Trong nghệ thuật tạo hình của châu Âu, hình vẽ ngựa có cánh xuất hiện từ rất xưa mô tả những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Nhân năm con ngựa - Giáp Ngọ, xin điểm đôi nét về hình ngựa có cánh trên đồ gốm tìm thấy tại Việt Nam, thể hiện sự kỳ diệu trong nghệ thuật cổ của người xưa.
Trong số hàng trăm nghìn cổ vật được khai quật (năm 1997 - 1999) từ con tàu cổ đắm vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, có rất nhiều họa tiết ngựa có cánh. Con ngựa có đôi cánh mọc ở lưng xuất hiện khá nhiều ở các loại đồ gốm tráng men.
Đầu tiên, vẻ hấp dẫn từ những con ngựa có cánh được trang trí trên đĩa, có đường kính miệng lớn từ 34cm đến 46cm, vẽ lam (oxit côban dưới men) và nhiều màu (đỏ, lục, vàng trên men). Đặc biệt màu vàng lấp lánh như vàng, có lẽ đây là kỹ thuật pha trộn bột vàng với nước men để vẽ. Những đĩa có màu đỏ và vàng hầu hết bị nước biển và dòng chảy làm xói mòn, hư hỏng. Có thể thấy nét mờ của màu đã in hằn trên men trắng khi nhìn nghiêng ở nơi có ánh sáng mạnh. Hình con ngựa có cánh được chú ý trang trí như đang rượt đuổi nhau trong đám mây cuộn với các thú linh khác là kỳ lân… Chúng được thể hiện bằng nét vẽ lam trên thân bình (H.1).
Một chiếc bình quý mà người Ấn Độ gọi là Kudika, hay Kendi (vật đựng của các tu sĩ Bà la môn, Phật giáo khi đi hành hương mang theo bên mình) là bình có vòi phình như bầu vú cũng thấy hình vẽ con ngựa có cánh trang trí ở phần thân phình ra của bình. Với chiếc bình Ngọc Hồ Xuân (bình tì bà) thường được trang trí chim chích chòe (còn gọi là bình chích chòe) cũng được trang trí hình ngựa có cánh. Ở vị trí thân phình lớn của một cái âu vẫn thấy xuất hiện hình con ngựa có cánh.
Có thể thấy, dẫu vẽ trên mặt phẳng (lòng đĩa) hay khối cong, tròn (âu, bình…), các nghệ nhân đã khéo léo bố cục, sắp đặt hình ngựa có cánh trong vòng tròn, hay chung quanh một khối cầu. Xem hình ngựa có đôi cánh vút lên cùng với đầu cổ như ưỡn đỡ đám mây bên trên, chân bên dưới choãi đạp mây là hình ngựa được bố cục chặt chẽ trong lòng đĩa hình tròn; cụ thể hơn như một bình cao 61,5cm (một sưu tập của tư nhân) có đến 2 hình ngựa có cánh xen kẽ với hình thú linh khác - kỳ lân (H.2). Bình này có lẽ là đồ dùng của vua chúa hay giới quý tộc.
Hầu như môtip ngựa có cánh chỉ được trang trọng trang trí ở các đĩa có kích thước lớn có mép đĩa khác hình cánh sen và nhiều màu. Các đồ đựng, đồ rót khác cũng xuất hiện môtip này ở kích thước lớn. Ngoại lệ một bình Ngọc Hồ Xuân rất nhỏ hoặc một số nắp hộp nhỏ được trang trí hình ngựa có cánh. Có thể đây là vật quý dùng để chứa rượu, nước cho việc cúng lễ.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ