Ngừa hiểm họa từ côn trùng

LÊ QUÂN 03/11/2023 17:00

(QNO) - Mùa mưa là thời điểm vàng để côn trùng sinh sôi. Cùng với sốt xuất huyết do muỗi đốt, hiểm họa từ ong vò vẽ cũng như các bệnh viêm da do côn trùng cũng là mối nguy hiểm với sức khỏe con người. 

Nguy kịch do ong vò vẽ

Liên tiếp các vụ việc người dân bị ong vò vẽ đốt xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Điều đáng chú ý, nhiều trường hợp nguy kịch phải chuyển bệnh viện tuyến trên để điều trị hoặc thậm chí tử vong.

Giữa tháng 9, chị N.T.L. (sinh năm 1983, ngụ xã Tam Sơn, huyện Núi Thành) khi dẫn theo 3 con nhỏ về nhà mẹ ruột ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh chơi thì bị đàn ong vò vẽ bay vào đốt hàng trăm mũi. Người nhà nhanh chóng đưa 4 mẹ con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

Các cháu bé bị ong vò vẽ đốt từ 23 mũi đến 55 mũi phải chuyển Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Riêng chị L. hôn mê, phải lọc máu và truyền huyết thanh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. 

Nọc từ ong võ vẽ chứa rất nhiều chất độc hại. Ảnh: L.Q
Nọc ong võ vẽ chứa rất nhiều độc tố. Ảnh: M.H

Trước đó, vào cuối tháng 7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng tiếp nhận bệnh nhân L.V.P. (SN 1992, ngụ xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) bị ong vò vẽ đốt. Được biết, anh P. cùng một số người đến địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để lấy tổ ong vò vẽ nhưng không may bị ong đốt vào vùng mặt. Anh P. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.

Các bác sĩ xử lý theo phác đồ sốc phản vệ độ 4 do ong đốt, thì bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tiên lượng tổn thương não sau ngưng tuần hoàn, hôn mê sâu và đồng tử giãn. Anh P. sau đó được gia đình đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị nhưng không qua khỏi.

Các cháu bé bị ong vò vẽ đốt điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hồi tháng 9. Ảnh: S.T
Các cháu bé bị ong vò vẽ đốt điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hồi tháng 9. Ảnh: S.T

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, khi bị ong chích, nạn nhân có thể gặp tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Những độc tố trong nọc ong gồm Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonin, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin… khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp…

Phòng tránh côn trùng cắn

Bên cạnh mối nguy từ ong vò vẽ, theo các chuyên gia, mùa mưa đang là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng gây bệnh sinh sôi. Đây cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết do muỗi đốt phát triển mạnh.

Tại Quảng Nam, thời gian qua số ca mắc sốt xuất huyết giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, cũng như số ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy vậy, trước thời tiết mưa ẩm như hiện tại, số ca mắc đang có dấu hiệu tăng lên. 

Ngoài ra, mùa mưa có rất nhiều côn trùng được sinh sản, đặc biệt là kiến ba khoang. Sau cơn mưa, kiến ba khoang thường bay lên trú ngụ vào quần áo, giường, màn, khăn tắm hoặc có khi bay lên đậu vào người. Độc tố của kiến ba khoang khiến da bị phồng rộp, nổi mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti. Người bệnh có cảm giác bỏng rát ở vùng da nơi kiến ba khoang đốt; có người bị sốt nhẹ, hoặc bị biến chứng, gây viêm da toàn thân.

Dịch của kiến ba khoang rất độc, có thể làm thương tổn da. Theo bác sĩ Bệnh viện Da liễu Quảng Nam, biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt khá giống với bệnh zona thần kinh nên nhiều lầm tưởng và điều trị bệnh zona, đến khi bị biến chứng mới đến bệnh viện.

Kiến ba khoang phát triển mạnh vào mùa mưa. Ảnh: M.H
Kiến ba khoang phát triển mạnh vào mùa mưa. Ảnh: M.H

Các chuyên gia y tế cho rằng, khi côn trùng đốt như ong mật, kiến, bọ chét thường là nhẹ, biểu hiện tại chỗ là ngứa ngáy khó chịu. Nhưng ngòi, nọc của nó có thể gây tổn thương lâu dài như viêm da, loét da bên ngoài. Trường hợp nặng có biểu hiện toàn thân như sốc phản vệ, tổn thương huyết học, đông máu, hô hấp, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

Để phòng tránh bị côn trùng đốt, cắn, các gia đình cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh nhà cửa; thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng ở những vị trí nhiều cây, kênh mương, ao hồ ở gần nhà ở.

Khi bị côn trùng đốt, cắn, cần xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn dù có độc hay không độc thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, nhất là với người cao tuổi và suy giảm miễn dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngừa hiểm họa từ côn trùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO