Hỗ trợ nhiên liệu là “cái phao” giúp ngư dân xoay xở bám biển trong bối cảnh giá xăng dầu, nhu yếu phẩm tăng cao khiến chi phí chuyến biển tăng vọt. Tuy vậy, một năm qua ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa được nhận hỗ trợ nhiên liệu.
Mỏi mòn chờ đợi
Chưa được nhận hỗ trợ nhiên liệu, để có thể tiếp dầu, mua lương thực, thực phẩm, đá cây... phục vụ chuyến biển với nghề câu ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Quân (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) phải ứng trước của đầu nậu trên địa bàn.
“Chuyến biển tốn hơn 50 triệu đồng. Nghề cá thời gian qua gặp nhiều khó khăn, tôi đâu có sẵn vốn nên phải ứng trước. Mình phụ thuộc vào nậu nên lo ngại đầu ra hải sản sẽ không cao” - ông Quân nói. Mong mỏi của ông Quân là được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu quý 3, quý 4 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2022 với mức 75 triệu đồng/chuyến/quý.
Từ năm 2010 đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển với mức 4 chuyến/năm, lần lượt là 100 triệu đồng/chuyến/quý với tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa có công suất từ 700CV trở lên, 75 triệu đồng/chuyến/quý với tàu cá có công suất từ 400CV đến dưới 700CV, 55 triệu đồng/chuyến/quý với tàu cá có công suất 250CV đến dưới 400CV.
Đây là chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ gìn biển đảo. Tuy nhiên việc chậm trễ hỗ trợ nhiên liệu khiến nhiều ngư dân khóc ròng trong thời điểm “bão giá” hiện nay.
Ngư dân Trần Văn Minh (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá hành nghề lưới vây cho biết, chưa nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu từ quý 3 năm 2021 đến nay nên chưa thể chia 50% cho bạn biển, vì thế họ… lơ. Thiếu bạn biển, ông Minh đã phải đi bạn cho tàu cá của ngư dân Trần Văn Phong (người ở cùng thôn), còn tàu cá của ông thì nằm bờ.
“Mong các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc giải quyết tiền hỗ trợ nhiên liệu giúp chúng tôi được tiếp nhận để bám biển” - ông Minh nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đến nay ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa được nhận hỗ trợ nhiên liệu quý 3, quý 4 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2022, nguyên nhân do... thiếu cán bộ. “Trước đây chi cục có 28 cán bộ nay chỉ có 16 biên chế mà hồ sơ xét duyệt hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển quá nhiều nên trễ” - ông Long nói.
Giải quyết bất cập
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu đòi hỏi phải cẩn trọng để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Bởi vậy, đơn vị đã gửi danh sách tất cả tàu cá của ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu quý 3, quý 4 năm 2021 đến các xã có nghề cá để đối chiếu lần cuối, tránh sai sót. Sau đó mới tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh giải ngân tiền hỗ trợ nhiên liệu đến ngư dân.
“Chỉ thời gian ngắn nữa là ngư dân sẽ được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu quý 3, quý 4 năm 2021. Chúng tôi cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xét duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu quý 1, quý 2 năm nay để UBND tỉnh thông qua việc giải ngân. Khẩn trương nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ” - ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ thủy sản xã Tam Quang cho biết, nhiều chủ tàu cá sản xuất ở các vùng biển xa đến phàn nàn rằng họ đã gửi đủ 7 tin nhắn và thực hiện chuyến biển ít nhất là 13 ngày, có đầy đủ các thủ tục, hồ sơ theo quy định nhưng không được hỗ trợ nhiên liệu. Ngành chức năng trả lời là trạm bờ không nhận đủ 7 tin nhắn nên không thể hỗ trợ nhiên liệu.
“Hiện nay tất cả tàu cá xét duyệt hỗ trợ nhiên liệu đều vận hành thiết bị giám sát hành trình. Qua thiết bị này, ngành chức năng biết rõ các tàu cá hoạt động ít nhất 13 ngày ở các vùng biển xa thì có nên bắt buộc phải đủ 7 tin nhắn để xét duyệt hỗ trợ nhiên liệu?” - ông Dũng nói.
Về điều này, ông Võ Văn Long cho biết, quy định đầu tiên trong hồ sơ xét duyệt ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu là phải có đủ 7 tin nhắn, đây là quy định bắt buộc.
“Có thể có trường hợp ngư dân nhắn hơn 7 tin nhắn và cũng có thể do bị nghẽn mạng hay trục trặc kỹ thuật nên trạm bờ không nhận đủ 7 tin nhắn ngư dân gửi về nên không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ nhiên liệu theo quy định.
Chúng tôi đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định là không bắt buộc phải có đủ 7 tin nhắn mới được hỗ trợ nhiên liệu. Bộ NN&PTNT trả lời là có thể đến cuối năm nay sẽ có quy định mới là căn cứ vào giám sát hành trình để xét duyệt hỗ trợ nhiên liệu chứ không cần phải đủ 7 tin nhắn, qua đó thuận tiện cho ngư dân hơn” - ông Long nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Chi cục Thủy sản đang thiếu 5 biên chế công chức. Sở NN&PTNT đang tuyển thêm biên chế công chức để ngành thủy sản đáp ứng được các nhiệm vụ, chức năng, nhất là xét duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân. Tuy nhiên, việc này dự báo khó khăn do khan hiếm nhân lực được đào tạo chính quy ngành thủy sản.