Ngư dân Tam Hải đánh bắt cá chuồn thu tiền triệu mỗi ngày
(QNO) - Sau vài giờ ra khơi giăng lưới, ngư dân thôn Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành) có thể đánh bắt được hàng trăm con cá chuồn bán cho thương lái thu về tiền triệu mỗi ngày.

Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Những ngày tháng 5, tầm 16 giờ chiều ngư dân Ngô Văn Xu (64 tuổi, thôn Thuận An, xã Tam Hải) lại tất bật chuẩn bị 20 tấm lưới màu xanh (dài hơn 1.000m, rộng 1m, ô lưới 20mm) để cùng bạn thuyền ra khơi đánh bắt cá chuồn bay, cách bờ khoảng 10 hải lý.

Hơn 30 năm thâm niên hành nghề đánh bắt cá chuồn, ông Xu cho biết, mùa đánh bắt cá chuồn từ tháng 2-5 âm lịch, đây cũng là thời điểm rong mơ ở xã đảo Tam Hải phát triển, loài cá này vào gần bờ tìm kiếm thức ăn.

Mỗi chuyến ra khơi, ông đánh bắt được trên dưới 100 con cá chuồn xanh, chuồn cào. Thương lái mua với giá hơn 100 nghìn đồng/chục cá chuồn xanh, còn loại chuồn cào rẻ hơn một chút. Ông Xu nhẩm tính mỗi đêm đánh bắt cá chuồn đem lại cho ông và bạn thuyền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

“Cá chuồn có cánh nên biết bay, vì vậy tôi phải xác định được hướng chảy của dòng hải lưu và thả lưới theo hướng chéo ngược với dòng hải lưu một góc 45 độ. Cạnh đó, tôi còn dùng đèn để dụ cá vào lưới hiệu quả hơn. Cá chuồn ở biển Bàn Than có thịt thơm ngon, béo và được khá nhiều thương lái ưa chuộng nên bán khá chạy” – ông Xu nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sò (thôn Thuận An) cho hay, sau khi đưa thuyền thúng ra khơi, ông và bạn thuyền giăng hàng chục tấm lưới xuống biển. Khoảng 19 giờ đến 23 giờ đêm là bắt đầu thu gom lưới và gỡ cá chuồn chở vào bờ cân bán cho thương lái.
Ông Sò cho biết: “Tôi và nhiều ngư dân khác ở thôn Thuận An dùng thuốc nhuộm lưới từ màu trắng thành xanh lá để khi thả xuống biển màu lưới sẽ hòa quyện với nước, như vậy cá chuồn sẽ khó phát hiện lưới và mắc nhiều hơn. Vào mùa cá chuồn, mỗi ngư dân thu được vài chục triệu đồng trở lên”.
Được biết, tại xã đảo Tam Hải, phần lớn người dân làng Thuận An sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Phương tiện đánh bắt cá, mực là những thuyền có công sức nhỏ từ 10-20CV và thúng chai cùng ngư lưới cụ.

Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Mùa đánh bắt cá chuồn diễn ra trong thời gian ngắn chỉ vài tháng nhưng đem lại cho ngư dân mức thu nhập khá ổn định. Để bảo vệ nguồn lợi cá chuồn tự nhiên, ngư dân không khai thác trứng cá chuồn bám trên rong biển. Sau mùa đánh bắt cá chuồn, ngư dân chuyển sang hái rong mơ, lưới mực…

Cá chuồn hay còn được gọi là cá vạc, cá bay hoặc cá cánh dơi biển, chúng là một loại cá biển đặc biệt với đôi cánh rộng như cánh dơi. Cá có thể sống ở nhiều nơi, từ các vùng biển nhiệt đới cho tới cận nhiệt đới. Kích thước của cá chuồn trưởng thành thường dao động từ 30-60cm, cân nặng từ 0,5-6kg.
Cá chuồn là một loài cá biển quen thuộc với người dân Việt Nam, thường xuất hiện trong các món ăn dân dã như kho với mít non, nướng... và được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon đặc trưng.
[VIDEO] - Ngư dân Ngô Văn Xu chia sẻ về mùa đánh bắt cá chuồn: