Xã Tam Quang (Núi Thành) - địa phương trọng điểm về nghề cá của Quảng Nam cơ bản kết thúc thắng lợi mùa khai thác hải sản năm 2019, tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng của ngư dân mong được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ…
Năm nay, xã Tam Quang ra quân đánh bắt với lực lượng tàu thuyền nhiều nhất huyện Núi Thành là 415 chiếc, tổng công suất máy 92.280CV, tăng 12% so với năm ngoái, trong đó có 170 tàu thuyền công suất máy từ 90CV trở lên, chiếm hơn 40% tổng số tàu đánh bắt trên biển.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách nông - ngư nghiệp xã Tam Quang cho biết, năm 2019, sản lượng khai thác hải sản của Tam Quang đạt 18.800 tấn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 lên 38 triệu đồng/năm. Xuất hiện nhiều tàu lưới vây, tàu câu mực khơi ở xã Tam Quang khai thác đạt sản lượng cao trong năm nay như tàu lưới vây của ông Trần Sành (thôn Sâm Linh Tây) đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng, 16 bạn biển đi trên tàu có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/người/năm. Hàng chục phương tiện khác như tàu ông Trần Nhân, Trần Trường, Huỳnh Tấn Dũng… có doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng qua mùa khai thác hải sản năm 2019, các bạn biển có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/người/năm.
Những năm gần đây, chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ và UBND tỉnh là nguồn động lực chính cho các ngư dân Tam Quang yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế đồng thời khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Thực tế, ngư dân xã Tam Quang đã tiếp cận Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhiên liệu, riêng năm 2019 được hơn 50 tỷ đồng; tiếp cận Nghị định 67/2014 của Chính phủ “về một số chính sách phát triển thủy sản” được 12 dự án, tiếp cận Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đóng mới được 13 chiếc và các tàu thuyền này đã tham gia hoạt động khai thác hải sản có hiệu quả, nhất là nghề chụp mực...
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nghề khai thác hải sản ở Tam Quang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, chia sẻ: “Trong nghề đánh bắt hải sản hoạt động thường xuyên trên biển với ngư trường rộng lớn, ngư dân phải đối mặt với thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của bà con. Mặt khác, tình hình ngư trường đánh bắt ở Biển Đông diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của ngư dân. Việc định hướng đầu tư phát triển nghề khai thác xa bờ và một số nghề hoạt động trên biển còn chưa phù hợp; giá cả đầu ra sản phẩm hải sản chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các “đầu nậu”, các cơ sở thu mua hải sản. Ngoài ra, kỹ thuật đánh bắt hải sản của ngư dân Tam Quang vẫn chưa đáp ứng với ngư trường đánh bắt hiện nay”.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, địa phương đang đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan giúp đỡ tạo môi trường thuận lợi để ngư dân tiếp cận nhanh các cơ chế chính sách mới. Qua đó, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương vùng trọng điểm nghề cá; ưu tiên cho đầu tư phát triển nghề khai thác xa bờ, trong đó chú trọng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Cùng với đó, xã tiếp tục vận động ngư dân với nguồn lực sẵn có cùng với các nguồn vốn khác mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền lớn có công suất từ 700CV trở lên, trang thiết bị hiện đại kết hợp chuyển đổi ngành nghề cùng với chuyển đổi ngư trường phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích ngư dân vươn khơi, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, củng cố tổ đoàn kết sản xuất trên biển, xây dựng lại phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân.