Ngư dân làm nghề câu mực khơi đang thực hiện chuyến biển cuối cùng của năm với kỳ vọng đạt sản lượng cao, đem lại giá trị kinh tế khá. Nghề câu mực khơi luôn là “điểm nóng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, thì nay nhiều chủ tàu đã nâng cao ý thức trách nhiệm, khắc phục tình trạng này.
Hy vọng chuyến biển bội thu
Chuyến biển câu mực khơi diễn ra trong 2 - 3 tháng nên ngư dân Quảng Nam chỉ thực hiện tối đa 4 chuyến biển mỗi năm. Mỗi tàu câu mực thường có công suất lớn, dài từ 15m trở lên, chở theo hơn 40 thuyền thúng và thường khai thác ở ngư trường Trường Sa.
Ngư dân Trần Văn Phong (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu câu mực khơi QNa-95179 có công suất 718CV cho biết, chuyến biển thứ 3 vừa qua chi phí lên đến 800 triệu đồng.
Tàu của ông Phong thu được hơn 20 tấn mực, bán được 1,2 tỷ đồng, lãi không nhiều. Ở chuyến biển thứ 4 này, tàu có 33 bạn biển, dự định câu mực đến cuối năm thì về đón tết. Giá dầu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng khác đều tăng. Hy vọng chuyến vươn khơi này ông Phong đạt sản lượng, có thu nhập anh em đón tết đầy đủ.
Sau khi đưa thuyền thúng, vật dụng cần thiết lên tàu câu mực khơi QNa-95179, ngư dân Trần Đình Hợp - bạn biển của ông Phong cho biết, thời tiết mùa này thất thường, sóng to gió lớn nên phải hết sức cẩn thận. Thường gió cấp 7 - 8 thì mực nhiều dễ câu. Càng về khuya mực càng ăn nhiều. Đêm nào ông cũng câu đến sáng rồi lên tàu chợp mắt.
Ngư dân Phạm Đức Trí (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực QNa-91577 cho biết, từ đầu năm đến nay ngư dân nghề câu mực khơi gặp khó do trữ lượng mực xà ít.
Trong khi đó, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu mực xà khô nên giá bán chỉ đạt dưới 50 nghìn đồng/kg (năm được giá, ngư dân bán 130 nghìn đồng/kg). Bởi vậy, ngư dân rất mong chuyến câu mực cuối năm đạt hiệu quả để chuẩn bị cho cái tết tươm tất.
“Làm nghề câu mực khơi sợ nhất là những cơn dông bất thình lình. Cái khó nữa là phải ứng trước bạn mới chịu đi câu mực khơi. Nhiều khi câu mực không đạt, bạn biển không trả nợ, bỏ đi câu với tàu khác, chi phí ra khơi lớn” - ông Trí nói.
Tuân thủ các quy định
Ngư dân Lê Đức Việt (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90144 cho biết, vì tàu có chiều dài hơn 24m nên ở chuyến ra khơi cuối năm có chủ tàu là thuyền trưởng hạng 1, thêm thuyền trưởng tàu cá hạng 2, máy trưởng tàu cá hạng 1 và thợ máy tàu cá.
Ông Việt có đầy đủ giấy tờ, thủ tục và báo trước 1 giờ khi rời cảng hoặc cập cảng cá Tam Quang để cán bộ Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam đến kiểm tra, xác nhận xuất cảng hoặc cập cảng.
Theo ông Việt, thời gian qua, máy giám sát hành trình (GSHT) tàu cá liên tục bị mất kết nối do lỗi từ nhà mạng. Bởi vậy, ngoài sử dụng mạng của Vinaphone, ông Việt còn đầu tư máy GSHT khác sử dụng mạng của Viettel để dùng khi cần thiết.
“Tôi có trang bị máy định vị, định dạng để nhận biết tọa độ của tàu. Để tránh di chuyển qua vùng biển nước bạn, tôi luôn bật GSHT để ngành chức năng biết, cảnh báo khi tàu đến vùng biển ranh giới với nước bạn” - ông Việt nói.
Ngư dân Trần Văn Môn (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu câu mực khơi QNa-95579 cho biết, tàu câu mực khơi đã được ngành thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Khi tàu câu mực khơi ở vùng biển Trường Sa đều ghi nhật ký khai thác hải sản đúng quy định.
Khi sản xuất trên biển, tuân thủ các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tuyệt đối không đưa tàu qua vùng biển nước bạn và không sử dụng nghề cấm, không đánh bắt hải sản quý, hiếm, nguy cấp.
Quảng Nam có 58 tàu câu mực khơi, nhiều nhất là xã Tam Giang có 29 tàu. Hầu hết tàu câu mực khơi của tỉnh đang bám biển chuyến cuối năm.
Theo ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, chủ các tàu câu mực khơi thực hiện đúng các quy định về GSHT tàu cá, các văn bằng, chứng chỉ, giấy phép, thủ tục khi xuất cảng và cập cảng cá Tam Quang.
Ngư dân câu mực khơi cũng đã hưởng ứng cài đặt, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử… Sản phẩm mực xà có thể truy xuất nguồn gốc vì ngư dân đảm bảo các thông tin khai báo...
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam (Sở NN&PTNT) cho biết, Nhà nước hỗ trợ dầu tối đa 4 chuyến/năm nên luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân theo nghề câu mực khơi hoàn thiện điều kiện để được nhận hỗ trợ đầy đủ.
Câu mực khơi quanh năm trong điều kiện thời tiết trên biển biến động, nhất là mùa biển cuối năm; khi cần ngư dân có thể đưa tàu và phương tiện vào tránh trú bão ở các âu thuyền Song Tử Tây, Đá Tây, Niêm Yết…