Khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, các chủ tàu sản xuất xa bờ trên địa bàn tỉnh loay hoay chuyển đổi nghề nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Sản xuất gặp khó
Ngư dân Lương Văn Quang (thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ composite QNa-93859 mong mỏi thị trường xuất khẩu lươn biển được khôi phục. Lươn biển không có đầu ra, tàu cá của ông Quang nằm bờ gần 3 tháng qua.
“Các tư thương cho biết lươn biển chỉ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường này chưa khơi thông trở lại. Tôi chỉ mong đi biển lại để có nguồn thu trả nợ ngân hàng đã cho tôi vay vốn đóng tàu QNa-93589” - ông Quang nói.
Khi đóng mới tàu vỏ composite theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, ông Quang rất kỳ vọng vào nghề lưới rê hỗn hợp nhưng sản xuất thất bát. Nợ quá hạn rồi nợ xấu ập đến buộc ông phải chuyển đổi sang nghề lưới chụp, đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng các chuyến biển vẫn thu không đủ bù chi. Tham quan, học hỏi nhiều nơi, ông Quang lại quyết định chuyển đổi thêm lần nữa với nghề khai thác lươn biển. “Nghề lươn biển thu được sản lượng không nhiều nhưng bù lại có giá trị kinh tế khá nhờ xuất khẩu nên tôi cầm cự qua ngày” - ông Quang nói.
Nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành loay hoay chuyển đổi từ nghề lưới vây sang lưới chụp rồi trở lại lưới vây nhưng giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển vẫn thấp. Khi sở hữu tàu vỏ gỗ, anh Nguyễn Thanh Tiến (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) là một trong những ngư dân điển hình sản xuất giỏi của huyện. Bán tàu vỏ gỗ, tiếp cận vốn vay ưu đãi đóng “tàu 67” là tàu vỏ thép QNa-91027, anh Tiến đã đầu tư ngư lưới cụ quy mô, máy dò cá ngang, máy định vị hiện đại, kỳ vọng làm giàu từ biển với nghề lưới vây.
Thực tế sản xuất lại trái ngược, anh Tiến phải vay mượn hàng trăm triệu đồng cải hoán lại tàu vỏ thép, đầu tư 4 tăng gông, chuyển sang nghề lưới chụp. Thời gian đầu, sản lượng mực và một số loại cá đạt khá, các loại mực lại có giá nên anh Tiến phấn khởi. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, sản lượng mực xà, mực nang, mực ống và các loại cá giảm dần, sản xuất gặp khó, anh Tiến đã quay lại với nghề lưới vây. “Nghề cá thất thường, rất khó gắn bó với một nghề để sản xuất lâu dài” - anh Tiến cho biết.
Trữ lượng giảm sút
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trên cơ sở các đề tài khoa học nghiên cứu về các nghề đánh bắt hải sản gắn với việc thí điểm triển khai, khi nhận thấy hiệu quả bước đầu, có tính khả thi để nhân rộng, ngành khuyến khích, định hướng ngư dân trên địa bàn tỉnh học tập, vận dụng khai thác hải sản như lưới vây, lưới rê hỗn hợp 3 lớp, lưới chụp... Thực tế lâu nay các nghề chủ lực đó đều cho thấy hiệu quả. Thế nhưng, do trữ lượng hải sản ở các vùng biển ngày càng giảm sút nên ngư dân khó thu được sản lượng cao sau mỗi chuyến biển trong thời gian gần đây. Trong khi đó, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đầu ra hải sản lại thiếu ổn định nên giá trị kinh tế ngư dân thu được không cao, có những chuyến biển thu không đủ bù chi. Ngành thủy sản tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) để dự báo các ngư trường có thể giúp ngư dân sản xuất tốt với các nghề lưới vây, lưới chụp, lưới rê...
Để khắc phục khó khăn, theo Sở NN&PTNT, thời gian qua đơn vị phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy cũng như vận động ngư dân tiếp cận các máy móc, thiết bị hiện đại như máy dò ngang, máy định vị để bổ trợ cho quá trình đánh bắt hải sản được hiệu quả hơn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đang trợ giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách của tỉnh, trung ương để đầu tư hầm bảo quản hải sản hiện đại, đèn led, ra đa hàng hải, la bàn nhằm tăng hiệu quả sản xuất...