Những ngày này, ngư dân vùng bãi ngang từ Núi Thành ra đến Điện Bàn rộn ràng niềm vui được mùa sau mỗi chuyến ra khơi.
Lộc biển đầu năm
Ngay khi kết thúc 3 ngày Tết, ngư dân vùng bãi ngang đã vội “mở biển” trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Ông Nguyễn Phúc Ánh - người dân thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ nói, mùa này hải sản có đủ loại, từ cá ngát, cá trích, cá hố cho đến sứa, ốc gạo… Mỗi ngày ông giăng lưới một đến hai chuyến và đều trúng đậm.
“Năm nay tiết trời ưu ái cho ngư dân, lại thêm được mùa, được giá. Mỗi chuyến đánh bắt thu nhập dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, tùy theo loại cá hay sứa. Khởi đầu thuận lợi, hy vọng cả năm đánh bắt suôn sẻ” - ông Ánh nói.
Với ngư dân vùng biển Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn, tháng Giêng là vụ chính đánh bắt cá cơm than ở vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Tờ mờ sáng đã có những chuyến tàu cập bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) và chợ cá Bình Minh (Thăng Bình) với khoang thuyền đầy ắp cá.
Ghi nhận tại chợ cá Bình Minh, cá cơm năm nay giá dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, so với mọi năm không cao hơn nhưng được mùa. Nếu trúng luồng cá, một chuyến vươn khơi ngư dân có thể thu cả chục tấn, bán được vài chục triệu đến 100 triệu đồng. Ngư dân Đặng Văn Hoa ở thôn Tân An, xã Bình Minh (Thăng Bình) phấn khởi nói: “Từ mùng 5 âm lịch đến nay, tàu tôi thu hơn 600 triệu đồng từ đánh bắt cá cơm”.
Thuyền liên tục cập bờ, những bến cá bãi ngang tấp nập giao thương. Các bà, các chị tất bật quang gánh, đẩy xe nặng trĩu cá đưa đi tiêu thụ. Các hộ muối mắm, làm cá cơm khô cũng vào mùa thu mua số lượng để tích trữ.
Ông Đinh Công Đức - chủ cơ sở nước mắm Cửa Đại (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) nói, cá cơm than vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm từ tháng Giêng đến tháng 5 có độ đạm cao, muối mắm có vị đặc trưng. Mỗi năm, cơ sở muối gối đầu khoảng 100 tấn cá cơm để đảm bảo cung ứng sản phẩm nước mắm cho thị trường.
“Từ 3 giờ sáng, chúng tôi ra bến cá An Lương đón thuyền cập bờ để kiểm tra chất lượng cá, thu mua số lượng lớn và đưa về xưởng trong thời điểm tươi ngon nhất. Đầu vụ đến nay, ngày thu mua nhiều nhất của cơ sở lên đến cả chục tấn” - ông Đức chia sẻ.
Giữ sinh kế ven bờ
Đánh bắt gần bờ không tốn kém nhiều chi phí nguyên liệu, thuê nhân công hay đầu tư phương tiện hiện đại nhưng hiệu quả cao.
Toàn tỉnh có hàng nghìn phương tiện đang hành nghề vùng bãi ngang. Song, nghề này cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là động thực vật gần bờ.
Để giữ “cần câu cơm”, ngư dân ngày càng nâng cao ý thức, tuân thủ các khuyến cáo trong hoạt động đánh bắt và bảo vệ môi trường, như không sử dụng mìn, vật liệu nổ hay dùng lưới giã cào, tận diệt, không xả rác ra biển…
Mùa biển mới hôm nay nhiều niềm vui bội thu. Ngư dân đang hưởng lợi từ chính ý thức của việc vừa đánh bắt vừa bảo vệ sinh kế của mình.
Ông Nguyễn Văn Thính ở thôn Tỉnh Thủy nói, cào ốc gạo phải sàng lọc, chỉ lấy những con to, còn ốc nhỏ thì thả lại biển để tiếp tục sinh sôi, phát triển. Còn ông Phạm Văn Dục - 65 tuổi, ở thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành) chia sẻ, năm nay không còn sức đi khơi nên chỉ trông chờ những chuyến giăng lưới ven bãi rạn để trang trải cuộc sống.
“Thiên nhiên ưu đãi cho ngư dân Tam Hải những bãi san hô hơn 90ha với nhiều loại hải sản có giá trị cao. Một chuyến đánh bắt quanh rạn tầm tiếng rưỡi đồng đồ đã có thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng từ các loại cá chuồn, ghẹ và tôm hùm. Lấy của biển, tôi cũng ý thức bảo vệ môi trường, không tận diệt và hủy hoại rạn san hô trong quá trình đánh bắt” - ông Dục cho biết.
Thôn Thuận An, xã Tam Hải có hơn 100 hộ tham gia đánh bắt gần bờ. Mùa này, người dân chuẩn bị vào vụ chính đánh bắt cá chuồn, lặn bắt tôm hùm và đặc biệt là thu rong mơ.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn nói: “Rong mơ như “lộc trời” ưu ái cho vùng đất Tam Hải, không cần trồng vẫn thu hoạch đều đặn. Năm 2023, cả thôn bán rong mơ thu về tổng cộng hơn 2 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của việc giữ gìn môi trường biển và bảo vệ hệ san hô của người dân địa phương”.