Ngưng lắng cùng thời gian...

BẢO ANH 20/08/2017 09:02

Các văn nghệ sĩ cần bao nhiêu thời gian để cho ra đời một tác phẩm? Câu hỏi này vẫn hay được đặt ra và thường nhận được những câu trả lời khác nhau. Và ở một khía cạnh nào đó, sự khác biệt của những câu trả lời ấy cũng là một thành tố góp phần làm cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật trở nên “có chuyện” hơn...

Khoảnh khắc lao động nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Ảnh: B.ANH
Khoảnh khắc lao động nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Ảnh: B.ANH

Đi là có tác phẩm

Ở Quảng Nam, hằng năm Hội VHNT tỉnh đều tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên của mình. Có những chuyến đi ngoài tỉnh, dài ngày, và cũng có những chuyến đi gần, chóng vánh ở những nơi mà các văn nghệ sĩ đã từng đến nhiều lần, thậm chí là “đi” ở chính nơi mà họ đang sinh sống, làm việc. Nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, người từng làm “bầu sô” cho rất nhiều chuyến đi, lý giải: “Một nơi nào đó, dù quen thuộc đến đâu chăng nữa, mỗi lần đến thì chắc chắn sẽ nhìn thấy những cái mới, cái khác. Vì thế, chúng tôi thường vẫn đi mà không nề hà đó là chỗ lạ hay quen. Đi để hâm nóng chính mình và để sáng tác...”.

Dù đã có một “cơ chế đặc biệt” là cứ đi thực tế, bao giờ có tác phẩm thì... tính sau chứ không nhất thiết phải có ngay, nhưng nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng đã giữ được thói quen không phải ai cũng có được, ấy là có tác phẩm ngay tức khắc. Bởi vậy, rất nhiều lần, ngay sau khi kết thúc chuyến đi thực tế hay đi trại sáng tác, Hội VHNT tỉnh lại có đủ số lượng tác phẩm cần thiết để tổ chức ra mắt tác phẩm mới. Ví như đợt trại năm 2016 của Chi hội Mỹ thuật ở Tiên Phước, chỉ sau 10 ngày đã có hơn 40 bức tranh ra đời, đủ để làm một triển lãm tại chỗ. Hay như chuyến đi của nhóm các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Nam Trà My hồi đầu năm 2017, chỉ sau một ngày đã có 5 tác phẩm mới để góp thêm cho sự nóng hổi trong đêm giao lưu văn nghệ cùng đồng bào vùng cao Trà Nam. Tạp chí Đất Quảng cũng nhờ vậy mà dễ dàng có được những số chuyên đề với những tác phẩm còn nóng hổi. Đặc biệt, có những tác giả có khả năng “thai nghén” và “sinh nở” rất nhanh, như các cây bút thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Hải Triều, Đinh Huyền thì vừa đi vừa sáng tác, khi vừa đến nơi cần đến thì đã có tác phẩm trình làng. Nguyễn Thượng Hỷ, Võ Như Diệu, Trương Bách Tường... cũng là những cây cọ có tốc độ “chuyển hiện thực vào tác phẩm” cực nhanh bằng các tác phẩm ký họa sinh động. Hay như Lê Trọng Khang, bằng cách tìm hiểu trước về nơi mình sẽ đến và hình thành sẵn ý tưởng trong đầu nên trong hầu hết chuyến đi thực tế, Khang luôn có những tác phẩm tốt từ rất sớm. Bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu Tây Giang” của Khang (đoạt giải A cuộc thi ảnh nghệ thuật Đồng hành với di sản Quảng Nam năm 2017) là một trường hợp như thế.

Ngưng lắng

Không phải với bất cứ ai, bất cứ khi nào, hễ “đi” là có tác phẩm ngay. Ngược lại, có không ít người mỗi năm đi thực tế 3 - 4 chuyến nhưng vẫn không có gì để trình làng. Một số người thì phải chờ mấy tháng sau, thậm chí nhiều năm sau mới có được tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Hải Triều, một trong những người có khả năng làm thơ rất nhanh, nhưng có lúc phải đau đáu mấy chục năm. Như trường hợp bài thơ “Chiều mưa bên mộ bạn” chỉ gồm 25 câu thơ viết cho một đồng đội hy sinh ở chiến trường K, anh khởi bút từ năm 1984 nhưng mãi đến năm 2010 mới hoàn thành. Anh kể: “Lạ lắm, nhiều lúc cảm xúc, hồi ức ứ đầy trong ngực nhưng không thể viết thành lời!”. Với nhà văn Hồ Duy Lệ, hầu hết tác phẩm bút ký dài hơi của anh về đề tài chiến tranh cách mạng đều được viết từ những trải nghiệm chiến trường của chính anh cách đây trên dưới 50 năm, kết hợp với những chuyến đi thực tế, tìm kiếm, gặp gỡ người trong cuộc nhiều khi kéo dài hàng mấy tháng trời trong những năm sau này. Hay như nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, tiểu thuyết “Máu và tội ác” (vừa được giải A tại cuộc thi sáng tác văn học về đề tài thương binh liệt sĩ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới đây) được anh viết trong chưa đầy một năm nhưng trước đó, anh đã có một khoảng thời gian rất dài lặn lội đi thực tế và đọc rất nhiều trang sử của vùng đất bi tráng Sơn-Cẩm-Hà (Tiên Phước).

Các chuyên ngành nghệ thuật khác cũng không ngoại lệ. Để vẽ được bức sơn dầu “Hương đất dâng trời” (từng đoạt giải A Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên) đặc tả một cách cô đọng và sinh động về điệu múa tâng tung da dá của người Cơ Tu, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ phải mất khoảng 4 năm đi thực tế, điền dã ở các bản làng vùng cao kết hợp nghiên cứu tài liệu văn hóa và dân tộc học. Với nhạc sĩ Dương Trinh, để có được ca khúc “Hồn núi” đậm chất rừng, anh phải mất hơn 20 năm lăn lộn ở các bản làng vùng cao Trà My. Trong khi đó, để chụp được bức ảnh “Ngày trở về” (từng đoạt 4 giải thưởng từ cấp tỉnh đến cấp trung ương), nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn đã phải 4 lần tìm về một xã vùng xa ở Tây Giang để gặp gỡ nhân vật và chụp. Tổng thời gian từ khi lần đầu tiên nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn phát hiện ra nhân vật và hình thành ý tưởng cho đến khi chụp được bức ảnh ưng ý là gần 4 tháng. Vậy mới thấm thía, rằng chụp ảnh không chỉ đơn giản là “bấm nút” mà vấn đề là “bấm nút” khi nào, ở đâu và trên nền ý tưởng nghệ thuật nào.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngưng lắng cùng thời gian...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO