(QNO) - Sáng nay 19.11, tại bờ biển An Bàng (phường Cẩm An, TP.Hội An), hàng chục ngư dân tranh thủ gỡ cá liệt mắc lưới với tâm trạng đầy phấn khởi.
Khi trời tờ mờ sáng, dọc bờ biển An Bàng cho đến biển Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) có rất nhiều ngư dân khẩn trương gỡ cá liệt từ những mẻ lưới sau một đêm đi thúng chai trên biển. Cá liệt mắc lưới rất nhiều và đa số còn sống, ngoài ra còn có tôm tít, ghẹ, cá hố, cá trích...
Đang cùng con trai gỡ cá liệt tại bờ biển Cẩm An, lão ngư Nguyễn Sáu (khối phố Tân Thành, phường Cẩm An) phấn khởi cho hay: “Tôi và con trai đi thúng chai từ lúc 2 giờ sáng để thả 3 tấm lưới bắt cá liệt. Mỗi mẻ lưới tôi gỡ được hơn 10kg cá liệt và các loại hải sản khác. Mỗi mùa biển động cá liệt thường vào bờ để ẩn nấp và kiếm mồi nên việc thả lưới cũng thuận tiện hơn, không phải đi xa. Bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 300 - 500 nghìn đồng từ việc thả lưới bắt cá”.
Cách đó hơn 100m, 5 người trong một gia đình khác cũng tranh thủ gỡ cá để cân cho thương lái. Một người trong gia đình này cho biết, mùa cá liệt thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch cho đến hết mùa đông. Cá thường sống dọc các ghềnh đá, nhất là khu vực biển Cù Lao Chàm, nhưng sau mùa mưa hay biển động thì thường tìm đến ven bờ để sinh sản.
“Gia đình tôi sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề chài lưới ven biển An Bàng, nên cứ canh con nước vào mùa đông là đi “săn” cá liệt. Với giá dao động 15 nghìn đồng/kg cá nhỏ và hơn 30 nghìn đồng/kg cá lớn như hiện nay, ít nhất mỗi ngày tôi kiếm được 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/chuyến thả lưới” - một ngư dân nói.
Theo nhiều ngư dân, mùa cá liệt không kéo dài nhưng đem lại thu nhập khá. Nếu siêng năng, một tháng gia đình thu hơn 10 triệu đồng là chuyện bình thường. Do cá tươi, dễ chế biến được nhiều món ăn ngon nên người dân nơi khác và thương lái rất chuộng. Cá mắc lưới bao nhiêu đều bán hết trong ngày.
Hành trang một chuyến đi biển gần bờ của ngư dân cũng rất đơn giản, chỉ cần những tấm lưới chuyên bắt cá liệt, chiếc thúng chai là có thể hành nghề. Thả lưới cá liệt mùa biển động từ lâu đã trở thành cái nghề của nhiều ngư dân trong những ngày rỗi việc.