Ngư dân góp phần bảo vệ công trình khí

QUANG NGUYỄN 04/12/2013 13:32

Chương trình truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tổ chức mới đây tại huyện Núi Thành đã thu hút sự hưởng ứng của ngư dân đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh.

Đông đảo ngư dân tham gia buổi truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển.Ảnh: Q.VIỆT
Đông đảo ngư dân tham gia buổi truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển.Ảnh: Q.VIỆT

Hiện nay, trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, PV Gas đã lắp đặt và vận hành 3 đường ống dẫn khí có tổng chiều dài hơn 700km. Cả 3 hệ thống đường ống dẫn khí nói trên đã có những đóng góp thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ sản phẩm khí khô của PV Gas cung cấp, các nhà máy điện đã sản xuất 40% tổng sản lượng điện quốc gia; các nhà máy sản xuất phân đạm đã sản xuất được 60% đạm trong cả nước. Đồng thời PV Gas cũng đã cung cấp hơn 60% sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các hộ cá nhân trong cả nước. Do đặc thù sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ nên ngành công nghiệp khí luôn đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo ông Nguyễn Thành Nghị - Phó Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam, để bảo đảm an toàn cho các công trình khí và hệ thống đường ống dẫn khí, thời gian qua ngành khí đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với việc tổ chức đào tạo chuyên sâu cho cán bộ ở nước ngoài để học hỏi và nắm vững những công nghệ tiên tiến, ngành đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, tổ chức các buổi truyền thông đến với ngư dân – lực lượng sản xuất lớn trên các vùng biển. Các buổi truyền thông đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân về bảo vệ tài sản của quốc gia.

Thực tế sản xuất của ngành khí đã cho thấy nhiều thảm họa do nổ đường ống dẫn khí. Nhiều quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí lớn mạnh Nga, Mỹ, Anh đều đã để xảy ra những thảm họa do rò rỉ, cháy nổ đường ống dẫn khí. Riêng tại Việt Nam, gần đây nhất, ngày 25.8, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ra thông cáo về sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dẫn tới việc Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phải cấm tàu bè, phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km. Trước đó, ngày 24.8, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn đã xác định được vị trí rò rỉ ở điểm đấu nối giữa đường ống của mỏ Chim Sáo với đường ống Nam Côn Sơn. Rất may, việc rò rỉ đã được khống chế sau đó.

Tại chương trình truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển do PV Gas phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tổ chức, nhiều nội dung đã được thông qua. Tại buổi truyền thông, PV Gas đã phát tờ rơi; hướng dẫn, cung cấp cho ngư dân tọa độ các công trình dầu khí và hệ thống đường ống dẫn khí đi qua. Cùng với đó là giới hạn hành lang an toàn của các công trình dầu khí để ngư dân không neo đậu tàu cá, không sử dụng các hình thức đánh bắt có thể gây mất an toàn đường ống dẫn khí. PV Gas đã giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của công tác an ninh, an toàn dầu khí và kêu gọi ngư dân đánh bắt xa bờ của Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống đường ống dẫn khí trên biển.

Tại buổi truyền thông, các thước phim về các thảm họa cháy nổ đường ống dẫn khí đã xảy ra trên thế giới và phim về bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển đã được chiếu dẫn giúp ngư dân góp phần phòng tránh khi có hiện tượng rò rỉ khí xảy ra. Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nói: “Khi sản xuất trên biển, chúng tôi luôn tìm cách tiếp cận các ngư trường khác nhau có thể đem lại sản lượng khai thác cao. Đã có lần chúng tôi đến gần hành lang các công trình dầu khí trên biển mà không hay. Qua buổi truyền thông này, chúng tôi hiểu rõ thêm sự giàu có của tài nguyên quốc gia và sẽ biết cách bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú đó”. Còn ngư dân Phạm Bé (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) thì cho biết: “Lâu nay chúng tôi nghĩ rằng các công trình khí ở sâu dưới lòng đại dương dù có thả lưới thật sâu thì chúng tôi cũng không tác động đến được. Qua buổi truyền thông này, chúng tôi biết thêm về sự rò rỉ của đường ống dẫn khí nên sẽ theo dõi các hiện tượng bất thường từ hệ thống này, kịp thời báo cho cơ quan chức năng”.

QUANG NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân góp phần bảo vệ công trình khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO