Ngư dân bị cháy tàu: Nợ vay, tay trắng!

NGUYỄN QUANG VIỆT 11/10/2013 09:22

Ngư dân trên địa bàn tỉnh rất cần những cơ chế hỗ trợ để có thể sắm sửa lại phương tiện khi không may tàu bị cháy.

  • Cảnh báo cháy nổ trên tàu cá
  • Cháy rụi tàu câu mực trong đêm
Do tàu bị cháy, gia đình ngư dân Đỗ Văn Trầm khó ổn định cuộc sống và trang trải nợ nần.
Do tàu bị cháy, gia đình ngư dân Đỗ Văn Trầm khó ổn định cuộc sống và trang trải nợ nần.

Cháy tàu - mất nhà

Đã 20 ngày trôi qua nhưng gia đình ngư dân Đỗ Văn Trầm (thôn Hòa An, Tam Giang, Núi Thành) vẫn chưa nguôi ngoai mất mát khi chiếc tàu QNa 91685 TS bị cháy trong lúc neo đậu tránh trú bão tại khu neo đậu tàu cá An Hòa. “Nhiều lúc tôi tự hỏi: mỗi sáng mai thức dậy, không còn chiếc tàu thì gia đình sẽ sinh sống thế nào đây. Đó là phương tiện làm ăn duy nhất của chúng tôi tự bấy lâu đến chừ. Không đi biển là tôi cứ giày vò vì mình thiếu thiết tha, gắn bó với vùng biển mà khó khăn lắm cha ông mới gìn giữ và truyền lại. Nỗi giày vò đó cứ luôn ám ảnh trong khi tôi đang trắng tay và vỡ nợ. Có cách nào để tôi có thể đóng lại tàu mới vươn khơi xa, bám biển không?”- anh Trầm nói như khóc. Chiếc tàu QNa 91685 - tài sản chung của anh Trầm với người anh họ Bùi Lên bị cháy, đồng nghĩa với việc cần câu cơm duy nhất của anh không còn. Tàu mất trắng, món nợ vay 700 triệu đồng trước đó để mua sắm tàu vẫn chưa thể trả xong.

Đây là lần thứ hai, gia đình anh Trầm lâm vào hoàn cảnh này. Năm 2007, tàu QNa 90118 của gia đình anh bị bão đánh thẳng, chiếc tàu chết máy, trôi dạt, va vào dải đá ngầm, bị vỡ rồi chìm hẳn tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Năm 2012, chiếc tàu 91054 TS của gia đình ông Dương Văn Hải (Thuận An, Tam Quang, Núi Thành) cũng bị cháy trên biển ngay sau khi chiếc tàu 91298 TS của gia đình ông Trần Văn Ảnh (Đông An, Tam Giang, Núi Thành) bốc cháy khi đang hoạt động trên vùng biển xa. Ngoài việc không thể trang trải được món nợ lớn khi vay để đóng tàu, nhiều gia đình đã phải chuyển nghề hoặc đi “bạn” để mưu sinh qua ngày. “Ngư dân bị cháy tàu thì coi như mất nhà, gia đình chúng tôi đã hoảng loạn thật sự. Con tàu bị cháy là mất trắng 2,5 tỷ đồng. Không những không thể trả được món nợ lớn trong khi lãi ngày một đầy lên mà sinh kế của gia đình càng khó khăn hơn khi nguồn thu nhập không bảo đảm” - ông Trần Văn Ảnh nói.

Chờ hỗ trợ

Anh Đỗ Văn Trầm bám biển từ 20 năm nay, khởi đầu bằng việc đi “bạn” trên tàu câu mực khơi. Trong 12 năm câu mực, anh tằn tiện, dành dụm 700 triệu đồng cộng với nguồn vốn vay 550 triệu đồng của ngân hàng và mượn thêm của người thân, anh đóng mới được chiếc tàu QNa 90118 có công suất 300CV bám biển Trường Sa. Khi tàu bị đắm ở Quảng Ngãi, anh lâm cảnh nợ vay, tay trắng, lại quay về đi “bạn” tàu như trước đây. May vào thời gian này, sản lượng mực khai thác được mùa, giá cao, dần dần anh cũng trả được nợ. Rồi anh Trầm tiếp tục vay mượn 700 triệu đồng, góp vốn cùng ông Bùi Lên mua lại chiếc tàu cũ QNa 91685 có công suất 380CV tiếp tục vươn khơi bám biển tại quần đảo Trường Sa. Một lần nữa, “họa vô đơn chí, tàu bốc cháy!”. “Dự cảm được những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào khi sản xuất trên biển, tôi đã đề xuất với anh em ngư dân lập nên một nguồn quỹ để có thể san sẻ, tự xoay vòng nguồn vốn giúp sửa chữa hoặc đóng mới lại tàu cá. Ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành rất đông, riêng ngư dân xã Tam Giang cũng rất nhiều, chỉ cần trích ra vài chục triệu đồng sau một chuyến biển là nguồn quỹ có thể đầy lên rất nhanh. Rất tiếc là ngư dân cứ bám biển quanh năm, không ai đứng ra tập hợp nguồn quỹ này nên nó đã không có trên thực tế” - anh Trầm nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho rằng, việc ngư dân hiến kế thành lập một nguồn quỹ từ sự đóng góp sau mỗi chuyến biển để có thể san sẻ, hỗ trợ nhau sắm sửa lại phương tiện khi không may gặp rủi ro là rất nhân văn và thiết thực. “Do ngư dân bám biển quanh năm mà lại không đủ nghiệp vụ, pháp lý để thành lập quỹ, nên chăng nghiệp đoàn nghề cá của huyện hay xã đứng ra gầy dựng quỹ này để có thể giúp ngư dân ứng biến khi gặp tình huống xấu. Bên cạnh đó, với tính pháp lý rõ ràng của mình, ngoài sự đóng góp của ngư dân, nghiệp đoàn nghề cá có thể vận động, huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn của nhiều tầng lớp xã hội, làm giàu thêm quỹ. Đây là việc rất nên làm” - ông Ngô Tấn nói. Ông Ngô Tấn cho biết, hiện tại, Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân khi không may bị cháy tàu. “Từ nhiều vụ cháy tàu xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, chúng tôi sẽ kiến nghị Tổng cục Thuỷ sản tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ cho ngư dân khi không may tàu bị cháy. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cho ngư dân với rủi ro như trên. Điều đó không chỉ giúp họ có thể tham gia sản xuất trở lại mà còn góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân bị cháy tàu: Nợ vay, tay trắng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO