Ngủ yên nhé! Bé cưng...

VŨ NGỌC GIAO 14/03/2020 21:19

Con đường cỏ mọc chạy qua một khu rừng già, trên ngọn đồi nhỏ trải dài hoa mua tím. Đứng trên này nhìn thấy được cả những con tàu neo đậu xa tít ngoài khơi. Con đường mòn qua đây có lẽ ngày trước người đi rừng tự khai phá, vừa đủ một người đi, quanh co, lởm chởm đá. Hai bên đường thỉnh thoảng lại mọc lên bụi tầm ma cao bằng đầu người.

 

Mùa xuân năm ấy ấm áp và nhiều mưa. Cha đi trước, tôi theo sau. Ông đi thoăn thoắt, cứ như người chuyên đi rừng vậy. Tôi cũng vậy, nhanh như sóc, dù ở nhà yếu ớt và lười. Không gì tuyệt bằng theo cha vào rừng, gió rít bên tai, mây lơ lửng sát đất, tưởng như chỉ với tay lên là kéo được cả đám mây lại gần. Trong cái tịch mịch của rừng, tôi nghe được cả tiếng côn trùng rích rích trong bụi cỏ.

Đi hết con đường, cắt ngang là cái rẫy trồng đủ các loại cây trên đất đồi, rẫy của cha tôi. Cha tôi nhờ ông Tường - một ông cụ sống đơn độc, quanh năm ở đó canh giữ rẫy và cuốc đất, trồng cây. Mỗi chiều xong việc ông lại ngồi lên tảng đá trong vườn nhìn xuống biển, rít thuốc lào sòng sọc. Những lúc như thế, trông ông như pho tượng cổ.

Phía ngoài rẫy có một lối đi khác. Nói là lối đi, nhưng chẳng mấy ai đi vì đám cỏ dưới chân vẫn xanh, lâu lâu mới có đám bị xéo lên, vàng úa. Tôi nhiều lần mon men trên lối đi đó, nhưng rồi quay lại ngay, vì sợ. Biết đâu cái lối đi bí mật kia có một ông ba bị nào đó, chuyên bắt cóc trẻ con về mổ bụng, moi gan ra ăn. Tôi vẫn nghe người lớn bảo thế, nên thôi. Tôi sợ!

Lần này lên rừng cũng vậy, tôi chơi loanh quanh, không ngoài tầm mắt của cha. Từ sáng đến chiều, hết trò chơi, tôi lại mon men đến cái lối đi bí mật kia.

Lần này tôi đi xa hơn, rồi xa hơn chút nữa… Đi một lúc tôi chẳng thấy ông ba bị nào bắt tôi cả, tôi mạnh dạn hơn. Cuối con đường này là đâu? Tôi băn khoăn tự hỏi rồi đi tiếp. Có một cành khô bằng gai được nối lại thành hàng rào chắn ngang lối đi. Tôi dừng lại. Bên kia hàng rào, một bé gái đang lẫm chẫm đi. Cảm giác lạ lùng xâm chiếm lấy tôi. Không thể tưởng tượng được, nơi rừng thiêng này lại xuất hiện một đứa bé xinh xắn đến vậy. Tôi ngây người nhìn nó, cô bé vẫn không hay biết gì. Cố hết sức vẹt cành gai sang một bên, tôi lại gần cô bé:

- Sao em lại ở đây? Mẹ em đâu?

- Mẹ bẻ... ủi - Ngọng nghịu cô bé trả lời tôi rồi đưa ngón tay chỉ ra sau.

- Mẹ bẻ củi à? - Tôi mân mê ngón tay xinh xinh của em - Em tên gì?

Cô bé toét miệng cười không trả lời, hai lúm đồng tiền lún sâu xinh như búp bê.

Có tiếng chân lạo xạo trên lá. Tôi ngẩng lên. Một gương mặt thiếu phụ đang nhìn tôi, thoáng chút bất ngờ, cô vội vàng vấn lại mái tóc rối bằng chiếc khăn đen. Bộ quần áo trên người cô nhàu nhĩ nhưng vẫn không giấu được vóc dáng mảnh mai và gương mặt đẹp của cô. Rất nhanh, cô bế thốc đứa bé lên, vội vàng đi vào sâu hơn, cũng trên lối mòn đó.

Tôi trở về, băn khoăn không biết cô là ai, sao mẹ con cô lại ở nơi rừng thiêng này? Cách đứa bé chạy chơi rất quen trong rừng và bộ quần áo cũ mèm của người mẹ, tôi đoán mẹ con họ đã ở đây từ lâu rồi.

 Về đến chòi canh, tôi mang chuyện vừa thấy kể cho ông Tường nghe. Ông cụ kể rằng: Mẹ đứa bé lúc trước sống ở dưới kia, cha mẹ cô làm nghề chài lưới. Cô yêu một người đàn ông rồi có thai. Còn điều gì đó bí ẩn sau chuyện này ông không được biết. Cô bỏ nhà lên đây, sống vạ vật phía trong vách núi, rồi tự sinh con trong đêm. Ông biết được, khuyên cô trở về nhưng cô nhất định ở luôn trong rừng và nuôi con. Thương tình ông dựng tạm ngôi nhà ở phía trên đồi cho hai mẹ con. Cô trồng rau, nuôi đàn gà. Có đêm cô gửi ông trông giúp đứa bé, xuống núi mua thức ăn và đồ dùng cho con rồi trở lên.

Tuần sau cha lại khăn gói vào rừng, tôi cũng xin theo. Lần này tôi men theo lối đi bí mật đó, vào sâu hơn nữa. Được một đoạn, tôi trông thấy một ngôi nhà nhỏ được ghép tạm bợ bằng những tấm gỗ. Ngôi nhà nằm lọt thỏm trên cánh rừng, bên bờ một khe suối, bên trong không có ai. Tôi đoán đây là nhà của mẹ con em bé. Tôi ngồi dưới mái hiên thật lâu nhưng vẫn không thấy một bóng người. Đứng lên định trở về, từ xa tôi nhìn thấy người thiếu phụ, một tay bế đứa bé, tay kia cô ôm một bó củi khô. Đứa bé nhận ra tôi, nó thích thú cười vang. Có lẽ chốn rừng núi này nó không có bạn để chơi. Tôi lại gần:

- Cô để cháu bế em giúp cô?

Một thoáng phân vân, cô vẫn đứng yên. Em bé vừa thấy tôi đưa tay đã nhoài người qua cười khanh khách.

- Cháu ở đâu lên đây? - Thiếu phụ lạnh lùng hỏi.

- Cái rẫy dưới kia là của cha cháu - Tôi đưa tay chỉ.

- À, vậy cô biết - Nói rồi cô im lặng bẻ củi nhóm lửa. Gương mặt cô che gần hết bằng chiếc khăn sùm sụp trên đầu, nhưng bên ánh lửa tôi vẫn nhận ra một gương mặt đẹp, lạ lùng và bí ẩn.

Tôi ngồi chơi với hai mẹ con em bé đến chiều.

Từ ngày đó lần nào lên rừng tôi cũng đến chỗ hai mẹ con em. Càng ngày cô bé càng thích tôi. Mỗi khi thấy tôi lên, cầm theo đồ chơi, nó ngửa mặt lên trời cười như nắc nẻ. Mẹ em cũng gần gũi với tôi hơn. Cô cho tôi bế nó đi loanh quanh trên đồi. Ngày đó tôi mới lên tám tuổi nên tôi bế em trông như mèo tha dưa cải vậy.

Bẵng một thời gian rất lâu cha không cho tôi vào rừng vì mỗi khi trở về tôi thường bị ho. Ngày nọ tôi năn nỉ xin theo, cha đành cho tôi đi.

Theo lối cũ, tôi chạy đến chỗ em. Ngôi nhà nhỏ bỏ không, đồ đạc cũng không còn, chỉ sót lại hai cái bát ăn cơm, đôi đũa, con búp bê nhựa, bộ đồ hàng để nấu ăn tôi cho em vẫn nằm lăn lóc bên hiên. Bần thần một lúc, tôi hớt hải chạy về:

- Ông ơi, em bé đi đâu rồi? - Tôi hỏi ông Tường.

Ông cụ húng hắng ho một tràng, lúc sau mới thủng thẳng trả lời:

- Kiểm lâm đi tuần phát hiện ra hai mẹ con, họ không cho ở nữa. Cổ bế con đi, cũng được non một tháng rồi.

Từ ngày đó, vào rừng chẳng có ai chơi, tôi cũng không muốn đi cùng cha nữa.

Một ngày cha có việc vào rừng, phải mang theo nhiều thứ lỉnh kỉnh, ông rủ tôi đi cùng. Tôi xăng xái mang vác giúp cha, ba lô quàng trên lưng, hai tay xách một bi đông đựng nước và một cà mèn cơm. Trông tôi như một cái nấm biết đi.

Đến nơi, tôi ngồi phịch xuống đống củi thở phì phò. Chừng hết mệt, tôi lại mon men theo lối cũ,  hy vọng biết đâu mẹ con em bé quay trở lại. Tôi đi, qua rào chắn bằng gai, qua gần hết lối mòn. Ngơ ngác tìm quanh, tôi chẳng thấy ngôi nhà của mẹ con em bé đâu cả, có lẽ người ta đã phá đi rồi.

Tôi trở về, buồn bã nghĩ, vậy là mẹ con em không còn trở lại đây. Cắm cúi đi, chân tôi vấp phải hòn đá đau điếng, tôi ngồi thụp xuống xuýt xoa. Bất chợt nhìn lên tôi thấy một nấm đất nhỏ xíu được đắp, trông như nấm mộ, nằm chơ vơ bên bìa rừng. Tôi lại gần, đúng là nấm mộ thật rồi, còn chân hương sót lại trên đó. Tôi chạy về chòi canh.

- Ông ơi, bìa rừng đằng kia có ngôi mộ nhỏ - Vừa thở hổn hển tôi vừa chỉ cho ông Tường hướng ngôi mộ tôi vừa thấy.

Ông cụ không tỏ ra ngạc nhiên, trầm ngâm một lúc lâu ông thở dài:

- Đứa bé hay chơi cùng cháu đó, mẹ nó để nằm đó rồi đi.

Tôi hoang mang:

- Sao lại là em bé? Sao em ấy lại phải nằm ở đó?

Ông Tường lại rít thuốc lào sòng sọc.

Trời sẩm tối. Khu rừng trút lá ào ào, rụng đầy trên lối đi, chúng phát ra tiếng lép bép mỗi khi chân tôi giẫm lên. Ngoài kia, trăng lưỡi liềm treo lơ lửng bên rừng. Đêm đó tôi và cha ở lại cùng ông trong chòi canh. Tưởng tôi đã ngủ, thủng thẳng bỏ từng thanh củi vào đống lửa, giọng khàn khàn ông kể với cha: Hai mẹ con em bé sau khi bị kiểm lâm phát hiện, bồng bế nhau xuống dưới kia, cô nói về ở nhờ nhà cha mẹ. Hơn hai tháng sau, đêm nọ ông đang ngủ, nghe tiếng liếp rung lên và tiếng gọi thất thanh. Ông bật dậy thắp cây đèn bão, trước mắt ông là cô và đứa bé đang thõng thượt trên tay. Đứa bé đã chết chỉ sau hai ngày sốt vật vã. Cô xin ông giữ kín chuyện, cho cô chôn tạm con bên bìa rừng và hứa sẽ trở lại mang nó về chôn cất cẩn thận. Rồi cô đi biền biệt đến nay không trở lại.

Câu chuyện về em bé trong rừng đã ám ảnh tôi. Nhiều đêm liền, tôi thấy em về trong giấc mơ tôi. Em rủ tôi vào rừng chơi. Trong giấc mơ, tôi chẳng thể nào phân biệt được thật hay mơ. Nhiều đêm liền, tôi mơ thấy cùng em chạy chơi loanh quanh trong rừng, mỗi khi nắm được áo tôi em bật cười khanh khách. Có đêm, em đến rủ tôi vào rừng, tôi lắc đầu. Em chạy quanh giường, giật tấm chăn tôi đang đắp, hờn giận tôi, cào cấu tôi. Tôi hoảng sợ bừng tỉnh giữa đêm. Lúc đó tôi nhìn thấy cha còn ngồi bên bàn làm việc, đèn vẫn sáng choang.

Nhiều đêm lặp lại như thế, cha không cho tôi vào rừng nữa, ông bảo với cô tôi “thần kinh nó yếu”. Riêng tôi, tôi biết chuyện em về giữa đêm rủ tôi đi chơi là “thật” trong mơ. Hai năm sau, gia đình tôi chuyển đi nơi khác, ba mươi năm đã trôi qua, chuyện cô bé trong rừng tôi cũng lãng quên.

Một ngày, tôi lại vào rừng chơi. Lang thang qua những đồng cỏ bên vách núi đá. Lúc trở về, vô tình nhìn vào bụi cỏ tôi thấy một ngôi mộ nhỏ xíu, được trét tạm xi măng bên ngoài, có vẻ như ai đó vừa đến thăm. Bên mộ có cành hoa tươi, còn hương khói. Bất giác tôi rùng mình, nhớ lại câu chuyện em bé trong rừng ba mươi năm về trước. Trí óc non nớt của tôi ngày đó làm sao nhớ được, tôi chẳng thể định hướng được tôi đã gặp mẹ con em chỗ nào, nhìn thấy nơi em nằm lần cuối ở đâu. Con đường lớn ngoài kia ngày trước cũng là đồi núi. Ngôi mộ tôi đang nhìn thấy đây có phải là em?

Tiếng chuông chùa thâm u vọng lại trong chiều, tôi đứng thật lâu, cố hình dung lại. Cảnh cũ không còn như xưa và rừng vẫn rì rào gió thổi. Chiều xuống, trở về, mấy ngày sau tôi vẫn băn khoăn… Là em? Sao mẹ không đến mang em về như đã hứa? Ngày đó, em chạy nhảy cùng tôi, cả khi không còn nữa, em vẫn tìm về trong giấc mơ tôi… Tất cả tưởng như còn đó... Những đồng cỏ, bụi hoa dại trên cánh rừng hoang vắng chiều hôm, mảnh trăng lưỡi liềm vắt vẻo bên bìa rừng và cả ngôi nhà nhỏ cô đơn của mẹ con em bé dưới trăng mờ, tưởng đã lãng quên...

Không! Tôi vẫn nhớ. Có những câu chuyện thoáng qua rồi vụt đi như cánh chim bay nhưng mãi còn đọng lại trong trí nhớ nhỏ nhoi của một cô bé đã vô tình chứng kiến nó. Và hôm nay, tôi viết câu chuyện này, để cho em…

Ngủ yên nhé! Bé cưng…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngủ yên nhé! Bé cưng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO