngào từ loại cây trồng này? Ông Trần Ngọc Bằng – Phó phòng NN&PTNT huyện lý giải rằng, Phú Ninh thường xuyên bội thu dưa hấu là nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội so với các nơi khác. Theo ông Bằng, hầu hết những vùng chuyên canh dưa hấu của huyện đều là đất sắt pha cát, có vi lượng cao nên quả dưa chắc ruột và có màu đỏ tươi. Đặc biệt, nhờ hàm lượng đường lớn nên dưa rất ngọt. Không chỉ vậy, nhờ vỏ dưa dày do đó trong quá trình vận chuyển rất ít bị dập bể, hư thối.
Thu mua dưa để xuất khẩu. |
Chính những đặc tính ưu việt đó đã giúp cho dưa hấu Phú Ninh có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Còn nhớ, hồi cuối tháng 4.2012, nông dân nhiều nơi thu hoạch dưa hấu chất thành từng đống cao ngất ngồi chờ tư thương. Và, vì quá ế ẩm, cuối cùng họ phải chấp nhận bán với giá 1kg là 2 nghìn đồng. Trong khi đó, ở Phú Ninh, từng đoàn xe tải lớn mang biển số ngoại tỉnh nối đuôi nhau đến chở dưa đi với giá mua trọn gói 1kg không dưới 7 nghìn đồng...
Thương hiệu tạo đà phát triển
Sau ngày thành lập huyện, Phú Ninh có chủ trương xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản hàng hóa. Trong đó, cây dưa hấu là lựa chọn số 1. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các ngành liên quan, ngày 12.3.2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý”. Vì sao không lấy nhãn hiệu “Dưa hấu Phú Ninh” mà chọn “Dưa hấu Kỳ Lý”? Theo ông Trần Ngọc Bằng, Kỳ Lý là cửa ngõ chính dẫn về Phú Ninh, là địa danh đã quá quen thuộc với cánh tài xế, tư thương và rất nhiều người dân ở trong Nam, ngoài Bắc.
Từ ngày có thương hiệu, Phú Ninh tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho cây dưa hấu. Trước hiệu quả hết sức thiết thực như vừa đề cập, 3 năm trở lại đây nông dân địa phương này không ngừng mở rộng diện tích canh tác dưa hấu. Nếu cuối năm 2008 toàn huyện chỉ có 100ha đất chuyên canh dưa hấu thì đến thời điểm này đã tăng lên 400ha, trong đó có hơn 30% diện tích được chuyển từ đất lúa sang. Theo ông Bằng, huyện đã đầu tư không dưới 20 tỷ đồng bê tông hóa một số tuyến kênh trọng yếu và thi công hàng chục hệ thống thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, toàn bộ số diện tích vừa nêu đã chủ động được nước tưới.
Không chỉ lo chuyện nước, những năm gần đây ngành liên quan ở Phú Ninh cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhiều loại giống mới cho nông dân nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Bằng nói: “Nhờ đầu tư đồng bộ nhiều khâu, thời gian qua năng suất dưa hấu trên địa bàn huyện tăng đột biến. Nếu cách đây 4 năm, bình quân 1 sào dưa cho nông dân khoảng 1,2 tấn quả thì nay đã nhảy vọt lên 1,6 tấn”. Vấn đề đáng quan tâm nhất đối với Phú Ninh hiện nay là tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng hiệu quả phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao hơn nữa chất lượng “Dưa hấu Kỳ Lý” nhằm tiếp tục chiếm lĩnh thị phần, đứng vững trên thị trường ngày càng khắc nghiệt...
MAI NHI