Ngư dân vào vụ sản xuất chính

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/04/2015 08:17

Bắt đầu từ hôm nay (1.4), ngư dân trên địa bàn tỉnh chính thức bước vào vụ sản xuất chính với nhiều kỳ vọng lẫn lo toan cho một năm bám biển.

Hồ hởi vào vụ

Ngay sau khi vụ cá bắc kết thúc vào cuối tháng 3.2015, ngư dân trên địa bàn tỉnh lại bước vào vụ sản xuất chính của năm, từ hôm nay cho đến ít nhất là hết tháng 9.2015. Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), không hẹn mà gặp, các bạn biển từ khắp huyện, thành trong và ngoài tỉnh tập trung lại để theo các chủ tàu đi câu mực khơi ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Ngô Văn Sửu đến từ TP.Đà Nẵng (“bạn” lâu năm của con tàu câu mực khơi do ngư dân Huỳnh Ngọc Huệ ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang làm chủ), cho biết: “Năm vừa rồi hên lắm, tôi đi câu mực khơi 3 chuyến thì đều trúng cả, thu nhập được hơn 100 triệu đồng. Cuối năm trước, khi nghe chủ tàu hẹn đầu tháng 4 này sẽ lại vươn khơi nên chờ đợi rồi tập trung đúng hẹn tại cảng để bắt đầu vụ mới, rất mong lại có các chuyến biển thành công”. Vừa dứt lời, anh Sửu cùng với nhiều bạn biển khác hì hục kéo các thúng câu lên tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi hàng tháng trời. Hiện thời tiết rất thuận lợi để phương tiện các nghề như chụp mực, lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng cùng vươn khơi. Bước vào vụ sản xuất chính này, xã Tam Giang có 49 phương tiện với tổng công suất gần 30 nghìn mã lực vươn khơi sản xuất xa bờ.

Ngư dân Quảng Nam bước vào vụ sản xuất chính. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Quảng Nam bước vào vụ sản xuất chính. Ảnh: N.Q.V

Tại cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), nhiều phương tiện cũng hối hả rẽ sóng ra khơi bám biển. Ông Đỗ Nhựt (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) là chủ tàu cá QNa-91134 có công suất 719CV được đóng mới từ nguồn vốn vay không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam từ 3 năm qua. Ông cho biết năm vừa rồi sản lượng đánh bắt không cao, giá cả sản phẩm vẫn chưa ổn định nên đời sống của nhiều bạn biển vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, vào vụ chính năm nay lại không xảy ra tình trạng “sốt” lao động câu mực khơi như những năm trước, đến thời điểm này anh em ngư dân đi trên tàu đã tập trung đông đủ, nhiều người rất háo hức trước chuyến biển đầu tiên của năm. “Đã mấy tháng nghỉ đông rồi chứ có ít đâu, nhớ biển lắm chứ. Đã là nghiệp biển rồi thì trông cho trời yên biển lặng là ra khơi, dù có khó khăn thì cũng vượt qua. Hy vọng năm nay giá cả hải sản ổn định và có những chuyến biển bội thu” – ông Nhựt nói.

Đến các bến cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) hay Duy Hải (Duy Xuyên), nhiều tàu cá “ngủ đông” trong mùa biển động vừa qua cũng chuẩn bị vươn khơi. “Giờ mới bước vào vụ sản xuất chính nhưng nhiều ngư dân đã bắt đầu vụ mới cách đây gần tháng trời. Chừ tàu cá của chúng tôi mới ra khơi, muộn hơn nhưng chắc hơn. Mỗi nghề đánh bắt mỗi khác, chắc khoảng 10 ngày sau chúng tôi sẽ lại cập bến cá này để bán sản phẩm. Nghề lưới vây của chúng tôi sản xuất là vậy” - ngư dân Lê Văn Mai (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá QNa-95979 có công suất 555CV theo nghề lưới vây ngày cho biết.

Nhiều nỗi lo

Quảng Nam có 2 nghề chủ lực sản xuất trong vụ chính này là câu mực khơi và lưới vây. Bước vào vụ sản xuất chính, nhiều ngư dân lại lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Vụ vừa rồi các loại cá ngừ, cá nục (sản phẩm chính của nghề lưới vây) có thời điểm bí đầu ra và giá cả sụt giảm. Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng tư thương ép giá vì cho rằng sản phẩm được bảo quản không tốt khiến hiệu quả sản xuất của nhiều phương tiện sụt giảm. Theo UBND xã Tam Giang, các chuyến biển trước của nghề lưới vây đến thời điểm này đều cho hiệu quả thấp, nguyên nhân là đầu ra sản phẩm rất bấp bênh. “Thống kê của chúng tôi cho thấy, chỉ một nửa số ngư dân theo nghề lưới vây ở địa phương là có dư dôi chút ít, còn lại thì thua lỗ. Vụ chính chừ mới bắt đầu mà ngư dân đã lo sốt vó rồi. Nếu nghề câu mực khơi cũng bí đầu ra thì sẽ là năm thất bát của nghề khai thác hải sản - ngành kinh tế chính của người dân xã Tam Giang” - ông Nguyễn Văn Lúc, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Giang nói.

Một nỗi lo khác của ngư dân Quảng Nam vào thời điểm này là thiếu phương tiện sản xuất. Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) được kỳ vọng sẽ nâng chất cho nghề cá Quảng Nam vậy mà đến thời điểm này, trong số 64 chủ tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện để vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thì mới chỉ có 1 ngư dân được giải ngân đóng tàu. Đại đa số ngư dân trong nhóm được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo nghị định đã bán một hoặc vài tàu cá để có vốn đối ứng vay vốn. Đến thời điểm này họ không có phương tiện để sản xuất trong vụ chính mà không biết đến bao giờ mới được giải ngân đóng tàu. Trong vụ sản xuất chính này, đội tàu đánh bắt xa bờ chủ lực của Quảng Nam sẽ thiếu vắng khoảng 50 phương tiện tham gia sản xuất ở các vùng biển xa của Tổ quốc. Bởi vậy, Quảng Nam sẽ không dễ để có thể thực hiện được chỉ tiêu khai thác 80.000 tấn hải sản (tăng 5.000 tấn so với năm 2014).

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân vào vụ sản xuất chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO