Hôm qua 12.9, tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành), Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam tổ chức hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn hàng hải” thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngư dân, chủ tàu biển, doanh nghiệp vận tải biển trong tỉnh.
Kiến thức cần thiết
Dự hội nghị tại hội trường UBND xã đảo Tam Hải, hàng trăm ngư dân các xã ven biển trên địa bàn huyện Núi Thành chăm chú lắng nghe các tham luận tuyên truyền an toàn giao thông hàng hải. Những kiến thức về an toàn hàng hải thiết yếu quan hệ với nghề thường xuyên đánh bắt hải sản trên biển nên được ngư dân tập trung lắng nghe, tiếp nhận. Ông Dương Đại Thắng - Phó Trưởng phòng An toàn - an ninh hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn một số nguyên tắc giúp ngư dân an toàn hơn khi hoạt động trên biển; trước hết là phòng ngừa tàu thuyền đâm va. Theo đó, chủ tàu cá cần thường xuyên duy trì cảnh giới bằng mắt nhìn và tai nghe, đồng thời sử dụng tất cả thiết bị sẵn có để theo dõi hướng hoạt động của tàu thuyền, hạn chế nguy cơ đâm va. Khi tàu cá về bờ, ngư dân cần bám sát mép bên phải của luồng lạch. Để tránh gây trở ngại cho tàu thuyền khác, tàu cá của ngư dân không được chạy cắt ngang luồng và nếu không thực sự cần thiết thì không nên thả neo trong luồng hẹp.
Ngay cả khi neo đậu, chủ tàu cũng phải chú ý đến các nguy cơ không đảm bảo an toàn hàng hải. TRONG ẢNH: Luồng vào cảng Kỳ Hà (Núi Thành). Ảnh: T.L |
Về cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân được giải thích để hiểu thêm, phân biệt rõ cứu nạn với cứu hộ: Cứu nạn là các hoạt động cứu ngư dân thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng, bao gồm tư vấn y tế ban đầu và một số biện pháp khác để đưa người bị nạn đến nơi an toàn. Cứu hộ là hoạt động cứu tàu cá, tài sản trên tàu cá của ngư dân thoát khỏi nguy hiểm thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện cứu hộ với ngư dân là chủ tàu cá đó. Ông Hồ Xuân Phong - Phó Trưởng phòng phối hợp cứu nạn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cũng đã cung cấp cho ngư dân các số liên lạc để được cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp, gồm các đài thông tin duyên hải qua tần số 7903KHz; các trạm biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2. Ông Phong còn chia sẻ kỹ năng: “Khi không may gặp sự cố trên biển, ngoài sử dụng thiết bị vô tuyến gọi nhiều lần nhờ trợ giúp, ngư dân có thể dùng bất kỳ thiết bị nào đó để phát ra âm thanh liên tục nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của các tàu thuyền khác. Ngoài ra, nên treo cờ phát tín hiệu, đốt lửa, tạo khói để tàu thuyền khác có thể phát hiện được”.
Ngư dân hưởng ứng
Tránh các nguy cơ không đảm bảo an toàn hàng hải Trong thời gian qua, một số tàu cá của ngư dân Quảng Nam khi neo đậu đã lấn chiếm luồng hàng hải làm ảnh hưởng đến hoạt động tàu ra - vào nhận trả hàng tại cảng Kỳ Hà, cảng Tam Hiệp. Việc cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong vùng nước cảng biển cũng gây một số khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải. Ông Lê Xuân Hùng - cán bộ Phòng Pháp chế, an toàn & thanh tra hàng hải Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam cho rằng, đây là nguy cơ gây ra các sự cố tai nạn hàng hải tại vùng nước cảng biển. “Việc neo đậu, lấn chiếm luồng hàng hải trong vùng nước cảng biển và buộc tàu vào các phao báo hiệu hàng hải là vi phạm quy định. Bà con ngư dân không nên tháo gỡ cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng, hệ thống đài thông tin duyên hải, báo hiệu hàng hải và các thiết bị khác của công trình cảng biển và luồng hàng hải. Ngư dân cũng không nên thải các chất độc hại làm hư hại các công trình cảng biển, luồng hàng hải” - ông Hùng nói. |
Những kiến thức được tuyên truyền, phổ biến tại hội nghị đã giúp ích cho ngư dân đảm bảo an toàn giao thông hàng hải và chủ động phòng chống, hạn chế các rủi ro trên biển. Ngư dân Ngô Văn Thủy (thôn Tân Lập, xã Tam Hải) chia sẻ, qua hội nghị này, ông và nhiều ngư dân khác biết rằng khi không may gặp tai nạn, sự cố trên biển hoặc phát hiện dấu hiệu có tàu khác gặp nạn, cần khẩn trương thông báo cho các phương tiện xung quanh biết để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng. Nếu tình huống nguy nan hơn sẽ gọi điện thông báo cho các đài duyên hải và các trung tâm tìm kiếm cứu nạn đến ứng cứu. “Mùa mữa bão đã đến, chúng tôi nhận rõ sự nguy hiểm khi hoạt động trên biển. Bởi vậy, tàu cá hiện nay đã hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm. Khi ra khơi, chúng tôi trang bị phao áo, phao tròn, túi thuốc y tế đủ dùng cho mọi người. Trên tàu cá, chúng tôi duy trì nguồn điện, ắc quy cho các thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo kết nối thường xuyên với đất liền. Khi đang ở trên biển mà có nhận được cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão thì sẽ tuân thủ sự hướng dẫn của ngành chức năng, nhanh chóng đưa tàu cá vào nơi trú ẩn an toàn” - ông Thủy nói.
Ông Lê Hữu Ngọc Tín - Đài duyên hải TP.Đà Nẵng đã khuyến cáo ngư dân, khi ra khơi trong mùa mưa bão này cần trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc I-com như IC-710, IC-718, VHF cũng như luôn bảo đảm các thiết bị được hoạt động tốt, nhận liên lạc khi cần hỗ trợ. Khi tàu bị nạn, hãy gọi đến đài thông tin duyên hải để được trợ giúp nhanh nhất. Khi đó, đài thông tin duyên hải sẽ lập tức phát thông tin về tàu bị nạn trên sóng vô tuyến điện để các tàu hoạt động trong khu lân cận biết, đến hỗ trợ tàu bị nạn. Ngoài ra, đài duyên hải cũng sẽ chuyển thông tin tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tiến hành cứu nạn khẩn cấp. “Khi ra khơi, ngư dân cần trang bị thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (phao EPIRB). Thiết bị này sẽ tự động phát tín hiệu cấp cứu khi tàu bị chìm, qua đó giúp cho công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra nhanh chóng và kịp thời. Khi có thuyền viên bị tai nạn hay ốm đau, ngư dân cần liên lạc với đài duyên hải để kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115, qua đó được hướng dẫn trực tiếp từ các nhân viên y tế. Khi có sự cố hỏng máy tàu hoặc thiết bị thông tin liên lạc, ngư dân liên lạc với chúng tôi để được hướng dẫn kiểm tra, xử lý hoặc kết nối với thợ máy sửa chữa” - ông Tín nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT