(QNO) - Một đêm khó ngủ của tôi, khi ánh sáng ngày cũ qua đi và màn đêm buông xuống. Tôi nghĩ về tình yêu, tình nghĩa, về những phận người nhỏ bé giữa thời cuộc và nhớ về người bạn già Lê Nuôi vừa từ bỏ cuộc vui nhẹ nhàng như gió bụi.
Trở về sau khi gặp gỡ bạn bè tại triển lãm hội hoạ Niêm Hoa ở Hội An của nhóm G39 Hà Nội, đêm 10/5/2023, người bạn già, chàng lãng tử đi qua bao mùa yêu, mùa sống, và cả những mùa rong chơi bất tận như tiếng côn trùng và loài sâu đất, chợt lặng lẽ, chùng chân buông vó.
Lê Nuôi - “Người hàng binh” già nơi phố cổ. Lê Nuôi - “một di sản văn hóa" sống động nhất của Hội An.
Lê Nuôi - “như rú dừa nước yên bình Cẩm Thanh, như rêu cỏ phất phơ trên mái ngói cổ, như rau Trà Quế, món không thể thiếu với người Hội An… và cả như con đò gỗ nhỏ mà anh vẫn cho neo đậu trước nhà, bên dòng sông Đò.
Lê Nuôi, người mê chơi số một Việt Nam, với nghĩa đẹp nhất của từ “chơi”.
Rất nhiều từ ngữ đẹp đẽ thiện lành được bạn bè nhớ lại khi nhắc tới anh, người đàn ông quảng giao, dân dã với khuôn mặt đặc Tây, dĩ nhiên rồi, và hàng ria mép với bộ râu quai nón mang một vẻ đẹp thuần khiết. Một nét phong trần kiểu Hemingway.
Nói đến Lê Nuôi là nói đến một người đàn ông “Yêu để Sống”. Yêu để đặt niềm tin vào người mình yêu một cách vô điều kiện. Không giao ước, kỳ kèo, cam kết, dù, có thể, sau đó tróc vẩy trầy vi.
“Người đàn bà múa” - với mười năm gắn bó vợ chồng, trong tự thuật của mình, từng viết: “Ở Sở tư pháp, họ bày bánh kẹo thuốc lá như một buổi lễ quan trọng. Lúc họ gọi từng đôi lên, trao giấy, hỏi lần cuối: “Anh chị có tình nguyện lấy nhau hay không?”. Gật. Cái gật nhẹ bâng của một gã si tình.
Yêu thương đong đầy bao nhiêu, đồng nghĩa hỷ nộ ái ố lèn chặt bấy nhiêu, tăng dần. Cơm áo… dần dần bào mòn sự long lanh lãng mạn.
Lỡ “một chuyến bay”, lỡ kiếp vợ chồng.
Lê Nuôi, sau những quẩn quanh với phố phường Hà Nội, tóc râu đã bạc trắng, khuôn mặt già sụp hằn sâu những nếp khắc của thời gian, quyết định từ bỏ phố thị trở về với xứ Quảng, nơi hằn lưu gắn chặt nhiều ký ức “dông bão”, sống nốt quãng đời còn lại.
Nhà anh ở Hội An rất đẹp, đấy nắng gió và cây xanh, ngay cạnh con sông Đò chảy ra Cửa Đại. Như “Ông già và biển cả”, sáng chiều, bên tách cafe cùng điếu thuốc luôn cháy bỏng nơi cửa miệng, mắt xa xăm nghĩ về con cá kiếm của mình đã bị rỉa hết thịt và chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng.
Kể từ đó, anh chia cuộc sống của anh cho Hà Nội, cho Hội An, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt… qua những chuyến rong chơi bất tận cùng bạn bè.
Nói đến Lê Nuôi là nói đến bạn bè, người quen của anh khắp nơi cùng chốn. Nói về một ngôi nhà chẳng bao giờ đóng cửa. Một điểm hẹn của giới báo chí, trí thức, văn nhân, thậm chí kể cả những ai lỡ bước từ khắp ba miền. Bạn bè thường nói: “Một nửa Hà Nội anh quen rồi, nửa còn lại anh sắp quen!”. Những lúc ấy, chàng chỉ cười, nụ cười hiền khô phảng phất chút tinh lanh có thể đốn gục bất cứ người phụ nữ nào đối diện.
Ngày tôi mới về Hội An, kiếm một mảnh đất an cư lạc nghiệp, anh nói: “Xây được ngôi nhà đẹp đã khó, xây xong bỏ đi chơi còn khó hơn. Mình rong chơi, vẫn nhiều bạn đến chơi mới là khó nhất”. Nghe, sao mà thấm.
Lúc xe máy, lúc nhảy tầu, lúc lại xe khách. Đi và đi, chơi và chơi, làm việc thiện nếu cần phải thiện… Anh rong chơi, chia sẻ cuộc đời, tiền bạc của mình tới bạn bè khắp hang cùng ngõ hẻm dọc dài đất nước.
Vừa mới Hội An đấy đã Sài Gòn, ngược Hà Giang, sang Lào, vòng về Lai Châu, hẹn gặp ở Hà Nội trong thoáng chốc rồi đã lại Quảng Trị, Thừa Thiên…
“Sướng, ông ạ. Đi xe đò vừa ngủ được một giấc, vừa tiết kiệm, sáng đã có mặt…”.
Và cứ thế, nhà anh là nhà bạn, nhà bạn là nhà mình. Với anh, nhẹ nhàng không báo cũng chả hẹn!
Như một thói quen, tối qua tôi sang anh - sang nơi chốn mỗi khi anh rong chơi trở về. Ánh đèn leo lắt hắt ra từ nhà hàng xóm, với cửa đóng, then cài. Tiếng gió rít, đưa đẩy những cọng dừa, tiếng côn trùng hoa ca với sâu đất rền rĩ như một bản hoà thanh của đêm tối, của những tiếng động như là đến từ một cõi vừa thực vừa ảo, có mà như không.
Con người, vốn dĩ quen với tiếng cười khi ĐƯỢC và quen với những giọt nước mắt khi MẤT. Với Bailey - một nhà tư tưởng lớn, cái quan niệm đó dường như không hoàn toàn thật. Ông nói: “Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh bạn cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn mỉm cười nhẹ tênh”. Nhận định đầy ý nghĩa về cách sống của ông, đến hôm nay vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng tư tưởng của nhân loại.
Những lời ca của Trịnh cất lên rầu rĩ từ đất khô như một loài sâu tự sinh tự diệt chẳng ai hay, như là lời sau cuối mà loài sâu để lại ở chốn địa đàng. Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô, từ những nơi thấp bé, tối tăm.
Và ngựa đã buông vó.
Nhẹ nhõm, rong chơi, mỉm cười cùng những người bạn mới nhé, anh Lê!