Ai trong chúng ta đều từng là đứa trẻ, hầu như đều thích ăn ngọt. Nhớ ngày còn nhỏ đi học về, chìa tay xin mẹ 500 đồng ra tiệm tạp hóa trước ngõ mua đồ hàng ăn. Đúng nghĩa ăn hàng: nào kẹo me, kẹo bạc hà, kẹo bốn mùa, kẹo sữa, kẹo cao su quả bong bóng, xí muội, kem xiro đá bào... Năm trăm đồng đổi lấy biết bao niềm vui.
Tương tự, cơ chế tạo ra “niềm vui” của đường rất đơn giản. Đường chính là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Thật vậy, cơ thể luôn đảm bảo lượng đường huyết ở một mức ổn định, nghĩa là lượng đường trong máu không được quá thấp và quá cao. Bạn có nhớ mình đã lần nào bị tụt đường chưa? Lúc ấy có thể bủn rủn, người toát mồ hôi, là cơ thể đang thực sự báo động, cần phải ăn ngay.
Ngược lại, khi ta ăn đường vào, cơ thể lập tức hiểu ra nó đang được cung cấp năng lượng và có sự tưởng thưởng bằng việc giải phóng dopamine. Dopamine là một hormone tạo sự dễ chịu và có tính gây nghiện.
Một thời gian sau khi ăn các chất ngọt, lượng dopamine tăng cao rồi lại giảm xuống đột ngột buộc lòng ta phải cung cấp đường liên tục để duy trì cảm giác phấn chấn này. Nên, giờ bạn hiểu vì sao uống coca hay trà sữa sẽ giúp phấn chấn lên là vậy.
Cuộc sống tiện lợi, con người đã làm thay cả chức năng của chính mình bằng các quy trình công nghiệp phức tạp. Đường được lấy từ việc ép mía, tinh chế lấy nước, chưng cất rồi tách ra. Giai đoạn tiếp theo, luyện đường tinh, đường mía tiếp tục được rửa hòa tan, khử màu, làm sạch và kết tinh lần nữa. Sau đó, đường được đưa vào tất cả loại bánh kẹo, trà sữa, nước uống có gas...
Quay lại chuyện tinh bột được chuyển hóa như thế nào. Ta ăn hạt cơm, hạt cơm được nhai rồi đi xuống dạ dày, được nghiền nát. Khi tới ruột, các enzyme tiêu hóa lại chia cắt nhiều lần các phân tử phức tạp mới tạo ra được đường. Đường sẽ được hấp thụ và đi nuôi cơ thể. Quy trình này tương đối mất thời gian.
Vậy thì trước sau cũng thành đường, nên mình cứ ăn ngọt thôi. Đúng vậy, về mặt chất dinh dưỡng, không khác gì mấy cả. Bạn uống một lon bò húc cơ thể bỗng chốc năng lượng tràn trề. Khác biệt ở chỗ, đường trong bánh kẹo, coca hay trà sữa khi đưa vào cơ thể sẽ được hấp thụ trực tiếp vào máu một cách nhanh chóng.
Lượng đường huyết tăng cao, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và cạnh tranh với các chất dinh dưỡng khác. Lúc này, buộc lòng cơ thể phải điều chỉnh và xử lý rất mệt. Đường huyết cao còn thúc đẩy cơ thể tạo mỡ, mỡ lại làm nguy cơ bị tiểu đường tăng cao.
Năng lượng khổng lồ từ lượng đường được hấp thụ nhưng không được cơ thể sử dụng sẽ khiến bạn béo lên nhanh chóng. Nên nếu có một thực đơn nào cho việc giảm cân, chắc chắn thực đơn đó sẽ không có các món ngọt hoặc sử dụng đường trong nêm nếm đồ ăn.
Không biết các bạn thế hệ 8x, 9x còn nhớ không, mẩu quảng cáo kẹo Alpenliebe, cỡ 30s. Một cặp đôi yêu nhau, ăn kẹo, kết hôn, rồi bên nhau đến cuối đời. Thông điệp thật giản dị, hạnh phúc là khi ăn kẹo Alpenliebe. Cuối đoạn quảng cáo, một đứa nhóc ôm con chó, nhoẻn miệng cười, bình yên, dễ chịu.
Nhưng đó chỉ là quảng cáo thôi, thông điệp tôi muốn đưa ra là, hạnh phúc không đến từ sự ngọt ngào của... đường. Bạn phải kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể, bởi sự ngọt ngào ấy khá nguy hiểm khi gây nhiều nguy cơ bệnh tật.