Ngư dân Quảng Nam với đảo đá Bông Bay

LÊ VĂN CHƯƠNG 30/11/2018 02:10

Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm ở mạn ngoài cùng về phía đông, cách đảo trung tâm Phú Lâm gần 100km, được ngư dân gọi là đảo Bom Bay. Đây là cảng nổi thiên nhiên để tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam vào tránh trú bão.

Đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Bông Bay như một sân vận động khổng lồ có hình ô van nổi lên giữa Biển Đông, chiều dài gần 20km, rộng 5km, chỉ có một cửa duy nhất ở hướng tây nam. Khi thủy triều rút xuống, vành đai san hô nằm xấp xỉ ngang mặt nước. Có thể ví, đảo đá Bông Bay quan trọng với ngư dân đến mức giống như một người đang đứng giữa một biển nước lụt và nhặt được chiếc phao bơi. Hòn đảo này bỏ hoang, được cắm một ngọn đèn biển cho tàu đi qua eo biển Malacca.

Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 22.11, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho xây dựng một cấu trúc mới trên đá Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Trà, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt - Trung và Tuyên bố DOC, làm phức tạp, căng thẳng tình hình Biển Đông”.

Trong những cơn bão có cường độ gió cấp 8, tôi thường xuyên lên máy Icom để theo dõi đường đi của các con tàu. Hàng ngàn tàu cá đã quy tụ về khu vực đảo đá Bông Bay để neo tránh gió, khi biển lặng thì tiếp tục đi làm. Vì nếu mỗi lần biển động mà tàu cá chạy thẳng vào bờ sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 lít dầu, chưa kể chuyến biển bị lỡ. Khi nghe thông tin trên Icom, điều mà tôi phân vân là nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và Bình Định đã chạy vào trong lòng đảo núp gió, còn nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam chỉ chạy vòng ngoài nên xác suất an toàn thấp hơn, vì bà con sợ vào đảo sẽ bị tàu tuần tra Trung Quốc gây nguy hiểm. Nhưng thực tế, theo thông tin tôi nắm được thì tàu tuần tra Trung Quốc không thể đi lọt vào trong đảo, thỉnh thoảng nó mới xuất hiện ở khu vực này.

Tôi nắm khá rõ về tình hình ngư dân ở đảo đá Bông Bay, do đã thực hiện đề tài khoa học về ngư dân và Biển Đông vào năm 2017. Theo đó, ngư dân Quảng Nam và ngư dân các tỉnh khác vẫn thường xuyên bám đảo và thậm chí lên hòn đảo này. Hoạt động đánh bắt diễn ra thường xuyên và thông qua đó, bà con cũng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên thực tế. Qua nhiều cuộc phỏng vấn, tôi biết được, ngư dân Quảng Nam đã có mặt tại đảo đá Bông Bay từ rất lâu. Những năm trước đây, bà con đi tàu nhỏ ra Bông Bay để câu mực khơi. Vào thời điểm đó, có nhiều tàu cá đã bị nạn. Ông Nguyễn Biểu ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) từng bị bão và mất tích tại đá Bông Bay vào tháng 5.1991. Sau nhiều vụ tai nạn, ngư dân đã nâng cấp tàu thuyền ra bám biển ở đá Bông Bay, đồng thời tránh gió bằng cách chạy quanh đảo. Nếu xuất hiện gió từ phía Philippines thì chạy về mạn tây của đảo neo trú an toàn. Vì vậy,  Bông Bay đã trở thành điểm tựa cho hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Nam dừng tàu để lấy điểm, sau đó tiếp tục hành trình ra bãi ngầm Macclesfield (vùng biển quốc tế) để đánh bắt. Đây là bãi ngầm từng có lượng hải sản phong phú nhất trên Biển Đông.

 LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân Quảng Nam với đảo đá Bông Bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO